Động lực mới từ hợp tác xã

VIỆT NGUYỄN 11/10/2021 06:44

Hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn huyện Núi Thành thời gian qua đã tạo động lực phát triển chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và xây dựng nông thôn mới.

Đầu tàu cho OCOP

Trên địa bàn bàn huyện Núi Thành có hơn 20 hợp tác xã (HTX), trong số đó có 9 đơn vị tham gia với nhiều đóng góp cho chương trình OCOP. Hầu hết sản phẩm OCOP nổi bật của địa phương hiện nay đều từ sản xuất, kinh doanh của các HTX.

Có thể kể đến sản phẩm “Mực rim xé sợi Cô Kiệu” (HTX Nông - thủy sản Trung Hải, xã Tam Hải), “Dầu phộng Tam Giang” (HTX tổng hợp Thuận An - xã Tam Giang), “Dầu phộng Chu Lai” (HTX Nông nghiệp Tam Anh Bắc), “Rượu gạo Bàn Than” (HTX Thuận An - xã Tam Hải), “Chè Đức Phú Tam Sơn” (HTX chè Đức Phú Tam Sơn), “Trà linh chi Hoàng Hải”, “Nấm linh chi Hoàng Hải” (HTX Nông nghiệp Hoàng Hải - Tam Quang). 

Sản phẩm cá đét sấy giòn cô Kiệu. Ảnh: VĂN PHIN
Sản phẩm cá đét sấy giòn cô Kiệu. Ảnh: VĂN PHIN

Bà Phạm Thị Lê Na - Giám đốc HTX Nông - thủy sản Trung Hải với sản phẩm “Cá đét sấy giòn Cô Kiệu” - một trong 3 sản phẩm dự thi OCOP cấp tỉnh của huyện Núi Thành trong năm nay cho biết, cá đét là sản phẩm đặc trưng của miền biển Tam Hải. Khi chọn đầu tư sản phẩm tham gia OCOP, HTX chú trọng chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Từ nguồn vốn khuyến công của huyện Núi Thành hỗ trợ 500 triệu đồng cộng với vốn tự có, HTX đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng gồm nhà xưởng, kho bãi, xưởng sơ chế, sân phơi, xưởng chế biến. Để phục vụ sản xuất sạch, HTX đã trang bị hệ thống kho lạnh bảo quản cá đét khô, các loại máy cắt cá, nghiền tỏi, hút chân không, tủ sấy…

Đến nay, HTX đã hoàn thiện sản phẩm về nhãn hiệu, logo, bao bì nhãn mác, công bố chất lượng sản phẩm, bán hàng trực tiếp ở các quầy bán hàng OCOP của huyện, các siêu thị, trung tâm thương mại, bán hàng gián tiếp qua website, các sàn thương mại điện tử. Với cách làm ăn bài bản, HTX Nông - thủy sản Trung Hải thu lợi hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo thu nhập ổn định cho hơn 10 lao động địa phương.

Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển ngành nông nghiệp cũng như sản phẩm OCOP. Huyện xác định muốn sản xuất, kinh doanh bền vững thì cần phát triển nông nghiệp hàng hóa, đẩy mạnh liên kết, chủ động nguyên liệu, sản xuất, chế biến sâu và kinh doanh phù hợp để ổn định đầu ra sản phẩm.

Đến nay, cả 9 HTX tham gia chương trình OCOP đều phát huy được lợi thế của địa phương, xây dựng nhiều sản phẩm có ưu thế cạnh tranh trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận.

Góp sức cho NTM

Tam Xuân 2 là địa phương tạo dấu ấn nổi bật về thành quả xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Núi Thành. Thu nhập bình quân đầu người năm qua ở địa phương đạt này xấp xỉ 43 triệu đồng, gấp đôi so với 5 năm trước đây.

Ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho biết, đóng góp lớn vào xây dựng NTM ở địa phương là hoạt động của HTX Nông nghiệp An Phú.

Nông thôn mới mới trên địa bàn huyện Núi Thành khởi sắc có đóng góp lớn của các HTX. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nông thôn mới mới trên địa bàn huyện Núi Thành khởi sắc có đóng góp lớn của các HTX. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ông Đỗ Vạn Thống - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp An Phú cho biết, hiện đơn vị liên kết với các công ty cung cấp lúa giống Quảng Bình, Thái Bình tổ chức sản xuất lúa hàng hóa hơn 420ha cho 1.000 hộ dân.

Để trợ giúp nông dân sản xuất ổn định, HTX đã triển khai rộng khắp chương trình dồn điền đổi thửa, đầu tư hơn 10 tỷ đồng để làm thủy lợi, mua 48 máy cày và 37 máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất.

Về dịch vụ, HTX thực hiện các dịch vụ thủy lợi nội đồng, bảo vệ thực vật, làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp, giúp nông hộ thuận tiện trong các công đoạn sản xuất. Mỗi năm, HTX giúp nông hộ trên địa bàn tiêu thụ hơn 350 tấn lúa với mức giá cao hơn thị trường 1,2 lần.

“Chúng tôi tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng chương trình IPM, sử dụng thuốc sinh học để sản xuất lúa sạch, bảo vệ người tiêu dùng” - ông Thống nói.

Theo ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, không riêng Tam Xuân 2, ở các xã về đích NTM đều có đóng góp đáng kể của HTX trên địa bàn. Những năm gần đây, với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế HTX trên địa bàn đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả hoạt động được nâng cao với đầy đủ loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn.

Các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất; thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.

Các HTX đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, đóng góp rất quan trọng vào quá trình xây dựng NTM.

“Núi Thành đang dồn sức để giúp các xã Tam Trà, Tam Thạnh, Tam Sơn về đích NTM trong năm nay và năm sau. Một trong những nguồn lực quan trọng mà huyện đặc biệt quan tâm là phát huy vai trò của các HTX trên địa bàn” - ông Sinh chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực mới từ hợp tác xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO