Phần hồn của xứ sở đôi khi chỉ cần điểm xuyết những “ký hiệu” thân quen. Một ngôi làng, nếu thiếu đi tiếng chuông hay vắng khuyết hình ảnh gác chuông, hẳn quá tịch mịch, trống trải còn ký ức sẽ nghèo nàn biết bao nhiêu…
Bên trong “gác chuông” của làng Bích Bắc. ảnh: H.X.H |
1. Cách đây 3 năm, khi đọc trên Báo Quảng Nam bài viết về quả chuông báu có “số phận” ly kỳ đang được lưu giữ tại thôn Bích Bắc (xã Điện Hòa, Điện Bàn), tôi liền rủ rê tác giả bài báo đến đó thêm một lần nữa. Chuông báu nằm yên trong “gác chuông”, vốn được dân làng xây thêm bên trong nhà văn hóa thôn Bích Bắc, lệch về cánh phải. Thoạt nhìn, chuông không có gì đặc biệt, đường kính 60cm, phần thân cao 1,3m, đỉnh treo đúc hình đôi rồng chầu. Chẵn 178 chữ Hán khắc trên quả chuông không hé lộ niên đại khiến hiện vật thêm phần kỳ bí, chỉ xác lập xuất xứ về làng Bích Trâm cũ trong đoạn “Việt Nam quốc, Quảng Nam xứ, Điện Bàn phủ, Diên Khánh huyện, Bích Trâm xã”…
Thực ra quả chuông ấy từng được treo ở một ngôi chùa trong làng. Sau bao biến động của thời gian, chùa tan, chuông cũng luân lạc, nhiều năm phải chôn sâu dưới đất. Nhưng chuyện quả chuông báu được nhiều thế hệ dân làng xác lập lời thề để lưu giữ, giờ đã quá quen thuộc với nhiều người. Điều mà tôi muốn gợi nhắc chính là tiếng chuông. Chính xác là 3 hồi chuông cầu an, vang lên đúng thời khắc giao thừa. Ngót nửa thế kỷ, tiếng chuông ảo diệu ấy vắng bặt… Kể từ xuân mới Bính Thân (2016), làng Bích Bắc quyết định thay đổi lịch, gióng chuông cầu an vào rạng sáng mùng một.
Không rõ dân làng Bích Bắc liệu có cảm thấy chút bình an nào mỗi khi nghe tiếng chuông ấy vang lên, nhưng chỉ nhớ về tiếng chuông, về câu chuyện liên quan đến chuông báu tức là họ đã nhớ về lịch sử của làng. Lúc đó, làng thực sự trở thành nơi chốn để nhớ về… Đã nhiều năm rời khỏi “gác chuông” ở làng Bích Bắc, mỗi lần nhớ đến “gác chuông” được dựng trong nhà văn hóa thôn, tôi không khỏi có liên tưởng thú vị về sự pha trộn giữa đời sống tâm linh và nhịp điệu sống tất bật ở ngôi làng ấy. Và vẫn không thôi nghĩ về lời hẹn kỳ lạ của người dân nơi đây dành cho một hiện vật tưởng chừng vô tri vô giác: chờ đến năm mới để nghe lại 3 hồi chuông.
2. Lại có tiếng chuông mơ hồ vang lên trong khuôn nhạc, tiếng chuông vô thanh, nhưng gắn liền với ca khúc như một định mệnh.
Khi biên soạn cuốn “Vang vọng một thời” hồi năm 2012, nhạc sĩ Phạm Duy xếp ca khúc trứ danh “Bà mẹ Gio Linh” ở vị trí thứ hai, chịu đứng sau bản “Áo anh sứt chỉ đường tà”. Trong tác phẩm mà ông gọi là “nhạc tập” này, trước khi đăng lại lời ca khúc ông có viết một đoạn ngắn giới thiệu về thời gian sáng tác, cảm tưởng…; sau mỗi ca khúc kèm một hoặc vài bài phê bình, giới thiệu của tác giả khác. Trong trường hợp “Bà mẹ Gio Linh”, nhạc sĩ chọn bài viết của một tác giả cũng nổi danh không kém: Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Ở đoạn đầu của phần 2 ca khúc, có hình ảnh ngôi chùa thấp thoáng: “Nghẹn ngào không nói một câu/ Mang khăn gói đi lấy đầu/ Đường về thôn xóm buồn teo/ Xa xa tiếng chuông chùa gieo”. Đã có lần, chính nhạc sĩ Phạm Duy tiết lộ rằng trên thực tế làm gì có ngôi chùa nào ở nơi xảy ra tấn thảm kịch này. “Nhưng trong một ca khúc buồn thảm và xót thương, tôi muốn đưa vào một tiếng chuông chùa để làm nguôi ngoai lòng người mẹ Gio Linh cũng như lòng người nghe, người hát” - nhạc sĩ viết.
Trong phần giới thiệu ngắn ca khúc “Bà mẹ Gio Linh” ở cuốn Vang vọng một thời, lần này nhạc sĩ Phạm Duy không nhắc đến tiếng chuông chùa và ngôi chùa ảo ảnh đó nữa. Ông chỉ đề cập các yếu tố kỹ thuật: “Tôi kể câu chuyện đó qua một bài dân ca với kết luận là sau khi hy sinh người con độc nhất cho kháng chiến, bà sẽ có hàng trăm con nuôi là những người đi bộ đội. Bài này nói tới bi hùng chứ không phải nói tới bi lụy”.
Bài viết của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là câu chuyện sau này, nhân chuyến nhạc sĩ Phạm Duy trở về làng Mai Xá ngoài Gio Linh (Quảng Trị) để thăm lại chốn cũ. Trong trang viết của ông Tường, chúng tôi thấy nhắc đến đình Mai Xá và một ngôi chợ tên chợ Chùa, đúng là không có ngôi chùa nào. Vậy là đã không có tiếng chuông chùa nào thật. Vậy sao tiếng chuông ấy lại bất ngờ vang lên trong một ca khúc buồn? Ngoài “lý giải” của chính tác giả (để làm nguôi ngoai lòng người mẹ Gio Linh và người nghe), ắt hẳn tiếng chuông ấy đã vang lên trong vô thức và trở thành “đại diện” của làng cũ yên bình của biết bao nhiêu phận người. Như một ký hiệu của xứ sở. Xứ sở không bi lụy.
3. Làng tôi ở vùng đông Thăng Bình, bao nhiêu năm đã quen với tiếng chuông trên gác Bạch Ngọc của thánh thất Từ Vân. Hồi ấy không trẻ con trong làng nào biết phân biệt thánh thất (của đạo Cao Đài) hay chùa (Phật giáo), tất cả đều gom hết vào chữ “chuông chùa”. Thân quen và gần gũi. Cứ nghe chuông báo giờ Ngọ là sực nhớ đã đứng trưa. Nghe những hồi chuông đổ dồn gấp gáp là biết có vị đạo hữu nào đó vừa qua đời… Nhịp điệu ấy đã thành nếp nghĩ, trở nên thân thiết với mọi người, bất kể là lương hay giáo. Vào tiết xuân, khi các bậc cao niên khăn đóng áo dài tụ tập đến đình làng dựng ở khoảng đất đối diện thánh thất, tiếng chiêng trống của hai nơi hòa quyện và trở thành thứ thanh âm rộn rã nhưng quá đỗi yên bình.
Đôi khi, ký hiệu của quê có thể chỉ là một gác chuông nhà thờ. Cũng không cần nghe tiếng chuông nơi ấy vang lên vào dịp hành lễ cuối tuần. Ấy là khi thấy thấp thoáng phía xa gác chuông nhà thờ ở mé đường phía tây quốc lộ gần ngã ba Ngọc Phô, là tôi biết mình sắp rẽ vào con đường dẫn về quê. Lâu dần, mỗi lần chạy xe về gần đến khu vực ấy là cố phóng tầm mắt thật xa…
Gần đây nhiều người nói nhiều đến những phố không ký ức, hoặc ký ức phố bị xóa sạch. Đó là bi kịch của đô thị hóa. Nhưng ở nơi làng mạc yên bình, nếu không có cả ký ức gợi nhắc, không một “ký hiệu” đại diện, không một tin yêu để gửi gắm… thì nơi chốn ấy sẽ còn bất hạnh biết bao nhiêu?
HỨA XUYÊN HUỲNH