Tạo "cú hích" phát triển kinh tế vùng ở Thăng Bình

NGUYỄN QUANG 01/06/2023 07:58

Ngày 30/5, phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thăng Bình 2020 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho rằng, cả hệ thống chính trị của huyện cần phát huy lợi thế từng vùng, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế vùng, qua đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Toàn Quảng Nam đi vào hoạt động ở Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được (xã Bình Phục). Ảnh: Q.V
Nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Toàn Quảng Nam đi vào hoạt động ở Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được (xã Bình Phục). Ảnh: Q.V

Những thành quả

Định hướng phát triển vùng đông của Huyện ủy Thăng Bình tập trung vào mũi nhọn “du lịch - thương mại - dịch vụ”. Đến nay, vùng đông đang trở thành vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thăng Bình.

Đáng kể, Thăng Bình đã triển khai khá hiệu quả Nghị quyết 07 ngày 4/5/2021 của Tỉnh ủy về định hướng phát triển vùng đông nam của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Công tác quản lý đất đai, quản lý hiện trạng, giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các dự án tại các xã vùng đông đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thăng Bình đã kêu gọi đầu tư phát triển Khu du lịch dịch vụ Vinpearl Nam Hội An, Bliss Hội An Beach Resort & Wellness, dự án nhà máy sản xuất vải mành của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp của Công ty CP Capella Quảng Nam ở Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng mở rộng… Các dự án đã giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp ngân sách.

Ở vùng trung, Thăng Bình lập các quy hoạch Khu công nghệ cao Thăng Bình khoảng 317ha ở các xã Bình Sa, Bình Tú, Bình Triều; KCN Nam Thăng Bình khoảng 500ha ở các xã Bình Trung, Bình Tú, Bình Sa, Bình Nam; KCN Bắc Thăng Bình 239,3ha ở các xã Bình Giang, Bình Phục...

Đối với cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được (xã Bình Phục), đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút 10 dự án đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động địa phương.

Điểm nhấn ở vùng trung là xây dựng, phát triển đô thị Hà Lam. Huyện đã lập thủ tục kêu gọi đầu tư các khu đô thị mới; hình thành các khu dân cư tập trung kết nối với đô thị Hà Lam để phát triển thương mại, dịch vụ.

Đối với vùng tây, HĐND huyện ban hành Nghị quyết và UBND huyện ban hành Đề án về phát triển kinh tế vùng tây, khuyến khích phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại theo mô hình nông lâm kết hợp.

Đến nay, Thăng Bình đã hỗ trợ kinh phí khuyến khích phát triển 61 mô hình trồng trọt, 17 mô hình chăn nuôi, thủy sản với tổng kinh phí hỗ trợ 1,38 tỷ đồng. Nhờ xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, huyện đã kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sạch sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng lao động địa phương.

Đòn bẩy phát triển

Đánh giá cao các kết quả đạt được của huyện Thăng Bình trong phát triển kinh tế vùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho rằng, Thăng Bình cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh xây dựng các xã vùng đông phát triển mạnh về dịch vụ, du lịch, đô thị sinh thái ven sông, ven biển và công nghiệp sạch.

Mấu chốt là phải triển khai GPMB hiệu quả để mở rộng KCN Tam Thăng về phía Thăng Bình; hình thành KCN Nam Thăng Bình với các ngành nghề công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ điện tử…

“Thăng Bình cần đẩy mạnh quy hoạch, liên kết vùng đông với các địa phương lân cận để phát triển du lịch cũng như kết nối với Hội An hình thành khu du lịch dịch vụ, sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ giáo dục, y tế ven biển tại xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Đào.

Khơi thông GPMB để triển khai dự án nghỉ dưỡng Nam Hội An, xúc tiến, hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng Bệnh viện tim mạch (xã Bình Dương)” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nói.

Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, ở vùng trung, thời gian tới huyện ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Tập trung đầu tư hạ tầng, xúc tiến các dự án KCN công nghệ cao Thăng Bình, KCN Bắc Thăng Bình, các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp nhẹ.

“Giải pháp của Thăng Bình là xây dựng các khu dân cư tập trung ở xã Bình Phục, Bình Trung, Bình Tú. Xúc tiến kêu gọi đầu tư đô thị kết nối Hà Lam, xã Bình Nguyên làm tiền đề xây dựng Hà Lam đạt chuẩn đô thị loại 4 vào năm 2025.

Về nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tích tụ tập trung ruộng đất phát triển các cánh đồng tập trung, cánh đồng mẫu lớn, các vùng chuyên sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống” - ông Phan Công Vỹ nói.

Về phát triển vùng tây, ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói, huyện tập trung quy hoạch và kêu gọi đầu tư dự án KCN Tây Thăng Bình (xã Bình Quý, Bình Định Nam, Bình Định Bắc).

Đồng thời phối hợp với Sở VH-TT&DL thám sát, khảo cổ học, triển khai dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, qua đó triển khai dự án Khu du lịch lưu trú, trải nghiệm Đồng Dương (xã Bình Định Bắc).

Về nông nghiệp, tiếp tục xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp giải quyết ổn thỏa đầu ra nông sản cho nông dân; mở rộng, phát triển các ngành nghề truyền thống như làm bún, phở khô, sản xuất nấm rơm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo "cú hích" phát triển kinh tế vùng ở Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO