Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất

T.D 05/06/2023 15:19

(QNO) - Ngày 5/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đồng chủ trì phiên họp thường kỳ, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm, bàn phương hướng hoạt động các tháng còn lại của năm 2023.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: T.D

Thông qua 5 báo cáo trình bày tại phiên họp (báo cáo kinh tế - xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm, điều chỉnh đầu tư công trung hạn, báo cáo kinh tế - xã hội giữa nhiệm kỳ, quy chế làm việc, chương trình công tác năm), 5 tháng qua, sản xuất nông - lâm - thủy sản ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng; tổng lượt khách lưu trú, lữ hành tăng cao so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sâu so cùng kỳ (41,8%); số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng; thu ngân sách nhà nước giảm sâu so cùng kỳ (41% dự toán) và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm so với kế hoạch (13,5%)...

Theo nhận định của Sở KH&ĐT, ảnh hưởng đại dịch và biến động chính trị thế giới đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống đại đa số người dân Quảng Nam. Dòng vốn đầu tư toàn cầu chậm phục hồi, ảnh hưởng trực tiếp đến sự suy giảm của việc thu hút FDI.

Hệ thống pháp luật liên quan đến thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, quy hoạch... vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu phù hợp thực tiễn, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc thực hiện các dự án đầu tư... nên tiến độ thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch giữa nhiệm kỳ chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu đề ra.

Ông Nguyễn Hưng - Phó giám đốc Sở KH&ĐT trình bày các báo cáo
Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT trình bày các báo cáo tại phiên họp. Ảnh: T.D

Một số ngành kinh tế chủ yếu phát triển thiếu bền vững. Chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh để thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn; nhiều dự án chậm tiến độ, đầu tư còn dàn trải. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực khác còn khó khăn.

Tổ chức thực hiện các quy định về công tác quản lý đầu tư và xây dựng chưa chặt chẽ ở một số ngành, địa phương, chủ đầu tư dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu. Bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hướng đến tiến độ thực hiện các dự án; công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận về đất đai và các dịch vụ tiện ích chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư. Năng lực sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị của phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là nhỏ và vừa nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; nhất là việc phục hồi và phát triển sau dịch bệnh COVID-19.

Một số cơ quan chuyên môn chưa thật sự chú trọng đầu tư nghiên cứu, xây dựng các chương trình, kế hoạch, quy định, hướng dẫn… nhằm cụ thể hóa các chủ trương, quy định của cấp trên để triển khai thực hiện. Không ít cán bộ, công chức trình độ chưa đồng đều; chưa nghiên cứu sâu, kỹ các văn bản cũng như nhiều nội dung tham mưu chưa đạt chất lượng; kỹ năng xử lý và tính chủ động trong công việc chưa cao; việc áp dụng công nghệ thông tin vào công việc còn hạn chế...

Đại biểu dự phiên họp thường kỳ. Ảnh: T.D
Đại biểu dự phiên họp thường kỳ. Ảnh: T.D

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định sự sụt giảm của công nghiệp chế biến, chế tạo, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động gia tăng... đã tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất cũng như tăng trưởng kinh tế.

Đồng chí Phan Việt Cường cho rằng, khó khăn hiện nay là vấn đề chung của nền kinh tế trong nước và thế giới; tuy nhiên, càng trong bối cảnh khó khăn, Quảng Nam phải đồng sức, chung lòng, cố gắng vượt qua. Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, đảm bảo các yêu cầu đặt ra đối với an ninh kinh tế, an ninh nông thôn…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, cuộc họp này phân tích, đánh giá, soi lại chương trình công tác năm. Nhiều chỉ tiêu cần xem xét lại. Có những tình huống phát sinh không lường trước được trước biến động phức tạp của xã hội nên cân nhắc có thực hiện được hay không và đưa ra giải pháp thực hiện, đảm bảo nguồn lực khả thi, điều chỉnh khoa học, hợp lý, đúng với thực tế điều hành của Quảng Nam. Nội dung nào thiếu sẽ điều chỉnh, bổ sung.

Tỉnh sẽ ký ban hành quy chế làm việc, dự thảo phân công thành viên UBND tỉnh đúng quy định để thực hiện tốt những gì đã phân công, ủy quyền. Ưu tiên trong tháng 6 là chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh nông thôn, giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất...

Cùng với việc đôn đốc thực hiện quy chế Tổ công tác đặc biệt, các cơ quan quản lý khẩn trương hoàn chỉnh các báo cáo, đề án tham mưu UBND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh để xem xét, cho ý kiến chỉ đạo cụ thể trước khi trình tại các hội nghị của Tỉnh ủy và kỳ họp của HĐND tỉnh được tổ chức giữa năm 2023 theo kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO