Khoảng tối kinh tế hợp tác xã - Bài cuối: Không hẳn mờ nhạt lối ra

VĂN SỰ - THÀNH CÔNG 31/10/2022 09:01

Nguồn lực về con người và vốn vẫn là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong “khoảng tối” của các HTX. Cơ chế đã mở, nhưng nhiều đơn vị không tận dụng được những khuyến khích từ chính sách hỗ trợ.

Những năm qua, bà Phạm Thị Ngọc Hậu - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh (người đứng) tham gia quản lý, điều hành khá tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị. Ảnh: S.C
Những năm qua, bà Phạm Thị Ngọc Hậu - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh (người đứng) tham gia quản lý, điều hành khá tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị. Ảnh: S.C

Kéo người trẻ về HTX

Phạm Thị Ngọc Hậu - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh (huyện Đại Lộc) đã có nhiều năm làm việc ở một công ty du lịch sau khi tốt nghiệp đại học, trước khi “rẽ lối” về quê, gắn bó với HTX này.

“Tất nhiên, tiếp cận với một môi trường mới mẻ, còn lạ lẫm, nhiều thứ buộc phải học từ sách vở và từ cả những người nông dân mình. Tuy nhiên, nếu tâm huyết và ham học hỏi, sẽ biết cách thích nghi, chủ động sắp xếp được công việc hơn. May mắn là HTX nơi tôi công tác cũng có nhiều bạn trẻ, có thể chịu được áp lực, san sẻ công việc, sát cánh với nhau để giải quyết vấn đề, giúp HTX vận hành tốt hơn, ngày càng phát triển hơn” - Ngọc Hậu chia sẻ.

“Chân ướt, chân ráo” về làm việc tại HTX Nông nghiệp Điện Quang (thị xã Điện Bàn) từ năm 2017 với chính sách thu hút nhân lực có trình độ cao, Phạm Nguyễn Ngọc Quỳnh (quê xã Điện Quang, tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính - kế toán), được bố trí ngay làm Phó Giám đốc kiêm Kế toán trưởng.

Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang nhìn nhận: “Sự trọng dụng của lãnh đạo HTX đã sớm gặt hái được quả ngọt. Nhờ trình độ chuyên môn nghiệp vụ khá và luôn học hỏi, lắng nghe nên Quỳnh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhất là trong hoạch định chiến lược sản xuất - kinh doanh của đơn vị”.

Câu chuyện của Phạm Thị Ngọc Hậu và Phạm Nguyễn Ngọc Quỳnh là điểm sáng từ chính sách thu hút, là yếu tố quan trọng giúp HTX kịp thích nghi với những chuyển động nhanh chóng của thời cuộc. Tuy nhiên, trên thực tế, tìm kiếm và kéo người trẻ về HTX vẫn chưa thể thành giải pháp phổ quát.

Ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam nhận định, để Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 20 (ngày 16/6/2022) về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, chúng ta đã bước qua được một chặng đường dài, nhìn thấy rõ những thách thức còn tồn tại.

Nhưng nếu HTX vẫn hoạt động theo tư duy cũ, vẫn cách làm cũ, con người cũ thì 10 năm, 20 năm tới, vẫn sẽ lặp lại câu chuyện của ngày hôm nay đối với các HTX, đó là chậm đổi mới, kém hiệu quả, khó thích nghi với cơ chế thị trường...

 

Theo ông Võ Bảy, khát nhân lực vẫn là vấn đề được rất nhiều địa phương đề cập trong câu chuyện tồn tại hay không tồn tại, tồn tại như thế nào của các HTX hiện nay.

Theo thống kê, năm 2022 toàn tỉnh có 41 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng được hưởng chính sách khuyến khích, thu hút về làm việc lâu dài tại các HTX. Con số của những năm trước đó, cộng dồn cũng ở mức xấp xỉ 40 người. Có thể thấy, tình trạng chung là đa số HTX thuộc diện HTX chuyển đổi, đội ngũ cán bộ tuổi cao, chưa qua đào tạo chuyên môn bài bản, thu nhập còn thấp nên khó phát huy hết khả năng.

Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến chỉ có chưa đầy 1/5 số HTX ứng dụng công nghệ, còn lại lạc hậu, cơ sở vật chất cũ kỹ. Thiếu mạnh dạn trong sản xuất, tư duy manh mún nên HTX thuộc diện “siêu nhỏ” chiếm đến 80% trong tổng số 552 HTX đang tồn tại trên địa bàn Quảng Nam. “Phải đổi mới từ con người, đó là yếu tố tiên quyết” - ông Bảy nhấn mạnh.

Biến cơ chế thành động lực

Những cơ chế hỗ trợ chỉ là đòn bẩy, nhưng nếu biết cách tận dụng, sẽ biến thành động lực quan trọng cho các HTX. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ. Ông Nam thông tin, thời gian gần đây, thành phố đã có hàng loạt chính sách để củng cố và phát triển các HTX, đặc biệt là khuyến khích khởi nghiệp.

Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận (Hiệp Đức) cần tiếp sức về nguồn vốn ưu đãi để có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh. Ảnh: S.C
Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận (Hiệp Đức) cần tiếp sức về nguồn vốn ưu đãi để có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh. Ảnh: S.C

“Qua đánh giá từ thực tiễn, các HTX tham gia vào hội, nhóm khởi nghiệp hoạt động rất tốt; ngược lại những HTX nông nghiệp đơn thuần, hoạt động theo kiểu cũ khá chật vật.

Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ HTX thành viên, khuyến khích chuyển dịch, tái cơ cấu lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và thu hút doanh nghiệp có đủ năng lực về vốn, quản lý tham gia đầu tư, liên kết cùng các HTX, trở thành đầu tàu để hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ mới và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả” - ông Nam nói.

Ông Nguyễn Hữu Ngộ - Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cho hay, trong 10 năm qua, quỹ đã hỗ trợ cho vay 124 HTX và 276 tổ hợp tác (THT) với tổng số lượt tiền giải ngân gần 217,5 tỷ đồng; huy động được nguồn vốn đầu tư từ các THT, HTX gần 816 tỷ đồng.

Như vậy, vốn của quỹ chiếm tỷ lệ 21% trong tổng số vốn đầu tư hơn 1.033 tỷ đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ của quỹ, thời gian qua rất nhiều HTX, THT có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, liên kết phát triển sản xuất - kinh doanh một cách bền vững, tạo dựng được thương hiệu, vị trí của mình.

 

“Mong muốn của quỹ là hỗ trợ càng nhiều càng tốt, tạo điều kiện tối đa cho các HTX, THT. Quỹ không thiếu vốn vay, nhưng nhiều HTX không làm nổi phương án sản xuất - kinh doanh, có tâm lý đợi chờ nhà nước hỗ trợ đồng nào hay đồng nấy nên không thể tạo điều kiện cho vay theo quy định.

Chúng tôi hoàn toàn có thể hỗ trợ, tư vấn về vay vốn nhưng phải đảm bảo đúng quy định, bản thân các HTX chủ động được về hoạt động sản xuất - kinh doanh. Lãi suất vay ưu đãi, cơ chế thu lãi linh hoạt, song cần đảm bảo thanh khoản và đảm bảo các điều kiện cho vay hiện hành. Trong số các HTX vay vốn của quỹ, những năm qua đã có vài trường hợp phải kiện ra tòa, tổ chức thi hành án mới thu hồi được nợ” - ông Ngộ nói.

“Bây giờ, nếu có vốn cũng không dám và không thể đưa cho các HTX yếu kém, không hoạch định rõ ràng và bài bản chiến lược sản xuất - kinh doanh” là khẳng định của ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn.

Theo ông Chơi, nên cho thuê đất dài hạn, xem xét hướng phát triển của các HTX để vận dụng cơ chế hỗ trợ phù hợp thực tế. HTX không thể dựa hơi nhà nước, bản thân HTX phải có tinh thần, hướng đi và quyết tâm nỗ lực tự thân trước. Vì cơ chế hỗ trợ nào cũng có điều kiện ràng buộc và kiểm soát, HTX không thể ngồi đó trông chờ.

Con đường, lối đi để bước ra “khoảng tối” không hẳn mờ nhạt, khi rất nhiều HTX đã và đang thể hiện được sự linh hoạt và năng động của mình.

Ông Võ Bảy thông tin, cơ chế chính sách hiện nay khá nhiều nhưng số lượng HTX tiếp cận được còn quá ít. Chẳng hạn, theo Nghị quyết số 25 (ngày 22/7/2021) của HĐND tỉnh, trong giai đoạn 2021 - 2025 mỗi năm bố trí hơn 30 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển lĩnh vực kinh tế tập thể và HTX nhưng thời gian qua chỉ giải ngân được… 2,1 tỷ đồng.

Đó là chưa kể nhiều nguồn vốn ưu đãi tín dụng khác. Cơ chế, chính sách nếu đến được HTX tốt sẽ tiếp thêm sức mạnh. Điều này, cần sự chung tay của các cấp ngành, đoàn thể và cả địa phương, tạo điều kiện cho các HTX cũng như nông dân tiếp cận cơ chế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khoảng tối kinh tế hợp tác xã - Bài cuối: Không hẳn mờ nhạt lối ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO