Những ngày cuối tháng bảy chầm chậm lướt qua từng khung ảnh ký họa khiến nhiều người bỗng thấy lãng đãng ký ức về một thời hoa lửa như mới vừa đâu đây.
Nhà điêu khắc, họa sĩ Phạm Hồng bên những bức ký họa của mình tại triển lãm. |
Những ngày kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ (27.7) này, người ta nhắc nhiều về câu chuyện của chiến tranh dù nó đã lùi xa hơn 4 thập kỷ. Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức triển lãm “Ký họa kháng chiến” cũng muốn nhắc con người ta về những điều đã cũ nhưng mang nhiều nỗi niềm nhất là với những ai từng đi ngang qua nó. Nhà điêu khắc, họa sĩ Phạm Hồng (quê Hà Đông, Hà Nội) như tìm lại thanh xuân của mình trên dải đất miền Trung nắng gió. Ông có 8 bức ký họa được chọn trưng bày tại triển lãm lần này và đó đều là sản phẩm từ những chuyến đi thực tế trên các trận tuyến nóng bỏng của Quảng Nam năm nào. “Không hiểu sao hồi đó sáng tác nhanh lắm, cứ thấy khoảnh khắc ấn tượng là dấn thân ghi ghi chép chép rồi phác họa thôi chứ không bận tâm đến ranh giới giữa sự sống và cái chết ở thời bom đạn”, họa sĩ Phạm Hồng bộc bạch.
Ở tuổi 77, ông cũng như nhiều họa sĩ khác có tranh trưng bày tại triển lãm lần này đều từng có những năm tháng lăn lộn trên chiến trường và có vẻ họ lựa chọn phương pháp ký họa bởi nó phản ánh chân thực nhất, miêu tả sự khốc liệt tột độ của chiến tranh. Nói như ông Trịnh Xuân Yên – Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh tại lễ khai mạc triển lãm: “Những bức ký họa mà bảo tàng chúng tôi đang lưu giữ góp phần minh chứng cho giai đoạn lao động nghệ thuật gian lao nhưng đầy ý nghĩa của các nghệ sĩ kháng chiến”. Đó là các ký họa về “Nữ du kích Tam Kỳ”, “Tận dụng vũ khí đánh địch”… của họa sĩ Phạm Hồng phản ánh sự anh dũng, mưu trí của những con người nhỏ bé. Đó là “Giã gạo nuôi quân”, “Cùng đàn ta lư gửi đạn ra chiến trường”… của họa sĩ Trần Hoàng Sơn mô tả những phụ nữ đồng bào thiểu số vùng cao mộc mạc, chân chất đùm bọc, giúp sức cho cách mạng.
Sau lễ khai mạc triển lãm, họa sĩ Phạm Hồng được đề nghị diễn giải lại hoàn cảnh ra đời của một số bức ký họa. Một họa sĩ già gần 80 tuổi vẫn rưng rưng xúc cảm khi nhớ về những nhân vật mà chỉ sau những nét phác thảo, ghi ghép của ông vài giờ thôi đã ngã xuống trước mắt ông vì những trận “bão lửa”. Hay hình ảnh bà mẹ già vùng trung du xứ Quảng lom khom vừa lau nước mắt vừa nhặt nhạnh thân thể của đứa con mình sẽ mãi ám ảnh ông mỗi khi nhìn về các bức ký họa. Hơn 40 bức ký họa tiêu biểu cho hàng trăm bức ký họa về năm tháng chiến tranh ở miền Trung Việt Nam được trưng bày đợt này tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng mang lại sự cảm động với nhiều người về một thời chiến tranh đầy oanh liệt nhưng cũng nhiều đau thương…
QUỐC TUẤN