Khảo sát, công bố kết quả DDCI: Căn cứ đánh giá năng lực điều hành

TRỊNH DŨNG 17/12/2020 05:45

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, việc khảo sát, công bố năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) được tổ chức thực hiện hằng năm và sẽ lấy kết quả làm một trong những căn cứ đánh giá năng lực điều hành của ngành, địa phương.

Thiếu sự phối hợp, quan tâm giải quyết trong thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai,... khiến năng lực cạnh tranh của nhóm sở, ngành, địa phương bị doanh nghiệp cho điểm thấp. Ảnh: T.D
Thiếu sự phối hợp, quan tâm giải quyết trong thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai,... khiến năng lực cạnh tranh của nhóm sở, ngành, địa phương bị doanh nghiệp cho điểm thấp. Ảnh: T.D

Nhiều soán đổi

Sở VH-TT&DL vẫn giữ vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng nhóm sở, ban, ngành; song Sở Giao thông vận tải và Cục Thuế từ vị thứ 2 & 3 năm 2018 đã rớt xuống hạng 7 & 4 để nhường chỗ cho Sở LĐ-TB&XH và Bảo hiểm Xã hội tỉnh (vị thứ 7 & 4 năm 2018). Thanh tra tỉnh “giậm chân” ở vị thứ 19 - cuối bảng xếp hạng.

Sự soán ngôi ngoạn mục đã xảy ra ở nhóm 18 địa phương. Quế Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My chiếm 3 vị trí dẫn đầu năm 2018 đã rơi vào vị thứ tương ứng là 5, 6 & 9 của bảng xếp hạng năm 2019 để nhường chỗ cho sự trỗi dậy của Đại Lộc, Phú Ninh và Bắc Trà My (vị thứ tương ứng năm 2018 là 6, 8 & 9). Trong khi đó, Điện Bàn từ vị trí thứ 4 năm 2018 rớt xuống thứ 15, còn TP.Hội An từ vị thứ 12 đã bị liệt vào cuối bảng.

Theo nhận định của VCCI Đà Nẵng (đơn vị tư vấn) và Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam (đơn vị thực hiện), điểm số trung vị các chỉ số thành phần của nhóm sở, ngành nổi trội hơn cấp huyện. Điểm số trung bình của nhóm sở, ngành dao động trong khoảng 6 - 7 điểm; nhóm các địa phương 5,35 - 6,64 điểm. Hai nhóm đều có điểm mạnh chung là chỉ số vai trò người đứng đầu; nhưng chỉ số thành phần thiết chế pháp lý là điểm yếu nhất của nhóm sở, ngành khi điểm trung vị (chỉ 6,18 điểm) và điểm yếu nhất của các huyện là cạnh tranh bình đẳng (5,35 điểm).

Theo ông Hồ Anh Tuân - Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng, kết quả khảo sát cũng chỉ ra hoạt động thanh, kiểm tra còn quá nhiều bất cập. Có đến 77,78% số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm cho biết nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp. Doanh nghiệp vẫn than phiền các cơ quan công quyền, chính quyền địa phương ít quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa khi chỉ có 9,82% doanh nghiệp cho biết cấp huyện quan tâm thường xuyên; còn ở cấp sở, ngành tuy cao hơn nhưng cũng chỉ ở khoảng 12,09%. Các vấn đề hay kiến nghị của doanh nghiệp vẫn chưa được cơ quan chức trách, địa phương chủ động giải quyết, khi chỉ có 33,33% doanh nghiệp đánh giá sự hợp tác này cấp sở, ngành và 28,9% ở cấp huyện.

“Doanh nghiệp phản ánh những phiền hà không chỉ số lần bị thanh tra, kiểm tra, nội dung trùng lắp mà còn ngoài nội dung mà quyết định đã ban hành. Thậm chí có khi là những chuyến viếng thăm trong ngoặc kép, thăm nhưng lại mang tính kiểm tra” - ông Tuân nói.

Dù đã có sự soán ngôi ngoạn mục, nhưng phân tích cụ thể thì kết quả khảo sát cũng cho thấy “độ lùi” của cải cách nhóm sở, ngành khi điểm trung vị năm 2019 chỉ đạt 65,05 điểm, thấp hơn 0,78 điểm so với năm 2018; còn nhóm địa phương gần như không tăng (61,98/61,95 điểm). Ngay như Sở VH -TT&DL chiếm ngôi đầu hai năm liên tục nhóm sở, ngành nhưng điểm tổng hợp lại sụt giảm (71,07/71,98).

Dư địa cải thiện còn nhiều

Ông Hồ Anh Tuân - Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng nói, sự phân hóa về điểm số thể hiện cảm nhận của doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành nhóm sở, ngành và nhóm địa phương khác nhau. Nhưng dù có điểm số thấp hay cao thì dư địa cải thiện còn rất lớn. Ngay như vị trí đứng đầu hai nhóm vẫn còn lần lượt 28,93 điểm và 30,23 điểm mới có thể chạm mức tối đa 100 điểm!

Tuy nhiên, không chỉ địa phương bị liệt cuối bảng mà địa phương xếp hạng cao cũng khá bất ngờ, băn khoăn, thậm chí nghi ngờ kết quả khảo sát liệu có xác thực, đủ độ tin cậy hay không? Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết khá bất ngờ khi địa phương chiếm vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng. Ông Vũ nói, không biết đánh giá như thế nào về DDCI khi địa phương rất hạn chế đầu tư, ít doanh nghiệp, thiếu hạ tầng và cả quy hoạch…

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói “rất buồn” vì địa phương rơi vào cuối bảng xếp hạng. Trong khi Hội An được đánh giá cải cách hành chính tốt, nhưng kết quả DDCI lại chênh nhau đáng kinh ngạc! Chưa kể, không biết số lượng doanh nghiệp được lấy phiếu là bao nhiêu? Chính quyền hỏi doanh nghiệp du lịch địa phương thì hầu hết đều nói là không được lấy phiếu. Liệu có cần phải tính toán, xem xét lại cho có tính xác thực hay không? Đó là chưa kể, quy hoạch chung chưa thực hiện được làm sao xây dựng quy hoạch thành phần. Chờ quy hoạch thì đầu tư đứng bánh. Đụng đâu cũng vi phạm quy định về bảo vệ di sản, dự trữ sinh quyển…

Theo ông Nguyễn Hữu Sáng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hiện có 4 bộ chỉ số đánh giá cấp tỉnh và 2 bộ chỉ số đánh giá cấp huyện, sở. Mỗi bộ chỉ số dù có thành phần, phương pháp đánh giá, đối tượng khảo sát khác nhau, nhưng đều có điểm tương đồng, quan hệ phối hợp liên quan đến cán bộ, cải cách thể chế, thủ tục hành chính. Như vậy, tại sao thị xã Điện Bàn được xếp cải cách hành chính, chỉ số SIPAS dẫn đầu mà đánh giá DDCI lại ở vị trí thứ 15? Hay TP.Hội An xếp PAR INDEX ở vị thứ 6 lại rơi vào chót bảng DDCI, còn Bắc Trà My xếp 12 PAR INDEX lại lên hạng 3 DDCI?

Hiệu ứng của DDCI không phải lúc công bố mà “hậu công bố” có tạo động lực thúc đẩy cải cách bằng những sáng kiến, giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn không. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, các đánh giá DDCI vừa qua mang tính chất thí điểm nhưng cần dựa trên 4 bộ chỉ số đánh giá năng lực địa phương mang tầm quốc gia để cân đối, nếu không sẽ dẫn đến sự bất cập. Tỉnh sẽ mời chuyên gia nghiên cứu hoàn thiện bộ chỉ số này để đảm bảo tính khách quan và mang tính động lực. Kết quả sẽ được công bố trước 15.12 hằng năm để làm căn cứ đánh giá năng lực điều hành của ngành, địa phương. 

“Không chỉ là xếp hạng, điểm số mà khảo sát cần chỉ ra những tồn tại, vướng mắc cụ thể, phải được hệ thống đánh giá cụ thể để xem sự tiến bộ, cải thiện như thế nào qua từng năm. Nếu từng sở, ngành, địa phương, công chức vì doanh nghiệp, vì dân, sẽ tìm cách thay đổi quy trình, quy định để thuận lợi hơn. Nếu không thì những cam kết về quyết tâm đổi mới sẽ không có nghĩa!” - ông Thanh nói.

Năm 2021 sẽ thành lập tổ công tác giải quyết vướng mắc dự án đầu tư

Tại hội nghị Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao thứ hạng chỉ số PCI Quảng Nam 2021 - 2025 vào ngày 15.12, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã giao cho Sở Kế hoạch và đầu tư tham mưu UBND tỉnh thành lập các tổ công tác giải quyết các vướng mắc dự án đầu tư, đi vào hoạt động kể từ ngày 1.1.2021. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng và giám đốc các sở, ngành làm thành viên sẽ trực tiếp đến từng địa phương để giải quyết những vướng mắc của các dự án đầu tư lâu nay còn tồn đọng, ít nhất mỗi tháng 2 đợt.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố phải lên kế hoạch tiếp doanh nghiệp định kỳ tại địa phương, xây dựng kế hoạch chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cải thiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý hiện trạng đất đai dự án, không để tình trạng xây dựng trái phép ồ ạt như hiện nay… Nếu các địa phương thấy cần thiết ủy quyền cái gì để gia tăng hiệu lực hành chính thì đề xuất, UBND sẽ xem xét, trao quyền cho địa phương tự quyết. (T.D)

Phấn đấu đến năm 2025 PCI Quảng Nam nằm trong tốp 5 

UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra quyết tâm cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021 -2025 với mục tiêu cụ thể.

Kế hoạch năm 2021 sẽ phấn đấu đạt tổng điểm từ 70,5 trở lên, nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất nước. Trong đó có 4/10 chỉ số thành phần (thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, tính năng động, tiếp cận đất đai và tính minh bạch) nằm trong tốp 5; chỉ số gia nhập thị trường, chi phí không chính thức và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp sẽ lọt vào tốp 10 và 3 chỉ số còn lại (chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng và đào tạo lao động) nằm trong tốp 15.

Theo định hướng, đến năm 2025 Quảng Nam phấn đấu đạt tổng điểm PCI từ 72 điểm trở lên và nằm trong tốp 5 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất. Trong đó 10 chỉ số thành phần sẽ tăng theo từng năm, cụ thể: 6/10 chỉ số (gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự) ở tốp 5 và 4 chỉ số (chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động) lọt vào tốp 10. (T.D)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khảo sát, công bố kết quả DDCI: Căn cứ đánh giá năng lực điều hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO