Kỳ Anh, bí mật nơi lòng đất…

ĐẶNG TRƯƠNG 24/03/2020 15:48

Tháng 2.1965, tại thôn Tân Thái, xã Tam Thăng, Tam Kỳ, lực lượng du kích Kỳ Anh đã bổ những nhát cuốc đầu tiên “khai sinh” địa đạo Kỳ Anh (Di tích lịch sử cấp quốc gia). Đã 55 năm trôi qua, nhiều đoạn hầm và đường địa đạo đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt, ở thôn Thạch Tân, một số địa điểm quan trọng như: hầm chỉ huy, hầm chứa lương thực - thương bệnh binh và hàng chục ngóc ngách xuyên khắp thôn xóm… qua thời gian vẫn trường tồn, trở thành minh chứng sống động cho một thời hào hùng của cách mạng vùng đông.

Đình làng Thạch Tân, nơi có cửa hầm kết nối với 32km địa đạo ở Kỳ Anh.
Đình làng Thạch Tân, nơi có cửa hầm kết nối với 32km địa đạo ở Kỳ Anh.

Địa đạo trong lòng dân

Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn không thể hiểu, vì sao một địa đạo được đào nơi vùng cát mà lại vững chắc qua năm tháng như vậy. Phải chăng, nơi lòng đất Kỳ Anh xưa và Tam Thăng bây giờ ẩn chứa những đặc điểm riêng về địa tầng, giúp những ngóc ngách địa đạo trụ vững trước mưa bom bão đạn, mưa nắng thời gian?

Ông Lê Khắc Phiến, người làng Thạch Tân cho chúng tôi hay, khi tiến hành đào địa đạo, du kích và nhân dân Kỳ Anh đã thuộc từng vị trí mét đất trên địa bàn của mình. Nơi nào có bụi tre, cây lâu năm… nơi đó đường hầm có thể đi qua. Nhưng điều quan trọng, vùng đất cát Kỳ Anh ẩn chứa sâu trong lòng mình một lớp đất sét cứng tựa như đá ong, khi đào vượt qua tầng đất này sẽ tạo nên một địa đạo vững chắc, dù cho xe cày ủi, bom đạn từ những đồn bót xung quanh liên tục rót vào cũng không thể phá sập được. Chính vì phải đào qua lớp đất cứng như đá ong này mà công cuộc đào địa đạo của nhân dân và du kích Kỳ Anh ngày ấy cực kỳ gian nan.

Ông Phiến kể, ban ngày sợ địch phát hiện nên chỉ tranh thủ đào ban đêm khi mọi thứ chìm vào bóng tối bà con mới bắt đầu công việc. Dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, thuổng, trạc, thúng mủng sẵn có, bà con đốt đèn đào từng tý một. Đào xong một khoảng hầm lại tìm cách phi tang số đất đào lên để khi trời sáng không còn dấu vết gì.

Ông Huỳnh Kim Ta, người quản lý di tích kiêm thuyết minh ở địa đạo Kỳ Anh cho biết, tổng chiều dài địa đạo 32km, rộng 0,8 - 1m, cao 1 - 1,4m, địa đạo len lỏi khắp xóm làng, thông với giếng nước, bụi tre, lùm cây… nhưng chủ yếu là thông với hầm công sự của dân. Đây chính là điểm khác biệt của địa đạo Kỳ Anh so với các địa đạo Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) và Vịnh Mốc (tỉnh Quảng Trị).

Vì lẽ đó, ông Nguyễn Thành - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), vào năm 1968 khi về địa đạo Kỳ Anh trên cương vị Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy để chỉ đạo phong trào cách mạng đã khẳng định rằng: “Địa đạo này là do dân đào, dân bảo vệ. Nếu dân không bảo vệ thì dù có vững chắc bao nhiêu cũng khó mà tồn tại được…”.

Căn hầm chỉ huy kiên cố ở địa đạo Kỳ Anh.
Căn hầm chỉ huy kiên cố ở địa đạo Kỳ Anh.

Nhân dân vùng cát Kỳ Anh ngày ấy đã chấp nhận hy sinh khi để đường hầm thông vô vườn, vô nhà, tận nơi giường ngủ, bếp nấu ăn, chum để gạo… Và họ quyết thà hy sinh tính mạng chứ không bao giờ để lộ miệng hầm.

Ông Phạm Thanh Châu - người thôn Vĩnh Bình (xã Tam Thăng), nguyên cán bộ đơn vị bảo vệ Cục hậu cần Đoàn 814, từng có 3 năm sống dưới lòng địa đạo Củ Chi đã không khỏi ngỡ ngàng khi kể lại, ngày ông xuất ngũ về quê, được anh em địa phương dẫn đi tham quan đường hầm địa đạo, các ngóc ngách đường hầm, miệng hầm… có nơi ở ngay trong nhà như miệng hầm thông với giếng nước, thông ra hệ thống sông Đầm, trong ngôi nhà ông Phạm Sĩ Thuyết - hàng xóm của ông…, vậy mà bao nhiêu năm ở quê nhà hồi ấy ông nào hay biết. Củ Chi mà ông Châu từng ở là một trận địa lớn, là vùng căn cứ địa riêng biệt với xóm làng dân cư. Còn ở Kỳ Anh đất cát quê ông, là địa đạo trong lòng dân.

“Đó có lẽ là một bí mật vô cùng quan trọng để gìn giữ sự an toàn và trường tồn cho địa đạo mãi đến ngày hôm nay” - ông Phạm Thanh Châu tự hào nói.

Cơ chế trong lòng đất

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Thanh Truyền - người con Vĩnh Bình, nguyên du kích xã Kỳ Anh, nguyên chiến sĩ Đại đội V12 Huyện đội Bắc Tam Kỳ am tường ngóc ngách địa đạo Kỳ Anh như lòng bàn tay của mình. Ông cũng là người từng được gia đình lập bàn thờ vì tưởng đã hy sinh trong một trận đánh của du kích Kỳ Anh. Sức khỏe đã yếu, nhưng khi gợi nhắc về những năm tháng chiến đấu trên mảnh đất quê hương mình, ông trở nên hoạt bát khác thường.

Ông Truyền cùng với những đồng đội ở V12 đưa chúng tôi ra thăm di tích giếng nước trong vườn nhà ông Hồ Kỳ. Đây là một trong những mắc xích quan trọng của hệ thống địa đạo Kỳ Anh. Giếng ông Kỳ nơi lấy nước sinh hoạt cho cả xóm đã biến thành miệng hầm địa đạo ăn thông với kênh mương rồi thoát ra sông Đầm.

Thông qua giếng ông Kỳ, nhân dân đã kịp thời báo hiệu cho lực lượng ta ở dưới hầm biết được tình hình địch còn hay rút, nhiều hay ít. Cơ chế hoạt động dưới lòng đất Kỳ Anh ngày xưa, có lẽ chỉ qua vài nét phác thảo như thế của ông Châu Thanh Truyền cũng đã phần nào có thể hình dung, ngay chính những đơn vị bộ đội cũng không thể tác chiến độc lập ở Kỳ Anh nếu không có sự “bí mật” cảnh báo, chỉ dấu, ra hiệu, liên lạc… kịp thời của nhân dân vùng địa đạo.

Chúng tôi rất may mắn khi mới đây đã được theo chân anh em dân quân tự vệ xã Tam Thăng thực hành di chuyển có vũ khí dưới lòng địa đạo Kỳ Anh. Và, chúng tôi bắt đầu hiểu ra câu chuyện thoắt ẩn, thoắt hiện xuất quỷ nhập thần, khiến kẻ địch không kịp trở tay của du kích Kỳ Anh ngày nào. Lòng địa đạo có chỗ hẹp chỉ vừa vặn một người qua, chỗ rộng có thể dừng chân ba bốn người bàn bạc, trao đổi một cách thoải mái. Nhiều đoạn địa đạo có chiều cao ngang đầu nên việc di chuyển khá thuận lợi. Với vũ khí trên tay, anh em dân quân tự vệ Tam Thăng liên tục luồn lách đường hầm nọ, sang ngóc hầm kia rồi bất ngờ xuất hiện ở một miệng hầm trên lòng đất được ngụy trang dưới một gốc rơm trong vườn hay phía dưới cối giã gạo nhà dân…

Ấn tượng  nhất là căn hầm chỉ huy được đào khá rộng và vững chắc phía dưới những lùm cây tự nhiên gần đình làng Thạch Tân. Hầm có bốn ngách thông ra bên ngoài, trong đó một ngách thông với căn hầm lương thực dưới đình làng, một ngách thông ra hệ thống địa đạo, ngách ra trận địa trên lòng đất và ngách còn lại dùng thoát hiểm. Trải qua năm tháng thời gian, căn hầm vẫn còn đó như là chứng tích hùng hồn về tinh thần sáng tạo tuyệt vời của quân và dân Kỳ Anh anh hùng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ Anh, bí mật nơi lòng đất…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO