Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề hoạt động sản xuất kinh doanh ở Quảng Nam. Sụt giảm nguồn thu ngân sách đã hiển hiện bằng những con số cụ thể. Bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền và ngành chức năng, ngành thuế tỉnh đang triển khai những biện pháp cụ thể để kịp thời hỗ trợ người nộp thuế vượt qua khó khăn. Quảng Nam Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam xung quanh vấn đề này.
* Thưa ông, biện pháp phòng chống dịch mới nhất của Chính phủ là tạm đình chỉ hoạt động của phần lớn cơ sở kinh doanh dịch vụ. Ngành thuế đánh giá mức độ thiệt hại doanh thu của người nộp thuế và sự sụt giảm nguồn thu trên địa bàn tỉnh như thế nào?
Ông Ngô Bốn: Việc tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ (trừ các cơ sở cung ứng hàng hóa thiết yếu và các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe…) là một trong các biện pháp ở cấp độ cao hơn trong phòng chống dịch Covid-19. Hơn hai tháng nay, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ đã chịu ảnh hưởng đáng kể, nhất là dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng; các dịch vụ vui chơi, giải trí, dịch vụ vận tải… Một số doanh nghiệp (DN) có số nộp ngân sách khá thuộc lĩnh vực du lịch, lưu trú, chịu ảnh hưởng sớm từ dịch bệnh như Công ty TNHH Victoria Hội An, Công ty TNHH Indochina Resort (Hội An), Công ty TNHH Khách sạn du lịch River Park Hội An... Hiện một số đơn vị cho nhân viên nghỉ việc dài hạn chờ đến khi có thông báo mới như Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An, Công ty TNHH Indochina Resort, Công ty LD Khách sạn Victoria Hội An, Công ty TNHH Indochina Resort Residences…
Do dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề, nên ngành sản xuất bia, nước giải khát cũng giảm mạnh. Công ty bia chỉ nộp thuế dưới 30% dự toán hàng tháng, các nhà máy nước giải khát chỉ nộp 40% dự toán tháng. Đối với khối hộ kinh doanh dịch vụ, đến cuối tháng 3.2020 chúng tôi đã ghi nhận 3.517 hộ có đơn xin tạm nghỉ kinh doanh (chiếm 22,4% tổng số hộ nộp thuế khoán hằng tháng), hầu hết số hộ còn hoạt động nhưng cầm chừng hoặc sụt giảm doanh thu do tác động gián tiếp đã đề nghị giảm mức thuế khoán.
Cùng với giảm sút hoạt động kinh doanh, dịch vụ, nhiều ngành sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng chịu tác động mạnh do dịch bệnh (cả khâu cung ứng đầu vào cho sản xuất và đầu ra tiêu thụ sản phẩm). Nhiều DN, hộ kinh doanh dịch vụ gặp khó khăn, ưu tiên nguồn tiền để khắc phục tại chỗ nên chậm nộp số thuế phát sinh phải nộp, tăng nợ thuế. Vì vậy, tổng số thu toàn tỉnh tháng 3.2020 chỉ đạt dưới 50% so với dự toán phải thu hằng tháng.
Với biện pháp dừng họat động kinh doanh, dịch vụ và “cách ly toàn xã hội” đang thực hiện, chúng tôi dự báo tháng 4 này là thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ nói chung chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch Covid-19, cùng với nhiều nguyên nhân gián tiếp khác thì số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh là rất thấp, ước chỉ khoảng 30 - 40% dự toán phải thu của tháng.
* Đối với loại hình thuế hộ kinh doanh cá thể (thuế khoán), theo quy định thì ngành thuế tỉnh có thẩm quyền giải quyết hỗ trợ như thế nào, và thủ tục để nhận hỗ trợ ra sao?
Ông Ngô Bốn: Ngành thuế tỉnh chỉ được thực hiện theo quy định chung của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các văn bản pháp luật thuế, phí và các khoản thu khác của Nhà nước, trong đó có quy định thẩm quyền giải quyết của cơ quan thuế các cấp ở địa phương (cục thuế, chi cục thuế) chứ ngành thuế Quảng Nam không được phép quy định hỗ trợ riêng tại địa phương.
Đối với loại hình thuế hộ kinh doanh cá thể, thẩm quyền giải quyết các hỗ trợ thuế do thiệt hại bởi dịch bệnh theo quy định hiện hành. Đối với các trường hợp phải tạm nghỉ, hoặc các hộ thực tế hoạt động kinh doanh giảm doanh thu đến mức phải điều chỉnh giảm mức thuế khoán theo quy định thì chi cục thuế cấp huyện phối hợp với hội đồng tư vấn thuế cấp xã để giải quyết miễn, giảm thuế theo quy định. Đồng thời vừa qua Tổng cục Thuế có Công văn số 897/TCT-QLN ngày 3.3.2020 về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Cục Thuế tỉnh đã hướng dẫn cụ thể cho các địa phương để triển khai đến hộ kinh doanh, kể cả hướng dẫn hồ sơ thủ tục theo quy định.
Theo chúng tôi được biết thì đang có dự thảo hỗ trợ do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ. Đối với hộ kinh doanh gặp khó khăn do phải dừng hoạt động thì được hỗ trợ một lần bằng tiền như đối với người lao động tự do khác. Theo đó Bộ Tài chính sẽ có thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể, Cục Thuế sẽ triển khai ngay, tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn kỹ để nhanh chóng thực hiện kịp thời chính sách của Nhà nước.
* Dự thảo hỗ trợ này được biết cũng cho phép giãn nộp một số loại thuế đối với DN, theo ông nếu được thực hiện sẽ tác động ra sao trên địa bàn Quảng Nam?
Ông Ngô Bốn: Cơ chế giãn nộp một số loại thuế như sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN... sẽ cùng với cơ chế hỗ trợ thông qua kênh tín dụng ngân hàng (khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại lãi suất, giảm lãi suất…) nhằm giúp DN tập trung nguồn tài chính khắc phục khó khăn do đình trệ sản xuất kinh doanh. Đó là việc phải chi trả lương, bảo hiểm cho công nhân (kể cả trợ cấp ngừng việc để giữ lao động ở lại với DN), chi phí vật tư và các chi phí khác nhằm duy trì hoạt động của DN... Đây là các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước để cùng với nguồn vốn của DN giải quyết những khó khăn bất khả kháng do dịch bệnh gây ra. Nếu không có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hoặc chính sách hỗ trợ không đúng mức trong khi dịch kéo dài gây thiệt hại lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì sẽ dẫn đến hệ lụy là nhiều DN phải phá sản, nhất là đối với các ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh như du lịch, vận tải, dịch vụ tham quan, giải trí...
* Ngành thuế tỉnh đang triển khai các hoạt động và đề xuất biện pháp cụ thể nào để hỗ trợ người nộp thuế, thưa ông?
Ông Ngô Bốn: Ngành thuế Quảng Nam đang đối mặt với nguy cơ năm 2020 này sẽ hụt thu ngân sách lớn so với dự toán thu trung ương và tỉnh giao. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân khách quan bất khả kháng. Cùng với nhiệm vụ tập trung phòng chống dịch, ngành thuế triển khai các biện pháp hỗ trợ để người nộp thuế khắc phục khó khăn, vượt qua đại dịch và phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp thuế cho ngân sách. Đó cũng là việc để “nuôi dưỡng nguồn thu”.
Cùng với việc kịp thời tham mưu các chính sách hỗ trợ về thuế để trung ương xem xét ban hành chung trong cả nước, Cục Thuế đã chủ động triển khai một số giải pháp tại địa phương để hỗ trợ người nộp thuế. Cụ thể, hiện nay là mùa quyết toán thuế năm 2019, chúng tôi tổ chức chương trình hỗ trợ người nộp thuế quyết toán thuế kể cả vào ngày nghỉ, ưu tiên hướng dẫn các giao dịch thuế, nộp hồ sơ điện tử, sau đó là qua đường bưu điện để người nộp thuế không phải đến cơ quan thuế. Việc hướng dẫn, giải thích, giải đáp, tư vấn chính sách và các quy định quản lý thuế đều thực hiện qua ứng dụng điện tử. Đối với các trường hợp phải hướng dẫn bằng văn bản giấy thì nhanh chóng thực hiện qua email, đường bưu chính.
Cục Thuế cũng quyết liệt chỉ đạo giai đoạn này phải tập trung giải quyết nhanh chóng hồ sơ, thủ tục hành chính, đây cũng là sự hỗ trợ, giúp đỡ người nộp thuế, tuyệt đối không được chậm trễ so với thời hạn quy định, phải phấn đấu rút ngắn thời gian giải quyết tối đa có thể. Thường xuyên trao đổi qua điện thoại, qua email với DN nhằm nắm tình hình kinh doanh để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ. Thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ, Cục Thuế không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 (dù đã có trong kế hoạch Tổng cục Thuế duyệt) đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm, tuy nhiên tập trung phân tích chuyên sâu hồ sơ khai thuế, hồ sơ quyết toán thuế, kịp thời xử lý, không để DN lợi dụng chủ trương này để gian lận thuế...
Xin cảm ơn ông!