Nỗ lực phục hồi sản xuất

VĨNH LỘC 12/10/2021 05:48

Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều doanh nghiệp tại Quảng Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc sản xuất cho kịp tiến độ hợp đồng, bù đắp những đứt gãy do dịch bệnh gây ra.

Hoạt động sản xuất, vận chuyển phục hồi giúp doanh nghiệp dần vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Ảnh: V.L
Hoạt động sản xuất, vận chuyển phục hồi giúp doanh nghiệp dần vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Ảnh: V.L

Nỗ lực vượt khó

Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng (Khu công nghiệp Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) đang thông báo tuyển dụng 500 công nhân cho xưởng mới nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất trong những tháng cuối năm.

Theo bà Nguyễn Thùy Nhiên - phụ trách Tổng vụ Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng, mặc dù còn nhiều khó khăn do hoạt động vận chuyển, cung ứng nguyên vật liệu bị hạn chế, nhưng nhìn chung tiến độ sản xuất của doanh nghiệp vẫn diễn ra ổn định.

“Hiện nay, các đơn hàng từ Bình Dương đã được chuyển ra Quảng Nam nên đơn vị phải liên tục sản xuất, cố gắng giao hàng đúng tiến độ hợp đồng. Thuận lợi của đơn vị là khoảng 92% lao động (trong số 7.300 công nhân công ty) đã được tiêm 1 liều vắc xin ngừa Covid-19 nên cơ bản yên tâm phòng chống dịch, hạn chế đứt gãy sản xuất” - bà Nhiên thông tin.

Quý 4 là thời điểm tăng tốc của doanh nghiệp cuối năm. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của nhiều đợt dịch khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ngưng trệ. Tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), nơi có 7 doanh nghiệp phải tạm đóng cửa hoạt động một phần hoặc toàn bộ do dịch Covid-19, sau khi dịch được khống chế, hoạt động sản xuất đã nhanh chóng được phục hồi tăng tốc.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Việt Vương (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc) chia sẻ, công ty chuyên sản xuất hàng may mặc phục vụ thị trường xuất khẩu, nhưng do ảnh hưởng Covid-19 nên tiến độ giao hàng của nhà máy bị chậm.

Trong đợt dịch bùng phát hồi tháng 9, công ty xuất hiện ca dương tính phải đóng cửa hoàn toàn một nhà máy và 30% lao động ở nhà máy còn lại (khoảng 1.500 công nhân) trong 14 ngày nên bây giờ phải tăng tốc để bù thời gian nghỉ sản xuất. Bên cạnh đó, nguồn vật tư cung ứng, phụ tùng phục vụ sản xuất cũng bị đứt gãy do hoạt động logistic bị đình trệ nên giờ nỗ lực càng nhiều hơn.

Qua tìm hiểu, nhiều ý kiến doanh nghiệp thừa nhận, duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm hiện tại rất khó khăn do dịch bệnh liên tục, kéo dài, đầu ra đứt gãy, chi phí hoạt động tăng cao, thiếu nguyên vật liệu đầu vào, khó khăn về tài chính… Do đó đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực liên tục nhằm không chỉ đảm bảo giao hàng đúng hợp đồng mà còn hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tín hiệu khả quan

Trong 9 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp giải thể trên địa bàn tỉnh là 125 đơn vị, giảm 50% so với cùng kỳ, tuy nhiên số doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động lại tăng 44,5% (630 doanh nghiệp).

Tuy nhiên có tín hiệu vui là 368 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động và trong tháng 9 có 31 doanh nghiệp được cấp mới hoạt động với tổng vốn đăng ký 228 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2021 lên con số 885 đơn vị với tổng vốn đăng ký trên 6,4 nghìn tỷ đồng. Tuy có giảm so với năm trước, nhưng trong điều kiện hiện nay, đó đã là tín hiệu đáng mừng.

 

Theo ông Lê Châu Khương - Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp & Hỗ trợ miền Trung (Cụm công nghiệp An Lưu, thị xã Điện Bàn), tuy hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn nhưng bức tranh đang dần sáng sủa hơn trong những tháng cuối năm và năm 2022.

“Đến thời điểm này việc đáp ứng đơn hàng cho đối tác vẫn tương đối tốt nhưng từ đây đến cuối năm dự lường sẽ khó khăn vì chuỗi cung ứng vật tư bị đứt gãy do một số chi tiết sản phẩm phải nhập từ Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh về nhưng các nhà máy nơi đây chưa hoạt động. Hiện, chúng tôi đang tìm cách thương lượng với khách hàng để thay đổi một số vật tư hoặc chủng loại sản phẩm nhằm đảm bảo cung ứng cho đối tác kịp thời” - ông Khương thông tin.

Công ty CP Công nghiệp & Hỗ trợ miền Trung chủ yếu sản xuất giày da, va ly, túi xách… với hơn 2.100 công nhân, lao động là người Quảng Nam. Theo tính toán, năm 2021 công ty chỉ hoàn thành 80% kế hoạch so với mục tiêu đề ra. Việc duy trì sản xuất cũng chính là đảm bảo cuộc sống cho hơn 2.000 người lao động nơi đây.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, khi hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường mới thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ rất khả quan. Dù vậy, để đảm bảo sự thông suốt và bền vững trong phòng chống dịch, sở cũng đang điều chỉnh lại phương án 115, trong đó tập trung vào một số vấn đề như quy định xác suất tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trong mỗi doanh nghiệp; tăng cường quản lý dữ liệu công nhân về một đầu mối nhằm đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, hạn chế thấp nhất đứt gãy hoạt động sản xuất.

Đặc biệt, xem xét tạo điều kiện cho người dân từ vùng dịch về nếu đủ điều kiện có thể vào làm việc tại các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh, kể cả tham mưu đề xuất các cấp ngành địa phương, trung ương tháo gỡ chính sách nhập cảnh cho chuyên gia chất lượng cao. Khi mọi vấn đề được quan tâm triển khai đồng bộ thì sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực phục hồi sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO