(QNO) - Tháng 2.1946, Kostas Sarantidis (tên Việt là Nguyễn Văn Lập) là anh lính lê dương mới 19 tuổi, người gốc Hy Lạp theo chân quân đội viễn chính Pháp đổ bộ lên Sài Gòn, dưới chiêu bài “giải giáp quân đội Nhật”.
Nhưng chỉ trong vòng 4 tháng, nhận rõ thực chất của một cuộc chiến tranh xâm lược, Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập tìm mọi cách kết nối và trốn sang hàng ngũ Việt Minh (ngày 4.6.1946). Kể từ đó, trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) ở chiến trường Liên khu 5 và hơn 10 năm tham gia xây dựng miền Bắc (1954 - 1965), ông đã hòa mình, gắn với với nhân dân và quân đội Việt Nam, cùng chịu đựng mọi hy sinh, gian khổ, dũng cảm lập nhiều thành tích. Riêng đối với vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng là nơi ông có nhiều dấu ấn và gắn bó với một tình cảm mật thiết cả trong thời chiến và thời bình.
Trên chiến trường Liên khu 5
Trong hồi ký “Tại sao tôi theo Việt Minh” của mình, ông cho biết một sự kiện quan trọng trong cuộc đời mình vào ngày 2.6.1946 như sau: “Đầu óc đầy những hồi tưởng, bao nhiêu là kỷ niệm, những kỷ niệm đau xót, những tội ác của quân đội lê dương, của đạo quân viễn chinh xâm lược Pháp vẫn tự cho mình là văn minh. Giấc mơ của chúng tôi đã thành hiện thực. Một ngày mới đã bắt đầu. Tôi nhớ tới Lily (Mai Lê). Giờ đây cô đang ở đâu. Cô vẫn đang bí mật hoạt động tình báo trong hàng ngũ đối phương hay đã lên núi công khai chiến đấu vì sự nghiệp kháng chiến cứu nước thiêng liêng của dân tộc mình? Hẳn là cô sẽ vui mừng đến trào lệ khi được tin tôi và những người đã được cô chú ý dìu dắt, đang trên đường về với lực lượng kháng chiến để trở thành một chiến sĩ Việt Nam mới, một anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó chính là ngày ông chính thức trở thành người của lực lượng Việt Minh.
Kể từ thời điểm đó, trong 9 năm cùng với quân và dân Việt Nam tham gia kháng chiến ở Liên khu 5, ông đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong cuộc hành quân càn quét của một tiểu đoàn lê dương Pháp vào vùng từ do của ta ở Hương An - Bà Rén (Quảng Nam) ngày 13.4.1948, là một xạ thủ súng máy ngoan cường, ông đã dùng khẩu trọng liên bắn xối xả vào đội hình đối phương, góp phần cùng Tiểu đoàn 39 tiêu diệt hơn 200 lính Âu - Phi, bẻ gãy cuộc hành quân này. Cũng trong năm 1948 (ngày 6.11), với khẩu súng trung liên, 21 viên đạn, ông đã bắn rơi chiếc máy bay Morane của Pháp - đây là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi ở Liên khu 5, bắt sống cả tổ giặc lái. Với thành tích trên, năm 1950, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Cũng trong hồi ký “Ở một trại tù binh Nam Việt Nam” của mình, ông cho biết lúc này với vai trò phụ trách Tổng Giám thị Trại tù binh số 3 Liên khu 5 (1953 - 1954), ông đã quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách nhân đạo đối với hàng tù binh của Đảng; có những biện pháp thông minh, sáng tạo, biến trại giam giữ tù binh đủ mọi thành phần và quốc tịch, dần dần nhận rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, của cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp, biến họ từ những người có tội thành những người bạn của Việt Nam. Một số không ít trong số họ sau này trở thành cán bộ nòng cốt trong các phong trào đấu tranh cho độc lập tự do của nước mình và hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam trong giai kế tiếp.
Thủy chung vẹn toàn với quê hương thứ hai
Tối 25.6 (theo giờ Việt Nam), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập qua đời ở tuổi 94 tại thủ đô Athens (Hy Lạp).
Năm 1954, đơn vị của ông tập kết ra Bắc, sau đó ông lấy vợ người Hà Nội. Năm 1965 - sau hơn 10 năm tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ông cùng vợ và các con về lại Hy Lạp, nhưng kể từ đó ông luôn hướng về Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.
Ông tham gia vào Đảng Cộng sản Hy Lạp nhằm có điều kiện làm đầu mối cho giữa hai Đảng, hai Chính phủ, các cơ quan đoàn thể, góp phần siết chặt mối quan hệ quốc tế, hữu nghị giữa hai dân tộc. Đặc biệt, nhân chuyến đi lịch sử của ông từ ngày 14 - 30.6.2010 qua nhiều tỉnh thành: Đà Nẵng đến Bình Định, từ Đà Nẵng - Nghệ An - Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng đã quay một bộ phim tư liệu “Đồng đội ngày trở về”. Trên đường vào Quảng Nam, khi ghé lại Hương An - Bà Rén - nơi ông cùng đồng đội bẻ gãy cuộc hành quân càn quét của đối phương 62 năm trước, ông đã kể thêm rất nhiều câu chuyện về người dân Quảng Nam đối với ông, gọi ông với một cái tên thân thương “Ông Tây Việt Minh”. Bộ phim mà nhân chứng sống chính là ông và cùng nhiều đồng đội, đã góp phần làm phong phú tư liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam, nhất là ở chiến trường Khu 5, Quảng Nam - Đà Nẵng.
Một tình cảm chân thành, hiếm có, thể hiện tình nghĩa thủy chung vẹn toàn là khi về nước, ông đã dành thời gian hoàn thành 2 tập hồi ký “Tại sao tôi theo Việt Minh” và “Ở một trại tù binh Nam Việt Nam” và vào năm 2010, khi sang Việt Nam, ông đã đem theo 2 tập sách này để bán. Câu chuyện trên thực tế là, khi tập sách được xuất bản ở Hy Lạp, ông đi đến từng nhà người thân quen để bán 2 tập sách của mình với mục đích lấy tất cả tiền bán sách ủng hộ nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Tính đến năm 2010, ông đã ủng hộ hơn 10 nghìn USD cho Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.Đà Nẵng.
Tháng 1.2011 là lần thứ 7 ông về thăm Việt Nam kể từ năm 1965. Tranh thủ đợt về này khi được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huân chương Hữu nghị và quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam, ông đã dành toàn bộ số tiền thưởng này và trực tiếp gửi Hội LHPN tỉnh Quảng Nam, gọi là chút lòng thơm thảo nhớ đến công ơn các mẹ, các chị đã từng nuôi dưỡng, đùm bọc mình trong những năm tháng thiếu thốn, gian khổ ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Luôn có thái độ hòa nhã và khiêm nhường, ông khiêm tốn nói: “Tôi chưa làm được gì nhiều cho đất nước Việt Nam, mà các bạn khen tôi nhiều, làm cho tôi thấy hổ thẹn. Tôi xin hứa luôn xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với công dân gương mẫu của hai nước Việt Nam - Hy Lạp”.
Đảng và Nhà nước ta đã có những tôn vinh Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập như: định kỳ mời về dự các ngày lễ lớn; tặng thưởng Huân chương Hữu nghị (2011); Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2013) - là người nước ngoài duy nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này.
Ông không là kiều bào nhưng vẫn được mời về dự hội nghị 600 kiều bào yêu nước từ khắp nơi về Tổ quốc (2009); không là chiến sĩ thi đua nhưng được Thủ tướng mời về dự Đại hội thi đua toàn quốc (2010); là người bình thường nhưng vẫn được mời trong phái đoàn Chính phủ Hy Lạp qua thăm Việt Nam (2007) cũng như phái đoàn tiếp đón Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu sang thăm Hy Lạp (2008).