Giải ngân vốn đầu tư: "Không thể tự quyết định"

TRỊNH DŨNG 05/09/2020 06:27

Chuyện “xài không hết vốn đầu tư” như một căn bệnh trầm kha! Những viện dẫn về nguyên nhân dẫn đến giải ngân thấp vẫn luôn là chuyện không mới mẻ (giải phóng mặt bằng, cơ chế, năng lực nhà thầu…). Cuộc trò chuyện với lãnh đạo các ban quản lý (BQL) chuyên ngành: ông Võ Văn Điềm - Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT và ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam sẽ rộng thêm đường dư luận.

Thi công đập hồ Hóc Kết (Duy Thu, Duy Xuyên).Ảnh: T.D
Thi công đập hồ Hóc Kết (Duy Thu, Duy Xuyên).Ảnh: T.D

Những nguyên nhân cũ

* PV:Không năm nào giải ngân hết vốn đầu tư, theo ông, đó là do cơ chế hay năng lực?

Ông Võ Văn Điềm.
Ông Võ Văn Điềm.

Ông Võ Văn Điềm: Từ chủ trương đầu tư đến trao được gói thầu xây lắp quá chậm, thủ tục nhiều và rắc rối, phải mất nhiều tháng. Tất cả dự án đều vướng giải phóng mặt bằng. Các địa phương yếu lực lượng hoặc chế độ chính sách chưa được người dân đồng tình. Năng lực nhà thầu cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân. Hiện đấu thầu rộng rãi. Lúc chấm trên hồ sơ dự thầu thì đầy đủ các tiêu chí, nhưng khi triển khai trên thực tế hiện trường thì các nhà thầu yếu huy động nhân công, năng lực tài chính chưa đảm bảo, nên không thể đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân được. Khi tư vấn, đấu thầu qua mạng họ làm hồ sơ, mình chấm nhưng thực tế lại khác vì họ không hiểu địa hình, địa vật Quảng Nam. Chủ đầu tư vất vả khi kiểm soát hồ sơ vì họ làm chưa sát thực tế. Quá trình kiểm tra, thẩm định phải sửa đi, sửa lại nhiều lần nên mất nhiều thời gian.

Các dự án của nông nghiệp phần lớn là thủy lợi, sửa chữa kênh mương, phụ thuộc vào tiến độ cắt nước hoặc hồ cạn mới có thể thực hiện thi công. Thi công tốt nhất là tháng 8. Nhưng đây là thời gian bước vào mùa mưa. Công việc những tháng đầu năm chỉ chuẩn bị, chưa thể triển khai thi công. Đó là chưa kể dự án phân tán khắp nơi. Quy mô không lớn (chỉ từ 15 đến 20 tỷ đồng/dự án), nhưng vẫn phải đủ mọi thủ tục như một dự án lớn và liên quan đến giải phóng mặt bằng. Có những dự án nâng cấp kênh mương, chính quyền cam kết giải phóng mặt bằng (kinh phí có 700 triệu đồng như kênh Phước Chỉ, huyện Quế Sơn; ảnh hưởng đến 180 hộ dân), nhưng triển khai thực tế lại vướng, dân yêu cầu bổ sung phương án, dự án giải phóng mặt bằng. Cho dù mỗi hộ chỉ có vài ba mét vuông đất, khối lượng thời gian kiểm kê, thu hồi, áp giá đất, đủ mọi thủ tục như một dự án lớn nên tốn nhiều thời gian.

Ông Nguyễn Thanh Tâm.
Ông Nguyễn Thanh Tâm.

Ông Nguyễn Thanh Tâm: Tiến độ giải ngân có cải thiện. Riêng hai dự án vay của ADB và KFW do quá trình lập, thời gian dự án kéo dài dẫn đến việc đầu tư một số hạng mục trong thành phần dự án phải thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, phù hợp với nguồn vốn thực tế, nhu cầu của Quảng Nam. Việc này phải làm việc với các bộ, ngành trung ương, kể cả các nhà tài trợ thống nhất mới làm. Do điều chỉnh, bổ sung, chuẩn bị đầu tư lâu, dẫn đến tiến độ giải ngân của 2 dự án này chậm. Tất nhiên, sẽ phải đưa dự án về đến đích theo hiệp định đã ký vào cuối năm 2020. Năm 2020 chỉ chuẩn bị đầu tư, giải ngân sẽ ít. Nhưng đầu 2021 và 2022, khi triển khai thi công, xây lắp thì tiền sẽ đổ vào nhiều hơn và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn cho phù hợp.

Loay hoay giải pháp

* PV:Những vướng mắc nêu trên đâu phải là chuyện mới mẻ gì sao vẫn không thể tháo gỡ nổi?

Ông Võ Văn Điềm: Các cơ quan chuyên ngành ủng hộ tối đa trong việc thẩm định, phê duyệt dự án (ngay cả quyết toán). Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên chuyên môn các đơn vị này thiếu, phải phân thân làm nhiều việc, nên không thể tập trung, nhất là các công trình, dự án của mình chưa phải là những ưu tiên hàng đầu nên chậm. Khó khăn về đầu tư, giải ngân đã được nhìn thấy. Sẽ dần dần được khắc phục, sẽ được sửa đổi để thông thoáng hơn. Trách nhiệm của chủ đầu tư không ngoài việc lựa chọn đấu thầu, tư vấn tốt, kỹ lưỡng. Đơn vị cũng đã có nhiều biện pháp chế tài, nhưng là đối tác với nhau nên cần hỗ trợ, chứ làm căng thì cũng tốn rất nhiều thời gian. Bởi khi xử lý chấm dứt hợp đồng để đấu thầu lại còn mất nhiều thời gian, kéo dài hơn nữa. Sợ phải kéo dài nên dù có “lằng nhằng”, cũng phải cố gắng “dìu qua, dìu lại”. Đó cũng là việc kéo dài và làm suy yếu tiến độ giải ngân.

Ông Nguyễn Thanh Tâm: Có nhiều vấn đề cần khắc phục. Đó là khó từ giải phóng mặt bằng (chuyện đã lâu), từ đất đai đến hành lang đường bộ… Việc thẩm định để phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế… gọi là chuẩn bị đầu tư còn quá chậm. Không chỉ chế độ, chính sách luôn thay đổi dẫn đến các cơ quan chuyên ngành phải điều chỉnh, lúng túng trong quá trình thực hiện thì quá trình thẩm định còn có nhiều ý kiến chưa nhất quán về giải pháp. Quan điểm khác nhau nên phải thống nhất, dẫn đến một số dự án chậm về mặt thời gian. Hai dự án ODA chậm giải ngân chưa phải là do giải phóng mặt bằng mà do điều chỉnh, chuẩn bị đầu tư. HĐND tỉnh, cơ quan quản lý đã thấy hết rồi. Vấn đề là khi nào sửa, ai sửa và sửa như thế nào? Điều này vượt quá năng lực của một ban quản lý chuyên ngành khi không thể tự mình quyết định.

Chủ đầu tư thì người lập dự án thiết kế nhưng không được duyệt mà phải chuyển cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng chuyên ngành, địa phương thẩm định. Chủ đầu tư không biết “chủ từ đâu” vì mình có quyết được đâu. Kể cả những phát sinh nho nhỏ cũng phải xin chủ trương đầu tư, ngay cả 10% dự thầu được phép nhưng chủ đầu tư cũng không thể quyết được, phải xin ý kiến, xin người có thẩm quyền. Điều đó dẫn đến tốn nhiều thời gian.

* PV:Quy trách nhiệm cho người đứng đầu, có phải là chế tài tốt để có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân không, thưa ông?

Ông Võ Văn Điềm: Đúng, nhưng không quan trọng bằng việc các cơ quan chuyên môn cần tập trung giúp sớm thẩm định, phê duyệt hồ sơ (kể cả quyết toán) sẽ gia tăng tỷ lệ giải ngân. Giải phóng mặt bằng là trách nhiệm địa phương, đơn vị sẽ phối hợp đôn đốc thường xuyên, hàng tuần, cụ thể. Nhưng cần UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, có chế tài, ấn định thời gian cụ thể cho các địa phương. Hy vọng chủ trương thành lập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp tỉnh sớm hình thành với nhiều giải pháp thì khả năng tỷ lệ giải ngân sẽ mạnh mẽ hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tâm: Giải ngân vốn đầu tư trong giai đoạn hiện nay là khó. Nhất là các dự án ODA. Tỷ lệ rất thấp. Cả nước đều chậm, không riêng gì Quảng Nam. Không một chủ đầu tư nào cầm tiền mà không muốn tiêu tiền đâu. Tiền giữ không phải của mình. Gửi ngân hàng không được. Không thể sinh lãi. Vốn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội khi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Vấn đề là điều kiện giải ngân như thế nào? Việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu không sai. Vì đã nhận lãnh trách nhiệm đứng đầu cơ quan làm nhiệm vụ tiêu tiền, góp phần phát triển địa phương mà không làm được thì phải chịu trách nhiệm. Tốt sẽ được khen. Không tốt nhận kiểm điểm. Nhưng nếu một mình người đứng đầu chịu trách nhiệm thì cũng oan, cũng tội vì một mình vị ấy có quyết được hết đâu?

Linh hoạt giải pháp để giải ngân hết vốn đầu tư trong năm 2020

Ông Võ Văn Điềm:  Hiện tỷ lệ giải ngân chưa cao (17,1%). Nhưng vốn không nhiều (397,3 tỷ đồng), chủ yếu vốn ODA. Kế hoạch vốn ODA phân bổ thừa sẽ được trả lại cho UBND tỉnh bố trí các dự án khác. Còn các nguồn vốn ngân sách trung ương và tỉnh, cơ bản đến cuối năm cân đối, điều chỉnh sẽ giải ngân hết. Sẽ cân đối, điều chuyển vốn. Công trình ngân sách trung ương hết chỗ giải ngân thì buộc trả lại. Còn ngân sách tỉnh sẽ điều qua, chuyển lại để giải ngân hết trong năm 2020.

Ông Nguyễn Thanh Tâm: Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã có báo cáo số liệu kế hoạch vốn năm 2020, số liệu giải ngân và nhu cầu, khả năng giải ngân. Hiện hai dự án ODA (ở Hội An và Núi Thành) chắc chắn không thể giải ngân hết 100% nên đã đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi các bộ, ngành trung ương xin giảm vốn kế hoạch năm 2020. Bộ Tài chính khảo sát cũng đã thấy khó giải ngân hết. Họ có đề nghị chính thức có thể rút, giảm vốn. Nếu giảm vốn 2 dự án này thì đơn vị sẽ giải ngân hết 100% các dự án quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải ngân vốn đầu tư: "Không thể tự quyết định"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO