Phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi

SỰ ANH - VĂN MINH 28/07/2022 11:10

Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở Hiệp Đức đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập và vươn lên giảm nghèo bền vững.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH Hiệp Đức, gia đình ông Hồ Văn Sư ở thôn Trà Huỳnh (xã Sông Trà) có điều kiện phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, mang lại thu nhập cao. Ảnh: V.M
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH Hiệp Đức, gia đình ông Hồ Văn Sư ở thôn Trà Huỳnh (xã Sông Trà) có điều kiện phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, mang lại thu nhập cao. Ảnh: V.M

Gia đình ông Hồ Văn Sư (thôn Trà Huỳnh, xã Sông Trà) có đất vườn nhà và vườn đồi khá lớn nhưng nhiều năm phải bỏ hoang vì không có vốn đầu tư phát triển mô hình kinh tế.

Năm 2013, qua kênh ủy thác của Hội Nông dân xã, vợ chồng ông Sư được vay ưu đãi 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH Hiệp Đức để đầu tư nuôi bò sinh sản và trồng rừng nguyên liệu.

Biết tính toán làm ăn và siêng năng lao động, kinh tế của gia đình ông Sư ngày càng cải thiện. Hiện nay, vợ chồng ông Sư có 13 con bò nái sinh sản, 12ha keo nguyên liệu giấy, 3ha cao su tiểu điền đang khai thác mủ.

Ông còn nuôi heo thịt và gà thả vườn. Bình quân mỗi năm, mô hình kinh tế tổng hợp của ông Sư cho thu nhập hơn 150 triệu đồng. Nhờ vậy, năm 2019 gia đình ông Sư đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.

“Bây giờ, kinh tế phát triển, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang và nuôi các con ăn học đàng hoàng, tôi mừng lắm” - ông Sư chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức nhìn nhận, 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 (ngày 4.10.2002) của Chính phủ đã tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh. Trong đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 8,43% và hộ cận nghèo còn 2,72%.

Hơn 10 năm trước, gia đình bà Hà Thị Thanh Bình (thôn Phú Nhơn, xã Quế Lưu) được vay ưu đãi 260 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH Hiệp Đức để đầu tư trồng 1ha cao su tiểu điền và cải tạo khu vườn tạp trồng 100 cây bưởi da xanh, 130 cây sầu riêng, nuôi 9 con bò ngoại 3B thương phẩm.

“Mỗi năm, mô hình kinh tế của tôi cho mức thu nhập khoảng 150 - 170 triệu đồng. Đến nay, cả vốn và lãi vay tôi đều trả xong” - bà Bình nói.

Ông Lê Văn Nho - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Hiệp Đức cho biết, năm 2003 khi mới thành lập, đơn vị có 2 chương trình cho vay từ vốn giải quyết việc làm và hộ nghèo với dư nợ 6,4 tỷ đồng.

Đến nay đơn vị triển khai 17 chương trình tín dụng chính sách, doanh số cho vay 808 tỷ đồng với 25.459 lượt hộ vay vốn. Qua đó, giúp 2.636 hộ vươn lên thoát nghèo và cận nghèo, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 lao động, 41 lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Gần đây đơn vị đã giải ngân hơn 6,3 tỷ đồng cho các đối tượng thụ hưởng chính sách phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO