(QNO) - Trước vụ việc một người dân Quảng Nam vừa tử vong có liên quan đến vi khuẩn gây bệnh Whitmore - "vi khuẩn ăn thịt người", Sở Y tế yêu cầu các địa phương, cơ sở khám chữa bệnh tăng cường truyền thông nhận biết về căn bệnh này.
Sở Y tế chỉ đạo "nóng"
Đại diện Sở Y tế cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường công tác chẩn đoán và điều trị bệnh Whitmore.
Theo đó, để chủ động phát hiện sớm, điều trị kịp thời, giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do bệnh Withmore, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà nắm được các biện pháp phòng chống bệnh.
Do bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng và khó chẩn đoán nên Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh khi có ca bệnh nghi ngờ cần tổ chức hội chẩn khoa, hội chẩn liên khoa, liên viện để kịp thời chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm cho phù hợp.
Trước đó, như báo Quảng Nam đưa tin, ngày 11/10, nữ bệnh nhân 47 tuổi (quê xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Tâm Trí Quảng Nam trong tình trạng sốt cao, khó thở, mệt mỏi, thở gắng sức. Sau khi được xử trí cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân có bệnh kèm là đái tháo đường type 1 bỏ điều trị khoảng 1 năm, biến chứng suy hô hấp, tăng đường máu cấp.
Tiên lượng nặng nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng điều trị và đã tử vong sau đó. Kết quả cấy máu và cấy đàm của nữ bệnh nhân với kết quả bệnh nhân nhiễm Burkholederia pseudomallei. Đây là vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore - là một bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật. Bệnh gây hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và làm suy yếu hệ miễn dịch nhanh chóng, lây qua vết thương lở loét nên còn được gọi là "vi khuẩn ăn thịt người".
Tuân thủ vệ sinh cá nhân
Thống kê từ Bệnh viện Trung ương Huế, nếu người bệnh chậm trễ khi phát hiện bệnh Whitmore thì tình trạng bệnh nặng phải hồi sức tích cực chiếm đến 50%. Bệnh thường gặp ở những người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất và nước. Bên cạnh đó, bệnh Whitmore cũng hay gặp ở người có các bệnh mãn tính, chẳng hạn như đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, suy giảm miễn dịch lâu ngày...
Biểu hiện lâm sàng của bệnh khá đa dạng với những triệu chứng như lở loét da, lên cơn sốt (nhiều kiểu sốt bao gồm sốt cơn, sốt kèm theo lạnh run hoặc sốt kéo dài), viêm đường tiết niệu, viêm phổi, suy hô hấp, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng máu và suy đa phủ tạng.
Đặc biệt, bệnh Whitmore thường gặp ở người có tiền sử đái tháo đường, chiếm tỷ lệ khoảng 60% người mắc. Thời kỳ ủ bệnh ngắn nhất được ghi nhận là 1 ngày và dài nhất là 62 năm. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Võ Khoa - Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam khuyến cáo đối với nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền và người có vết thương về da phải giữ vệ sinh, cần hạn chế những vấn đề về tiếp xúc với những nơi môi trường có nguy cơ.Theo bác sĩ Khoa, đối với những nhóm người trên, nếu có biểu hiện về lâm sàng, ví dụ như nhiễm trùng kéo dài, trong trường hợp với các xét nghiệm bình thường hoặc với bệnh cảnh nhiễm trùng không đáp ứng với điều trị phải nghĩ đến bệnh này và phải được thực hiện các xét nghiệm chuyên ngành chuyên khoa.
Bệnh Whitmore được điều trị bằng cách sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B.pseudomallei và các thuốc điều trị các triệu chứng, biến chứng kèm theo, đồng thời chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bệnh.
Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh này. Theo Bộ Y tế, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không bảo đảm vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín, uống chín…