Hiện nay, đa số diện tích lúa mùa trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái làm đòng. Tuy nhiên rất nhiều sâu, bệnh hại phát sinh nguy cơ lan rộng. Nếu không tập trung phòng trừ sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa, năng suất, sản lượng lúa tụt giảm.
Hiện nay, đa số diện tích lúa mùa trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái làm đòng. Tuy nhiên rất nhiều sâu, bệnh hại phát sinh nguy cơ lan rộng. Nếu không tập trung phòng trừ sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa, năng suất, sản lượng lúa tụt giảm.
Sâu cuốn lá nhỏ (Cnaphalocrocis medinalin) là đối tượng hằng năm vẫn xuất hiện gây hại đáng kể trên các trà lúa. Lá lúa bị cuốn, sâu non ăn biểu bì mặt trên và diệp lục của lá dọc theo gân lá tạo thành những vệt trắng dài, các vệt này có thể nối liền với nhau thành từng mảng làm giảm diện tích quang hợp, đặc biệt là trên lá đòng hoặc lá công năng, sẽ làm giảm năng suất rõ rệt. Cách phát hiện sâu và gây hại: Sâu cuốn lá có 5 tuổi, màu sắc, kích thước và mức độ gây hại thay đổi tùy theo độ tuổi. Khi mới nở cho đến tuổi 3, sâu non có màu xanh lá lúa và ngả dần sang vàng nhạt ở tuổi 4 - 5. Ở tuổi 2, sâu bắt đầu nhả tơ, cuốn 2 mép lá lúa làm nơi trú ẩn vào ban ngày, còn ban đêm hay lúc mát trời như sáng sớm, chiều tối, sâu non sẽ ra ngoài kiếm ăn và sẽ phá hại tích cực ở độ tuổi 3 - 4; sang tuổi 5, sâu đã giảm tính năng động, không cắn phá lúa mà chuẩn bị làm kén để vào nhộng nằm chờ vũ hóa thành bướm.
Sâu non cạp ăn phần nhu mô diệp lục của lá lúa, chỉ để lại lớp biểu bì, nên nếu không chú ý quan sát cẩn thận khi thăm đồng sẽ không phát hiện được sâu non và dấu hiệu tổn hại của lá lúa một cách kịp thời. Nhất là khi sâu còn nhỏ, gặp giai đoạn mưa nhiều ít nắng, để rồi vào những ngày nắng gắt tiếp theo tự nhiên thấy cả cánh đồng lá lúa đột ngột vàng khô thì đã trễ, vì thường sâu đã vào tuổi 4 - 5, bắt đầu giảm phá hại nên việc tổ chức phòng trị đã trễ.
Căn cứ vòng đời, sức chịu đựng với hóa chất, mức độ an toàn của tổ trú ẩn và tuỳ theo độ tuổi, thì diệt sâu cuốn lá nhỏ tốt nhất vào giai đoạn sâu đa số ở tuổi 2 - 3, tuổi lớn hơn khả năng chịu đựng hay kháng thuốc mạnh hơn và tổ trú ngụ cũng an toàn hơn nên sẽ không cho kết quả tốt. Về cách phòng trị: Đối với sâu cuốn lá nhỏ, hầu như ít có giống lúa nào không bị nhiễm nên việc phát hiện sớm, phòng trị kịp thời, hợp lý là yếu tố quan trọng và hiệu quả nhất (khi sâu đa số ở tuổi 2 - 3). Bởi tùy giai đoạn sinh trưởng của lúa, mật độ sâu, tuổi sâu mà mức độ thiệt hại sẽ rất khác nhau và có thể cần hoặc không cần phun thuốc diệt trừ. Nếu sâu non xuất hiện với mật độ cao, nhưng đa số ở tuổi 4 - 5 và vào đầu thời kỳ lúa đẻ nhánh như hiện nay thì có thể gây hại nhẹ, do sâu chuẩn bị vào nhộng thành bướm không còn cắn phá nhiều và cây lúa còn khả năng phục hồi bộ lá tốt hơn, nên có thể không cần phun thuốc. Nhưng nếu sâu non đa số tuổi 2 - 3 là tuổi cắn phá rất mạnh, mật độ lại rất cao (trên 20 con/m2) thì nên phun thuốc diệt trừ ngay, đặc biệt trong trường hợp lúa đang vào giai đoạn lúa đứng cái, có đòng đến trổ; bởi nếu không được phát hiện sớm và tích cực phun thuốc diệt trừ kịp thời thì thiệt hại sẽ rất nặng, do lúa chỉ còn có lá đòng không thể phục hồi.
Nhiều trà lúa đang vào giai đoạn đẻ nhánh mạnh, thời tiết cũng vào lúc mưa nhiều nên lúc nào cũng thấy lúa xanh tốt, rất dễ chủ quan. Bà con nông dân nên thường xuyên thăm đồng và chú ý phát hiện cẩn thận các đối tượng sâu bệnh, nhất là cuốn lá nhỏ để cân nhắc việc can thiệp bằng phun xịt thuốc như: Virtako 40WG, Angun 5 WG, Proclaim 1.9EC, Dylan 2EC... để phun trừ.
Để giảm thiệt hại về năng suất lúa do sâu cuốn lá nhỏ gây ra, thời điểm này bà con nông dân cần thường xuyên đi thăm đồng và theo dõi tình hình dịch bệnh trên cây lúa để có biện pháp xử lý kịp thời.