(QNO) - Ngày 28.12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành cả nước về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng tham dự hội nghị. Tại điểm cầu Quảng Nam, có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Ảnh: chinhphu.vn |
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ đã kiên định mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đã đề ra. Kết thúc năm 2017, 13/13 chỉ tiêu đề ra đều đã đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% (vượt 0,11%). Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Điều đáng chú ý, kết quả tăng trưởng trên diễn ra trong bối cảnh ngành khai khoáng giảm 7,1% và không dựa vào những công cụ kích cầu ngắn hạn mà phát huy tăng trưởng từ tiềm năng, lợi thế so sánh của các ngành, địa phương. Kinh tế vĩ mô ổn định theo hướng vững chắc, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện đáng kể, tích cực… Hiện đã cắt giảm hơn 5.000 thủ tục hành chính. Những chỉ số về thành lập doanh nghiệp mới, thu hút đầu tư, thị trường chứng khoán tăng trưởng vượt bậc, xuất khẩu, du lịch, dự trữ ngoại hối… đều tăng và giá trị đồng Việt Nam ổn định đã cho thấy niềm tin thị trường, xã hội và niềm tin của các nhà đầu tư vào sự phát triển kinh tế Việt Nam ngày càng được củng cố hơn.
Quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, giảm nghèo… đã có những tiến triển khả quan. Việt Nam đã tổ chức thành công Năm APEC 2017 được thế giới đánh giá cao. Năm 2017 cũng là năm của chấn chỉnh kỷ cương, làm trong sạch bộ máy nhà nước với nhiều đại án tham nhũng lớn được thanh tra, điều tra nghiêm túc, đưa ra xét xử nghiêm minh, từng bước lấy lại niềm tin của nhân dân. Chính những kết quả toàn diện này cho thấy toàn thể nhân dân và bạn bè quốc tế có niềm tin lớn hơn về một Việt Nam hòa bình, ổn định và ngày càng thịnh vượng.
Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt năm 2017 là quyết tâm xây dựng hệ thống cơ quan nhà nước các cấp liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ nhân dân. Đó chính là sự đồng tâm, hiệp lực, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự cố gắng của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ muốn các chuyển động không được phép dừng lại và phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để vượt lên trên các thành tích đã đạt được trong năm 2017, tiếp tục giải quyết những vấn đề của cải cách, đổi mới theo đường lối của Đảng đề ra.
Bài học rút ra từ thực tiễn chính là mọi cấp, mọi ngành không ngừng nỗ lực, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, đi sát địa phương, cơ sở, phát huy sự năng động của mỗi địa phương, thiết chế hạ tầng cơ sở để tạo liên kết vùng kinh tế, chuỗi giá trị. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình, theo dõi sát diễn biến và chỉ đạo xử lý linh hoạt, kịp thời. Tập trung rà soát, đối thoại, hoàn thiện chính sách, quyết liệt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần cùng nhau khắc phục. Cần tận dụng sự phát triển năm 2017 để thúc đẩy cải cách kinh tế sâu rộng. Tinh thần này được thể hiện trong 10 chữ: "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ. Hành động mạnh mẽ, luôn tìm ra giải pháp tối ưu để đáp ứng yêu cầu năng động và cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghệ, làm sao sử dụng nguồn lực của dân ít nhất, nhưng đem lại hiệu quả phục vụ nhân dân tốt nhất.
Tất cả phải trả lời cho câu hỏi Chính phủ, chính quyền địa phương phải làm gì và làm như thế nào để sự phát triển của Việt Nam bứt phá, không bị dẫm chân vào bẫy thu nhập trung bình, không để Việt Nam bị tụt lại trong cuộc đua tiến đến sự khá giả và phồn vinh cho mọi người dân Việt Nam và không một ai phải đứng bên lề sự phát triển. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ sẵn sàng lắng nghe, trao đổi những ý kiến từ thực tiễn phong phú, sinh động ở các lĩnh vực, địa phương đại diện các vùng, miền và ngành.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tăng trưởng GDP năm 2017 ước tính đạt 6,81%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,53% so bình quân năm 2016. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cả năm 2017 ước đạt 1.667,4 nghìn tỷ đồng, bằng 33,3% GDP, tăng 12,1%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1%; kim ngạch nhập khẩu ước 211,1 tỷ USD, tăng 20,8%; xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD, tương đương 1,25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành ước tăng 9,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.934,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9%. Cả nước có khoảng 126.859 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 1.295.911 tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn so cùng kỳ năm trước.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý không được chủ quan, thỏa mãn, không say sưa với những thành tích, thắng lợi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; xuất hiện xu hướng bảo hộ trở lại, chống tự do hóa thương mại và đầu tư ở nhiều nơi. Những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội còn nặng nề, gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội nhưng không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục và đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp, sự chỉ đạo kiên quyết, kiên trì, chắc chắn, khoa học mới có thể giải quyết được. Đó là tình trạng làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, dự án.Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tệ nạn xã hội, vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý việc quan tâm tới nhiệm vụ kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại toàn diện về quốc phòng, an ninh theo tinh thần "giữ nước từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy". Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, các tệ nạn xã hội. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; sẵn sàng ứng phó kịp thời, xử lý có hiệu quả các sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích tình hình quốc tế; chủ động làm sâu sắc, thực chất hơn các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, tăng cường quan hệ với tất cả các nước trên cơ sở nguyên tắc hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi.
Hội nghị sẽ còn tiếp tục vào sáng 29.12.
T.D