Ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê: "Những con số biết nói"

TRỊNH DŨNG 10/01/2020 12:25

Ông Lê Quý Đạt nói những con số thống kê là những con số biết nói. Công bố thông tin thống kê để địa phương có cơ sở đánh giá đánh giá, dự báo tình hình kinh tế - xã hội, điều hành xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của chính quyền và đáp ứng nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân.

* Phát thảo “bức tranh” kinh tế - xã hội Quảng Nam qua những con số thống kê năm 2019 thế nào, thưa ông?

Ông Lê Quý Đạt.
Ông Lê Quý Đạt.

Ông Lê Quý Đạt: Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng (+3,81%), song thấp hơn nhiều so với những năm trước đây. Cơ cấu GRDP tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản (còn 12,6%) tăng khu vực phi nông lâm thủy sản (87,4%) nhưng tốc độ dịch chuyển chậm lại. Năng suất lao động xã hội đạt gần 110 triệu đồng (tăng hơn 6 triệu đồng so với năm 2018). Quy mô nền kinh tế đứng thứ 2 trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng) và đạt hơn 99 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 4 tỷ USD). GRDP bình quân đầu người đạt mức hơn 66 triệu đồng (tăng 6% với 2018), thu nhập bình quân đầu người 40 triệu đồng/năm (tăng 11,4% so với năm 2018).

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội được duy trì ở mức khá (trên 32%/GRDP), nhưng không chảy trực tiếp nhiều vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt sản xuất công nghiệp, do đó giá trị gia tăng (VA) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế (GRDP) còn thấp. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trong năm 2019 chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ bản (chiếm hơn 66%). Tuy nhiên, để các nguồn vốn đầu tư này phát huy hiệu quả đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cần phải có thời gian. Bởi lẽ, sức lan tỏa từ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế có độ trễ và chỉ tăng trong năm đối với lĩnh vực xây dựng.     

Tăng trưởng tín dụng vượt mục tiêu (+25%) nhưng ít tăng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh (công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 19,4%, hoạt động dịch vụ khác chiếm 9,5%, dịch vụ lưu trú, ăn uống chiếm 7,7%, nông, lâm nghiệp và thủy sản 5,1%). Chủ yếu tăng tiêu dùng và lĩnh vực khác (chiếm 58%). Các ngân hàng thương mại không chỉ cho vay trong phạm vi của tỉnh theo đơn vị thường trú mà còn cho các tỉnh khác vay và điều động vốn về ngân hàng cấp trên để cho vay các dự án lớn.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán nhưng mức thu thực tế thấp hơn so với 2018 cả về nội địa và xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 11%, vốn tăng 65% nhưng vốn đăng ký không phải vốn đầu tư thực hiện. Doanh nghiệp tăng nhưng đa số siêu nhỏ và nhỏ, đang quá trình đầu tư, chưa chính thức đi vào hoạt động. Số doanh nghiệp giải thể, thu hồi giấy phép, tạm ngừng hoạt động tăng đến 12%. Tổng lượt khách lưu trú, tham quan đều tăng nhưng mức chi tiêu góp phần tăng trưởng kinh tế từ khách du lịch vẫn ở mức trung bình thấp. Số lượt khách ngủ qua đêm thấp hơn mức trung bình cả nước. Cơ cấu lao động dịch chuyển khá so với tốc độ dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp cả năm khoảng 2,3% (thành thị trên 2,7%, nông thôn 2,2%), đây là mức trung bình thấp so với cả nước. Tỷ lệ giảm nghèo vượt chỉ tiêu. Kiểm soát được lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) địa phương so cùng kỳ tăng 2,87% (nằm trong mục tiêu đề ra). Thêm 16 xã công nhận nông thôn mới (vượt 3 xã theo chỉ tiêu HĐND), nâng tổng số đạt chuẩn nông thôn mới lên 101 xã, chiếm 49,5% số xã toàn Quảng Nam.

 

Có thể thấy tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu do tăng trưởng ngành sản xuất, lắp ráp ô tô thấp, doanh thu bán buôn ô tô giảm mạnh, giảm sâu ngành sản xuất, phân phối điện, nông nghiệp giảm sản lượng lương thực và ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, ngành xây dựng giảm khối lượng công trình xây dựng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư chưa đạt yêu cầu, nợ đọng thuế, khó khăn giải phóng mặt bằng, vẫn còn xảy ra cháy rừng...

* Thưa ông, công bố thông tin thống kê để đạt mục đích gì? Những con số này có tác động thế nào đến điều hành của chính quyền?

Ông Lê Quý Đạt: Công bố thông tin đã được luật hóa. Thông tin thống kê Nhà nước nói chung và ngành thống kê nói riêng trở thành nguồn thông tin thống kê chính thức, góp phần làm giàu tri thức cho xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng thông tin thống kê, tăng cường mối quan hệ của tổ chức, cá nhân với Cục Thống kê.

Việc công bố thông tin thống kê nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đáp ứng yêu cầu đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, quy hoạch chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

* Liệu có sự xác thực tuyệt đối về cách đánh giá GRDP, quy mô nền kinh tế và phải thông qua những phương pháp gì để có được những con số thống kê của kinh tế - xã hội địa phương?

Ông Lê Quý Đạt: Quy mô nền kinh tế là GRDP của một năm theo giá hiện hành của năm đó. Hằng năm Tổng cục Thống kê tiến hành biên soạn GRDP tập trung cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thông qua nguồn dữ liệu được thu thập bằng 3 hình thức: báo cáo thống kê cơ sở, điều tra thống kê và dữ liệu hành chính. Riêng điều tra thống kê hằng năm là điều tra chọn mẫu để suy rộng. Định kỳ 5 năm tiến hành tổng điều tra thống kê tất cả hiện tượng kinh tế phát sinh và tiến hành điều chỉnh quy mô GRDP các năm không có tổng điều tra (chỉ thực hiện điều tra mẫu). Nguyên nhân định kỳ điều chỉnh là do điều tra mẫu suy rộng hằng năm thì có sai số thống kê (cho phép), công tác này các nước trên thế giới vẫn thực hiện.

Hằng năm sau khi thu thập các thông tin thống kê đầu vào bằng 3 hình thức như trên, ngành thống kê xử lý, tổng hợp, tính toán (suy rộng nếu là điều tra chọn mẫu, bằng các phần mềm ứng dụng chuyên ngành), phân tích và dự báo… Các hình thức thu thập, xử lý, tổng hợp, tính toán… này sẽ được kiểm tra, giám sát, phúc tra, thanh tra theo từng cấp bậc.

* Theo ông, chất lượng cuộc sống hay tăng trưởng GRDP quan trọng hơn? Có cách gì để đo lường sự phát triển của địa phương hay không?

Ông Lê Quý Đạt: Tăng trưởng kinh tế (GRDP) và chất lượng cuộc sống có mối quan hệ khăng khít và tác động 2 chiều. Phần lớn tăng trưởng kinh tế sẽ đem lại cuộc sống tốt hơn (vật chất và tinh thần), tăng trưởng kinh tế giúp tạo việc làm và tăng thu nhập cho xã hội, tăng thu ngân sách để Nhà nước tiếp tục đầu tư cho phát triển (kinh tế - xã hội - văn hóa - môi trường) và phân phối lại thu nhập cho những đối tượng yếu thế của xã hội… Tuy nhiên trong những trường hợp tùy thuộc vào chính sách mỗi quốc gia dẫn đến chiều ngược lại, có tăng trưởng nhưng không nâng cao chất lượng cuộc sống của đa số người dân mà chỉ nâng cao ở một số đối tượng (người giàu).

Ngược lại nâng cao chất lượng cuộc sống cũng sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế tùy mức độ, khía cạnh khác nhau. Ví dụ: sức khỏe, giáo dục tốt hơn tác động nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, nâng cao đời sống tinh thần sẽ tác động giảm bớt tệ nạn xã hội… Có thể kết luận, 2 vấn đề này quan hệ không thể tách rời. Hai nhưng là một. Phát triển kinh tế để nâng cao chất lượng cuộc sống và ngược lại.

Hiện nay, để đo lường kinh tế chỉ có chỉ tiêu GDP (tầm quốc gia) và GRDP (tỉnh, thành phố). Không có chỉ tiêu thay thế. Muốn đo lường sự phát triển tổng thể thì cần thêm nhiều chỉ tiêu như: GRDP xanh, đo lường sự phát triển con người (HDI), đo lường về hạnh phúc (HPI), chỉ số tiến bộ thật sự (GPI), đo lường về bất bình đẳng xã hội… Nhưng các chỉ tiêu này rất khó đo lường ở cấp độ nhỏ mà chỉ có thể cấp quốc gia. Hiện nay một số chỉ tiêu Việt Nam vẫn chưa tính toán được do nguồn dữ liệu cũng như hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia không có…

* Cảm ơn ông đã dành cho Báo Quảng Nam cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê: "Những con số biết nói"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO