Hiến kế phát triển bao trùm, đột phá

H.PHÚC - Q.TUẤN - T.CÔNG 06/06/2022 05:35

Trong 2 ngày 4&5.6, UBND tỉnh tổ chức hội thảo góp ý báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và PGS-TS.Lưu Đức Cường - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đại diện liên danh tư vấn).

KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners phát biểu tại hội thảo.
KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại nhiều điểm cầu, thu hút đông đảo đại biểu đại diện các bộ, ngành trung ương, địa phương và đặc biệt là nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Tìm sự khác biệt trong phát triển

Theo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, thế mạnh đặc thù vượt trội của Quảng Nam so với các địa phương khác là sở hữu nhiều tài nguyên có giá trị cao, độc đáo, nằm ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gần các trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn là Đà Nẵng và Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).

Hệ thống hạ tầng chiến lược đầu tư khá đồng bộ, hiện đại, là “trạm trung chuyển quốc tế”. Thêm vào đó là quy mô và cơ cấu kinh tế có sự phát triển vượt bậc, trở thành tỉnh có tiềm lực kinh tế, đặc biệt tiềm lực công nghiệp vượt trội hơn so với các địa phương trong vùng.

PGS-TS.Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trên cơ sở đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội phải nhận diện thực lực của Quảng Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ Việt Nam, từ đó xác định giá trị cốt lõi trong tương lai của tỉnh là gì.

Nhiều chuyên gia khác cũng nhìn nhận, hệ thống sân bay, cảng biển, đô thị ven biển còn quỹ đất trống lớn, giàu bản sắc văn hóa…, là những lợi thế cạnh tranh nổi trội cho Quảng Nam.

Quảng Nam có thế mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô.
Quảng Nam có thế mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô.

“Tuy nhiên, muốn có chiến lược phát triển đúng, Quảng Nam phải nhận diện được vị thế của mình trong vùng cũng như quốc gia, và điều quan trọng phải có khát vọng vươn lên cạnh tranh quốc tế” - PGS-TS.Trần Đình Thiên nói.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng phải vạch ra cho được con đường đột phá và khác biệt trong chiến lược phát triển.

KTS.Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners dẫn chứng: so với Đà Nẵng, Quảng Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh phát triển. Ví dụ, quỹ đất của thành phố Đà Nẵng hạn hẹp, trong khi Quảng Nam lại rất dồi dào và đầy tiềm năng; phía bạn không còn địa điểm nào phù hợp để có thể di dời sân bay ra nội thành nhưng sân bay Chu Lai thì quá lý tưởng. Cảng Liên Chiểu nếu mở rộng thì tác động tiêu cực đến môi trường trong khi Dung Quất (Quảng Ngãi) và Chu Lai (Quảng Nam) hoàn toàn có thể đầu tư lớn...

Quy hoạch tỉnh không thể là phép cộng đơn thuần

TS.Nguyễn Chí Hùng - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, cho rằng các quan điểm chủ đạo trong phương án phát triển hệ thống không gian gồm: tăng cường kết nối đông tây với vùng kinh tế Tây Nguyên, đặc biệt là không gian kinh tế các nước ASEAN, không gian ven biển vẫn là động lực chủ đạo, từ đây xây dựng cụm động lực kinh tế về du lịch, đô thị, công nghiệp… để thúc đẩy nền kinh tế; bảo tồn không gian các di sản thế giới, đồng thời được xem là hạt nhân để xây dựng hệ sinh thái lấy các di sản làm gốc phát triển nền kinh tế di sản.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Còn KTS.Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, quy hoạch tỉnh phải tổ chức quy hoạch kinh tế - xã hội và đô thị trong chiến lược liên kết và hợp tác vùng đô thị dọc theo trục xương cá động lực Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi. “Quảng Nam phải tính toán xây dựng nền tảng cho phát triển nền kinh tế số và đô thị thông minh, kết hợp với đô thị nghỉ dưỡng” - KTS. Ngô Viết Nam Sơn đề xuất.

Ở góc nhìn tích hợp quy hoạch tỉnh Quảng Nam, KTS.Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đặt vấn đề, đồ án quy hoạch tỉnh phải làm rõ vai trò trọng yếu của phát triển đô thị trong cơ cấu kinh tế, bởi đô thị quyết định đến sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung thôi là chưa đủ mà cần đột phá về hạ tầng xã hội; tỉnh thu hút các nhà đầu tư, nhưng phải là nhà đầu tư chiến lược. Quảng Nam phải xây dựng một đô thị loại 1 với việc gom 3 địa phương Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh.

“Không dễ có đô thị loại 1 nào khác trên cả nước hội tụ được sân bay, khu phi thuế quan, cảng biển… với quy mô rất lớn. Điều cốt yếu là phải xem phát triển đô thị tích hợp vào quy hoạch tỉnh, đô thị nắm giữ vai trò quyết định, đặt lên trên các ngành, lĩnh vực khác.

Quy hoạch tỉnh không thể là phép cộng của các ngành, có thể có nhiều mục tiêu nhưng tầm nhìn thì chỉ một nên vai trò “nhạc trưởng” của địa phương trong quy hoạch tỉnh là rất quan trọng” - KTS.Ngô Trung Hải nêu quan điểm.

Theo PGS-TS.Lưu Đức Cường - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam xây dựng phương án phát triển không gian lãnh thổ, vùng liên huyện, các trục trọng điểm kinh tế và hành lang động lực, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, hệ thống đô thị, tổ chức lãnh thổ nông thôn và nhà ở… rất cụ thể.

Theo phương án quy hoạch, Quảng Nam sẽ phát triển theo mô hình 8 hành lang (4 hành lang Đông Tây, 4 hành lang Bắc Nam). Trong đó, các hàng lang Đông Tây sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn để tạo chuỗi kết nối xuyên suốt hình thành hành lang du lịch vùng núi, vùng biển; giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên; thúc đẩy giao lưu kinh tế, hàng hóa với các nước ASEAN; thúc đẩy giao lưu kinh tế, hàng hóa với nước bạn Lào.

KTS. Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
KTS. Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhìn nhận, trước đây vì nhiều lý do khác nhau địa phương không có sự khảo sát, đánh giá liên vùng, liên ngành, chất lượng các đồ án quy hoạch thường không cao.

“Quan điểm của Quảng Nam về định hướng không gian lãnh thổ vùng sẽ phải được tích hợp các không gian của các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững, tạo sự đột phá và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Các phương án phát triển đô thị và nông thôn, không gian vùng liên huyện, vùng huyện là định hướng tổng thể, làm cơ sở quản lý các đồ án quy hoạch xây dựng cấp dưới cũng như các chương trình, chiến lược hành động của địa phương” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định.

Theo kế hoạch, việc hoàn chỉnh đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến cuối năm 2022 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, trước khi trình sẽ có hội thảo cuối kỳ và dự kiến trong quý 1.2023, đồ án quy hoạch tỉnh sẽ được phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiến kế phát triển bao trùm, đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO