Giải quyết tình trạng đọng vốn đầu tư công

TRỊNH DŨNG 24/08/2021 06:22

Cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn; xem xét, đánh giá thi đua người đứng đầu, cá nhân liên quan đến giải ngân cùng hàng loạt biện pháp khác đã được đưa ra. Các giải pháp mạnh này dù chưa thể đạt hiệu quả trong ngắn hạn nhưng hy vọng sẽ là làn gió mới nhằm chấm dứt tình trạng không sử dụng hết nguồn vốn đầu tư công của Quảng Nam.

Các chủ đầu tư, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thúc đẩy gia tăng khối lượng để tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: T.D
Các chủ đầu tư, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thúc đẩy gia tăng khối lượng để tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: T.D

Nỗ lực giải ngân

Thông tin từ Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, tính đến hết ngày 31.7.2021 (chưa có thống kê mới), so với kế hoạch vốn giao đầu năm và vốn bổ sung, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 32,25%.

So với kế hoạch vốn đã phân bổ, tỷ lệ giải ngân có tăng chút ít, nhưng cũng chỉ đạt 35,2%. Hiện có 9 huyện giải ngân chưa đạt 50%. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách tỉnh tại Kho bạc Nhà nước Quảng Nam rất thấp (khoảng 15% kế hoạch vốn năm 2021 và 49% kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài). Nhiều dự án chưa giải ngân (0%).

Thời hạn kết thúc năm chỉ còn 4 tháng. Diễn biến dịch bệnh vẫn đang trong tình trạng khó lường. Mùa mưa bão đến gần... Không thể để “vỡ trận” giải ngân, hạn chế trả vốn về trung ương..., ông Nguyễn Tấn Văn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nói sẽ tham mưu UBND tỉnh điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn theo từng mức vốn cụ thể, tương ứng với từng thời điểm. Chuyển vốn cắt giảm sang các dự án có khối lượng hay có nhu cầu. Nỗ lực đến hết mức để có thể đạt tỷ lệ từ 95% - 100% kế hoạch vốn đã phân bổ.

Các chủ đầu tư, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thúc đẩy gia tăng khối lượng để tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: T.D
Các chủ đầu tư, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thúc đẩy gia tăng khối lượng để tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: T.D

Ông Phạm Văn Phong – Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho hay cả 2 tỷ lệ giải ngân của Quảng Nam đều thấp hơn bình quân chung cả nước. Nếu căn cứ vào các quy định của UBND tỉnh đã ban hành thì rất khó cắt giảm, điều chuyển.

Cần xem xét, điều chỉnh một số tiêu chí về tỷ lệ giải ngân, thời gian điều chỉnh, cắt giảm để phù hợp thực tế. UBND tỉnh cần xem xét nguồn vốn do tỉnh vay lại. Nếu không giải ngân được thì chuyển trả về trung ương để không phải chịu trả phí và lãi vay.

Nhiều kiến nghị của các chủ đầu tư tại các phiên họp bàn về tiến độ giải ngân đã được tháo gỡ. Từ việc cắt giảm, điều chuyển vốn đến việc điều động, luân chuyển, trưng dụng cán bộ thẩm định dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật - dự toán... để đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án.

Các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp không gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng cần hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục gửi kho bạc giải ngân kế hoạch vốn ngay khi có khối lượng. Kết quả giải ngân, tiến độ thời hạn giải quyết các hồ sơ, thủ tục các dự án đầu tư công sẽ là căn cứ để xem xét, đánh giá, xếp loại hoặc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu và cá nhân liên quan.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, mỗi tháng sẽ họp 1 lần bàn về giải ngân. Tổ công tác giải ngân sẽ trực tiếp làm việc với các địa phương, dự án. Vướng đâu gỡ đó. Thực hiện nghiêm mốc thời gian cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, những dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao theo yêu cầu tiến độ.

Chờ đợi làn gió mới

Sản xuất, kinh doanh suy giảm vì những tác động liên quan đến đại dịch, đầu tư công đã không thể gánh “sứ mệnh” tạo ra cú hích, xung lực góp phần vào tăng trưởng của nền kinh tế. Sau các cuộc họp, chỉ thị, hầu hết các chủ đầu tư đều cam kết sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn.

Ông Võ Văn Điềm – Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình NN&PTNT cho hay đã đề nghị rút lại 260 tỷ đồng vốn vay từ AFD không thể giải ngân. Số kế hoạch vốn còn lại hơn 530 tỷ đồng do ban này quản lý sẽ giải ngân hết trong năm 2021 khi tất cả công trình đều gia tăng tiến độ thi công hoặc điều chỉnh phương án giải phóng mặt bằng.

Cam kết đã được đưa ra. Thậm chí các chủ đầu tư tuyên bố sẽ xem xét từng dự án cụ thể để có thể quy trách nhiệm chuyện trả vốn lại nhà nước thuộc về địa phương hay chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn... Song, những gì trên thực tế hay các thống kê ở các báo cáo thì không dễ hoàn thành tiến độ giải ngân như mong muốn. Trong một văn bản mới đây, chính quyền đã quyết định sẽ mở những cuộc thanh tra về đấu thầu, chỉ định thầu của các chủ đầu tư trong việc lựa chọn tư vấn.

Chấn chỉnh việc lựa chọn các đơn vị tư vấn thiếu năng lực, gây chậm trễ hồ sơ, thường xuyên bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ. Sẽ có những cuộc làm việc với các chủ đầu tư để đánh giá lại hồ sơ thực tế năng lực của các đơn vị thi công. Sẽ có biện pháp xử lý đối với đơn vị thi công năng lực yếu kém, không đảm bảo tiến độ theo cam kết tại hợp đồng.

Không chỉ vậy, thời gian thực hiện các công đoạn giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được rà soát. Chất lượng hồ sơ từ tư vấn thực hiện trên địa bàn kể từ năm 2015 đến nay sẽ được đánh giá lại. Một bản danh sách các nhà tư vấn yếu kém, thường xuyên chỉnh sửa hồ sơ sẽ bị đặt trong vòng xử lý cụ thể.

Chuyện phân cấp, phân quyền sẽ được đẩy mạnh cho cấp huyện thực hiện thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng hay phê duyệt giá đất ở tái định cư, không giới hạn hiệu lực áp dụng 12 tháng. Các ban quản lý đầu tư cấp huyện sẽ được bổ sung chức năng làm dịch vụ bồi thường giải phóng mặt bằng (ký hợp đồng với trung tâm phát triển quỹ đất địa phương).

Khuyến khích các tổ chức kinh tế tham gia làm dịch vụ giải phóng mặt bằng. Một phần mềm quản lý đầu tư công, cập nhật thường xuyên số liệu giải ngân từng đơn vị sẽ được vận hành kèm theo một quy định mới về trách nhiệm của người đứng đầu...

Kế hoạch cụ thể này được xem như một làn gió mới. Không thể thấy ngay kết quả trong ngắn hạn, nhưng hy vọng sẽ trở thành động lực mới trong việc chấm dứt tình trạng giải ngân ì ạch lâu nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải quyết tình trạng đọng vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO