Những dấu ấn lớn qua 70 năm thành lập ngành công thương Quảng Nam

VIỆT NGUYỄN 14/05/2021 16:19

(QNO) - Bảy mươi năm qua, ngành công thương Quảng Nam ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhân dấu mốc đáng nhớ này (14.5.1951 - 14.5.2021), phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam về những kết quả trong thời gian qua và những định hướng của ngành trong thời gian đến.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương.
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam

PV: Bảy mươi năm là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của ngành công thương cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng. Thành quả của ngành Công Thương Quảng Nam trong thời gian qua là những gì, thưa ông?

Ông Đặng Bá Dự: Ngành công thương Quảng Nam không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vượt qua khó khăn để ngày càng lớn mạnh. Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng bình quân những năm 1997-2020 là 19,75%/năm. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 75.322 tỷ đồng, gấp 62,5 lần so với năm 1997. Năm 1997 toàn tỉnh chỉ có 1 khu công nghiệp với diện tích 145ha, đến nay đã có 11 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 6.135.72ha, thu hút 232 dự án đầu tư, trong đó, 81 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 151 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 1.260,88 triệu USD và 47.419,71 tỷ đồng. 

Lĩnh vực điện, đến nay đã xây dựng được 23 nhà máy điện với tổng công suất 1.303,96MW, trong đó, 22 nhà máy thủy điện (tổng công suất 1.273,96MW), 1 nhà máy nhiệt điện (công suất 30,0MW). Đã xây dựng lưới điện 110kV với 292,54km đường dây, 13 trạm biến áp với tổng dung lượng 781MVA. Lưới điện trung, hạ áp bao gồm 498,68km đường dây 35kV, 3.414,52km đường dây 22kV, 4.951,45km đường dây 0,4kV, 12 trạm biến áp trung gian với tổng công suất lắp đặt 70,6 MVA, 3.999 trạm biến áp phụ tải với tổng công suất 1263.49 MVA. Hiện nay, Quảng Nam có 241/241 xã có điện lưới quốc gia chiếm tỷ lệ 100%, có 1.219/1.241 thôn có điện chiếm tỷ lệ 98,22%. Số hộ sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh là 412.593/416.690 hộ chiếm tỷ lệ 99,02%.   

Ngành công thương Quảng Nam với vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, hoạt động thương mại - dịch vụ đã phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Nhiều doanh nghiệp thương mại đã củng cố và phát triển hệ thống phân phối, triển khai các loại hình bán buôn, bán lẻ mới theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Mạng lưới chợ và loại hình thương mại truyền thống tiếp tục được quan tâm phát triển. Thị trường miền núi vẫn được bảo đảm cung cấp các mặt hàng thiết yếu, dân dụng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 1997- 2020 ước đạt 424.241 tỷ đồng, tăng bình quân 18%/năm. 

Lĩnh vực công nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Lĩnh vực công nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

PV: Trong chặng đường phát triển đó, ông cho biết những dấu ấn thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh?

Ông Đặng Bá Dự: Dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, sự cố gắng của chủ đầu tư, nhiều công trình hình thành có tổng vốn đầu tư lớn, đưa vào hoạt động có hiệu quả cao như Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng với 70 triệu USD, Công ty TNHH Fashion Garments với 50 triệu USD, Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam với 245 triệu USD, Công ty TNHH MTV Vải kỹ thuật Việt Nam với 378 tỷ đồng, Công ty TNHH Hi Tech Việt Nam Apparel với 18,27 triệu USD, Công ty TNHH Ducksan Vina với 23 triệu USD... 

Xuất khẩu là điểm nhấn trong hoạt động ngành công thương. Lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng cao so với kế hoạch và so với nhiều năm gần đây, bình quân 23%/năm (giai đoạn 1997-2020). Các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu đã chủ động tìm kiếm thị trường, khai thác lợi thế của địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị hàng hoá xuất khẩu. Theo đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu tăng đều khắp các mặt hàng, các thị trường, năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được duy trì ở mức cao.

Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 23 năm (1997-2020) đạt 9.163,441 triệu USD, riêng năm 2020 đạt 1.372 triệu USD, tăng gấp 91,6 lần so với năm 1997. 

Công tác xúc tiến thương mại được quan tâm, chú trọng và đầu tư đúng mức. Có nhiều hình thức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm như tổ chức nhiều hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh, tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong nước và nước ngoài. Thông qua các đợt tổ chức xúc tiến thương mại, đã thúc đẩy phát triển đầu tư và liên kết trong sản xuất kinh doanh, giao lưu phát triển thương mại, phát triển hợp tác kinh tế, đồng thời, quảng bá rộng rãi hình ảnh thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp cũng như các chính sách thu hút đầu tư vào các khu kinh tế mở, khu công nghiệp và du lịch của Quảng Nam đến với doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thương mại với nhiều kênh mua sắm giúp người dân thuận tiện tiếp cận đa dạng các loại hình hàng hóa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Thương mại với nhiều kênh mua sắm giúp người dân thuận tiện tiếp cận đa dạng các loại hình hàng hóa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

PV: Ðể thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XXII trên lĩnh vực công thương, ngành đã có những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Đặng Bá Dự: Phát huy những thành tích đã đạt được, ngành công thương phấn đấu thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng bền vững. Trước những khó khăn thách thức do đại dịch Covid-19 đã và đang xảy ra, ngành phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu. 

Về sản xuất công nghiệp, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 11,5%/năm, tạo chuyển biến khá hơn về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Ưu tiên đầu tư các dự án thuỷ điện để sớm đưa vào hoạt động, đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông, lâm, thủy hải sản, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp vững chắc, xác định sản phẩm chủ lực để tập trung đầu tư khuyến khích ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường nội địa và xuất khẩu. 

Về thương mại, chủ động khai thác thị trường trong nước gắn với phát triển thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp phải nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh đầu tư, sản xuất và xuất khẩu hàng hoá với phương thức thích hợp, linh hoạt phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 17-18%/năm. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh, bởi tăng trưởng xuất khẩu cao sẽ mở rộng đầu ra cho sản xuất và tạo động lực để kích thích đầu tư trong nước, đồng thời là giải pháp có hiệu quả nhất để thu hẹp chênh lệch cán cân thương mại. 

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là tăng cường công tác chống đầu cơ buôn lậu và gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo đảm môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng; kiểm soát giá cả, bảo đảm cân đối các vật tư chủ yếu cho sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sở Công Thương Quảng Nam đã vinh dự được Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh tặng 12 cờ thi đua xuất sắc, 2 cờ luân lưu của Chính phủ. Đặc biệt, trong các năm 2000 và 2004, Sở Công Thương Quảng Nam đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì. 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những dấu ấn lớn qua 70 năm thành lập ngành công thương Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO