Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

TRUNG LỘ 13/07/2020 12:00

Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh hậu Covid-19. Nguy cơ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Thời gian đến, Quảng Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất kinh doanh. Ảnh: T.L
Thời gian đến, Quảng Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất kinh doanh. Ảnh: T.L

DN ngừng sản xuất tăng mạnh

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 613 DN đăng ký thành lập mới với số vốn 4.791 tỷ đồng, bằng 79,4% số DN đăng ký mới và vốn đăng ký chỉ bằng 49,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, cũng trong 6 tháng, toàn tỉnh có đến 128 DN giải thể, 268 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (tăng 42,6%); 336 DN thông báo ngừng hoạt động (tăng 33,9%) so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu là dịch bệnh Covid-19 tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như việc mở rộng đầu tư mới của DN. Tính đến nay, toàn tỉnh có 16.164 lao động phải chấm dứt lao động, ngừng việc và nghỉ việc không hưởng lương ở 163 DN. Có 4.162 lao động ở 25 DN được xác nhận tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Hiện tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh tăng cao nhất 5 năm trở lại đây. Theo dự tính tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 6,3% (trong đó, khu vực nội thị là 7,5% và khu vực nông thôn 6,1%). Phần lớn số lao động thất nghiệp thời gian qua tập trung vào số người trong độ tuổi lao động trẻ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các ngành chức năng đã tiến hành thẩm định hồ sơ đăng ký thất nghiệp cho 9.880 người, tăng 4.780 người so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 8.400 người, với số tiền 121 tỷ đồng (tăng 4.184 người và 71 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019).

Ông Lê Qúy Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê Quảng Nam nhận định, mặc dù dịch Covid-19 cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm cho các ngành công thương, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động trực tiếp. DN đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Nguy cơ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, ngay từ rất sớm, để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, Quảng Nam đề nghị các ngành ngân hàng, bảo hiểm, thuế, hải quan có kế hoạch hỗ trợ DN, không nói chung chung mà phải có giải pháp hết sức cụ thể. Để tạo điều kiện cho DN khởi sự kinh doanh gia nhập thị trường, Sở Kế hoạch và đầu tư đã phối hợp với Cục Thuế tỉnh thực hiện kết nối, trao đổi thông tin, cấp mã tự động cho DN, đồng bộ dữ liệu đăng ký kinh doanh và dữ liệu đăng ký thuế. Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2020 có 2.542 giao dịch được thực hiện thành công.

Tính đến nay, Cục Thuế tỉnh tiếp nhận 1.350 hồ sơ của DN, tổ chức và 347 hồ sơ của hộ, cá nhân kinh doanh đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn hơn 209 tỷ đồng (gồm 206,5 tỷ đồng của DN, tổ chức kinh tế và hơn 2,4 tỷ đồng của hộ, cá nhân kinh doanh).

Cục Hải quan Quảng Nam triển khai cơ chế một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN theo kế hoạch của Tổng cục Hải quan. Đến nay, Cục Hải quan tỉnh tiếp nhận và xử lý 39 C/O điện tử, 29 giấy phép nhập khẩu hóa chất, đăng ký đăng kiểm… trên hệ thống một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN.

Đặc biệt, trong 6 tháng qua, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đồng loạt điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay VNĐ về mức sát với lãi suất huy động ngắn hạn nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN vay vốn. Đến nay, các tổ chức tín dụng xét duyệt cho vay, giãn nợ đối với 456 DN, cá nhân, hộ gia đình (trong đó 350 cá nhân, hộ gia đình và 106 DN) với dư nợ hơn 990 tỷ đồng.

Ngoài ra, chương trình kết nối ngân hàng – DN đang tiếp tục được triển khai hiệu quả với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ DN với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch… Tổng dư nợ từ chương trình này đã đạt 8.729 tỷ đồng, chiếm 11,61% các chương trình tín dụng trọng điểm.

Mới đây, Cục Thống kê Quảng Nam mở đợt khảo sát nhận định xu hướng sản xuất kinh doanh của các DN chế biến, chế tạo trong quý III.2020, theo dự báo sẽ có nhiều dấu hiệu khả quan hơn. Cụ thể, có 53% DN được dự báo sẽ tốt hơn quý II.2020, 25,3% giữ nguyên và 21,7% DN cho là sẽ gặp khó khăn.

“Thời gian đến, UBND tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải…” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO