Tài nguyên dược liệu ở Cù Lao Chàm: Bảo tồn và khai thác đúng mức

QUỐC TUẤN 20/02/2020 13:15

Cù Lao Chàm sở hữu nguồn tài nguyên dược liệu đặc hữu chỉ trên một diện tích không quá lớn rừng đặc dụng, nên nguồn lợi này cần được bảo tồn, khai thác đúng mức để nâng cao giá trị sản phẩm và giữ được đa dạng sinh học cho khu vực.

Cù Lao Chàm sở hữu nguồn tài nguyên dược liệu quý giá nên cần sớm xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị các sản phẩm. Ảnh: Q.T
Cù Lao Chàm sở hữu nguồn tài nguyên dược liệu quý giá nên cần sớm xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị các sản phẩm. Ảnh: Q.T

Nguồn tài nguyên quý

Tổng diện tích tự nhiên của rừng đặc dụng ở Cù Lao Chàm hiện nay vào khoảng hơn 1.600ha, nhỏ hơn hàng chục lần so với Khu bảo tồn thiên nhiên Sao la hoặc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nhưng sở hữu số loài thực vật được định danh cũng như số loài cây thuốc (365 loài) được ghi nhận xấp xỉ với hai khu bảo tồn trên.

Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia đến từ Trường Đại học Nông lâm Huế, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn quản lý tài nguyên cho thấy, hệ thực vật ở Cù Lao Chàm còn lưu giữ được 43 loài (trong đó có 21 loài cây thuốc) thuộc nhóm nguy cấp quý hiếm, nhiều loài và cá thể cây có tính biểu trưng cao do có kích thước lớn, tuổi thọ cao như đa núi cao, ngô đồng đỏ, táu…

Bên cạnh đó, một số loài cây thuốc cũng có trữ lượng khá lớn như thìa canh, lá vằng… Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra nhóm trường hợp sau khai thác cây có thể phục hồi chỉ chiếm 21% tổng số lượt loài trong khi có đến 79% cây, quần thể loài sau khai thác có thể hạn chế sự phục hồi.

Theo tài liệu của Phòng Kinh tế TP.Hội An, hiện trên đảo có ít nhất 144 loài rau rừng và lá uống (đã giám định tên khoa học) và đây là đặc sản được người dân và du khách sử dụng, mua làm quà khi ghé đến Cù Lao Chàm.

Bà Bốn Chụp (80 tuổi, trú thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp) cho biết: “Vợ chồng tôi đã khai thác lá rừng mấy chục năm rồi với đủ các loại chè dung, hà thủ ô, ngũ gia bì… Trước đây phần lớn dùng để uống trong gia đình, phòng chữa bệnh lặt vặt rất hiệu quả, mấy năm nay được cơ quan chức năng hỗ trợ hướng dẫn đóng gói sản phẩm bán cho khách ghé đảo và họ hỏi mua khá nhiều”.

Được biết, ở xã Tân Hiệp hiện có gần 80 hộ khai thác lâm sản ngoài gỗ nguồn gốc thực vật. Mùa hè (khoảng từ tháng ba đến tháng tám âm lịch) là mùa khai thác chính các loài thực vật này do thuận lợi trong việc khai thác, sơ chế và phơi khô với sản lượng bình quân mỗi hộ khai thác chừng 30kg cây lá tươi/ngày đối với cây lá uống và gần 3kg/ngày đối với các loại rau rừng.

Cần nâng cao giá trị

Nguồn tài nguyên dược liệu ở Cù Lao Chàm hiện còn nhiều sản phẩm có tiềm năng tham gia OCOP và cần sớm xúc tiến để nâng chất lượng. Hiện nay sản phẩm trà rừng Cù Lao Chàm đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, xếp hạng 4 sao cấp tỉnh.

Theo bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An, với trữ lượng tự nhiên và số lượng khai thác như hiện nay, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của rừng Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, nếu chỉ khai thác, tiêu thụ dạng thô sẽ cho hiệu quả không cao nên từ năm ngoái đã có sự hợp tác giữa Hợp tác xã Cù Lao Chàm với doanh nghiệp là Tập đoàn Haan phát triển sản phẩm trà túi lọc và nước uống đóng chai, dự kiến sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm trong năm nay.

Theo TS.Trần Minh Đức - Trường Đại học Nông lâm Huế, mùa vụ khai thác lâm sản ngoài gỗ trên đảo trùng với mùa du lịch, vì vậy cần tăng cường các giải pháp quản lý, phát triển bền vững nguồn tài nguyên này, nhất là đối với các loài có giá trị được du khách ưa chuộng như lam gấm, sâm cau đỏ vài năm trước và lá dung như hiện nay.

Theo Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, để hướng đến sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng Cù Lao Chàm, trước hết cần ưu tiên hoàn thiện cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học rừng làm nền tảng cho công tác quản lý, bảo tồn, sử dụng, từ đó là nền tảng để xây dựng quy chế sử dụng bền vững tài nguyên thông qua các quy định cụ thể về phương thức, mùa vụ, địa điểm khai thác. Ngoài ra cần triển khai hỗ trợ người dân trồng thuốc, rau rừng có khả năng sinh trưởng, phát triển trong vườn nhà để giảm áp lực khai thác tự nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tài nguyên dược liệu ở Cù Lao Chàm: Bảo tồn và khai thác đúng mức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO