Ít dự án đầu tư vào cụm công nghiệp Hiệp Đức

VĨNH LỘC 15/07/2021 07:18

Với 11 cụm công nghiệp (CCN), huyện Hiệp Đức là địa phương có số lượng CCN được quy hoạch đứng thứ 2 toàn tỉnh (chỉ sau Đại Lộc), tuy nhiên gần 10 năm qua việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các CCN nơi đây khá hạn chế. 

Hầu hết dự án đầu tư vào các CCN Hiệp Đức có quy mô nhỏ. Ảnh: V.LỘC
Hầu hết dự án đầu tư vào các CCN Hiệp Đức có quy mô nhỏ. Ảnh: V.LỘC

Quy mô nhỏ

Năm 2013, Công ty TNHH Nhất Hưng Hiệp Đức trở thành doanh nghiệp đầu tiên đầu tư xây dựng nhà máy dăm băm gỗ nguyên liệu tại CCN Tân An (thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức). Với công suất thiết kế mỗi năm khoảng 70 - 100 nghìn tấn, nguồn nguyên liệu nhà máy chủ yếu phụ thuộc vào diện tích keo trồng tại chỗ, Tuy nhiên, từ sau cơn bão số 9 năm 2020 đến nay công suất nhà máy sụt giảm khoảng 50% do nguồn nguyên liệu không đảm bảo, khiến công việc của gần 70 công nhân nhà máy cũng ít hơn.

Ông Lê Văn Hòa - Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH Nhất Hưng Hiệp Đức thừa nhận, việc đầu tư vào CCN Tân An giúp đơn vị tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn nguyên liệu, dù vậy về lâu dài sẽ đối diện khó khăn khi vùng nguyên liệu khan hiếm do sự cạnh tranh của một số nhà máy trên địa bàn. Để chủ động hoạt động, công ty đã mở thêm phân xưởng sản xuất thanh gỗ xẻ chi tiết nhằm tận dụng nguyên liệu từ những cây keo lớn, đồng thời tạo thêm việc làm cho lao động nhà máy. Hiệp Đức hiện có hơn 19.000ha đất trồng keo, bình quân mỗi năm khai thác khoảng 200 nghìn tấn.

Với chủ trương thu hút các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản dựa vào nguồn nguyên liệu tại chỗ, thời gian qua hầu hết dự án đầu tư vào các CCN Hiệp Đức đều gắn hướng đi này. Ngoài 2 nhà máy may công nghiệp đặt tại CCN Việt An và CCN Quế Thọ giải quyết cho khoảng 550 công nhân, các dự án còn lại đều gắn với chế biến nông lâm sản như dăm gỗ, viên nén năng lượng, nấm, chế biến mủ cao su..., đa phần quy mô nhỏ lẻ.

Báo cáo từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng Hiệp Đức cho thấy, trong số 16 dự án đăng ký hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 1.656 tỷ đồng, riêng 7 dự án đã đi vào hoạt động vốn thực hiện chỉ hơn 396 tỷ đồng. Đặc biệt, dù có số lượng CCN đứng thứ nhì toàn tỉnh (chỉ sau Đại Lộc) nhưng quy mô diện tích các CCN Hiệp Đức khá nhỏ, ngoài CCN Sông Trà diện tích 50ha, đa phần CCN diện tích chỉ 5 - 10ha, thậm chí CCN Quế Thọ 2 diện tích chỉ 1,48ha.

Theo quy hoạch, Hiệp Đức có 11 CCN đã và đang xây dựng, tổng diện tích 125,51ha. Ngoài 3 CCN đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm CCN Tân An, CCN Quế Thọ 2, CCN Bà Huỳnh, hầu hết hạ tầng kỹ thuật các CCN còn lại (đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước, cây xanh…) đang trong quá trình đầu tư dở dang. Chưa kể, một số CCN vẫn chưa được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc hoàn thiện hệ thống thoát nước mặt chung cho toàn CCN...

Tìm cách thu hút đầu tư

Tính đến năm 2021, các CCN huyện Hiệp Đức giải quyết việc làm cho 770 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Đặng Ngọc Sô - Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng Hiệp Đức, mặc dù các CCN chưa đóng góp nhiều ngân sách cho địa phương nhưng về mặt xã hội đã góp phần tích cực giải quyết việc làm cho người lao động.

“Do Hiệp Đức nằm ở vùng trung du nên việc kêu gọi đầu tư vào các CCN rất khó, nhất là những hạn chế về hạ tầng, giao thông. Vì vậy, thời gian đầu việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chủ yếu giúp giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Nhưng về lâu chúng tôi cũng sẽ hướng đến kêu gọi những dự án chế biến sâu và chăn nuôi công nghệ cao nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm địa phương” - ông Sô chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức nói, nguyên nhân khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các CCN Hiệp Đức chủ yếu do lợi thế so sánh giữa Hiệp Đức với các vùng đồng bằng không cao, nhất là về hạ tầng, kết nối giao thông. Vì vậy, địa phương chủ yếu tận dụng ưu thế tại chỗ như vùng nguyên liệu, đồng thời xây dựng hướng đi khác biệt nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông lâm sản địa phương.

“Ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về các thủ tục, quy định, giải phóng mặt bằng, định hướng của Hiệp Đức sẽ phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông lâm nghiệp của tỉnh. Để hiện thực mục tiêu này, bên cạnh khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu tại chỗ, khuyến khích người dân trồng cây gỗ lớn, chúng tôi cũng tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp có thể thu hút nguyên liệu từ các huyện khác về thông qua đường đông Trường Sơn kết nối với các huyện Phước Sơn, Nông Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My… hướng đến thu hút nhiều dự án đầu tư vào các CCN hiệu quả” - ông Việt cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ít dự án đầu tư vào cụm công nghiệp Hiệp Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO