Ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 15 HĐND khóa VIII, trong phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến tập trung mổ xẻ, đề xuất giải pháp tìm kiếm nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và vùng dược liệu.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, quản lý, bảo vệ cây giống sâm Ngọc Linh là cực kỳ quan trọng nên nhất thiết phải đưa vào quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030. “Phải giữ cho bằng được nguồn giống trong nhân dân, doanh nghiệp và Trại dược liệu Trà Linh” - ông Tích nói.
Phải giữ được sâm giống
Từ đầu năm 2004 đến nay, trên địa bàn huyện Nam Trà My ước có khoảng 76ha sâm do các đơn vị, doanh nghiệp trồng và nhiều diện tích do nhân dân trồng không thể thống kê được. Khó khăn lớn nhất là nguồn giống không đủ cung ứng trên địa bàn với số lượng 40 nghìn cây. Hiện nhân giống cây sâm Ngọc Linh vẫn thực hiện bằng phương pháp hữu tính thông qua gieo ươm từ hạt. Năm 2014, Sở KH-CN nghiên cứu công nghệ sản xuất giống cây sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô và đã chuyển giao cho Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam tiếp nhận 2.000 cây giống và ươm trồng tại Trại dược liệu Trà Linh. Qua đánh giá, phương pháp này chưa đạt. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, quy hoạch bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý này phải tránh chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành và chính quyền địa phương. Khâu giống thì phải giao cho ngành chuyên môn đảm trách.
Trồng sâm dưới tán rừng ở Trà Linh (Nam Trà My). |
Theo Sở NN&PTNT, sâm Ngọc Linh vẫn chưa phát triển theo thị trường hàng hóa do khó khăn về thu hút vốn đầu tư; chưa có chỉ dẫn địa lý và đăng ký thương hiệu sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam. Công tác di thực, bảo tồn và phát triển cây sâm thời gian qua còn nhiều hạn chế do quy mô đầu tư nhỏ, nguồn vốn ít; chưa chú trọng phòng trừ sâu bệnh. Cây sâm sở dĩ chưa phát triển mạnh là vì chưa có quy hoạch vùng trồng cụ thể cũng như chính sách khuyến khích đầu tư; thiếu nguồn giống để trồng do sâm ngoài tự nhiên bị khai thác cạn kiệt. Tình trạng mất cắp sâm tại các vườn giống còn xảy ra.
Liên quan đến ô nhiễm môi trường nông thôn, cụm công nghiệp đến mức báo động, ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường thừa nhận, cử tri phản ảnh ô nhiễm môi trường dai dẳng ở các cụm công nghiệp là hoàn toàn xác đáng. Ông Viễn cho rằng, ngoài Cụm công nghiệp Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) có hệ thống xử lý nước thải, chất thải thì hầu hết cụm công nghiệp còn lại đều chưa thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Đánh giá tác động môi trường thì thuộc thẩm quyền của tỉnh nhưng xác nhận cam kết bảo vệ môi trường thuộc cấp huyện. Cụm công nghiệp Đại Lộc chi tiền xử lý môi trường còn tốn kinh phí nhiều hơn đầu tư hạ tầng nơi đây. |
Tại phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến đề nghị phải có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư, sản xuất giống. Khâu sản suất giống phải thực hiện đúng quy chế về quản lý giống cây trồng và chịu sự giám sát chất lượng, nguồn gốc của cơ quan chức năng. Từ nay đến hết năm 2020, Nam Trà My mở rộng trồng mới 600ha sâm; trước mắt ưu tiên trồng sâm ở độ cao 1.800 - 2.000m đã quy hoạch cho 3 xã Trà Linh, Trà Cang và Trà Nam. Chuyển giao kỹ thuật trồng sâm dưới tán rừng cho 1.000 hộ dân ở 3 xã này; xây dựng bản đồ gen gốc sâm Ngọc Linh và phát triển thương hiệu loại cây này trở thành thương hiệu quốc gia. Theo quy hoạch, vùng đệm sâm Ngọc Linh có diện tích hơn 6.711ha và vùng lõi 8.856ha. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề xuất quy hoạch các phân khu chức năng rừng đặc dụng trong vùng quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Theo đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là toàn bộ diện tích rừng đặc dụng nằm ở độ cao từ 2.000m trở lên; phân khu phục hồi sinh thái là diện tích rừng đặc dụng nằm ở độ cao dưới 2.000m.
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn
Theo ông Lê Tấn Trung - Bí thư Huyện ủy Quế Sơn, muốn phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng hàng hóa cần có giải pháp mở rộng diện tích thâm canh chủ động thường xuyên nguồn tưới tiêu. “Làm nông nghiệp mà thiếu nước thủy lợi coi như nông dân khổ dài dài. Vốn đầu tư cho thủy lợi chưa nhiều. Vì vậy, tôi đề xuất Nhà nước cần dành nguồn lực phát triển hạ tầng nông nghiệp trên lĩnh vực thủy lợi mạnh hơn” - ông Trung kiến nghị.
Nhiều cơ chế ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn sẽ được kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa VIII thông qua. TRONG ẢNH: Nông dân xã Tam Phước (Phú Ninh) thu hoạch dưa. |
Nhiều công trình làm việc hư hỏng nhưng chưa được đầu tư Tại phiên thảo luận tổ sáng 10.12, ông Mai Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn tỏ ra lo lắng trước hàng loạt công trình làm việc ở địa phương bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng không nằm trong danh mục sửa chữa, xây dựng năm 2016. Theo ông Tám, các trụ sở UBND các xã Quế Ninh, Quế Phước hư hỏng nặng nề; Trạm Y tế xã Sơn Viên chưa có nhưng vẫn không nằm trong danh mục đầu tư sắp đến. Toàn huyện mà chỉ mỗi một trường đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, dự án di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở do Chi cục Định canh định cư tỉnh làm chủ đầu tư dù đã phê duyệt, lập các thủ tục cần thiết nhưng vẫn chưa biết bao giờ mới triển khai. |
Những năm qua, các loại giống cây trồng của tỉnh đạt năng suất thấp, khó cạnh tranh trên thị trường nên nhiều địa phương có thế mạnh về nông nghiệp đề nghị phải đầu tư mạnh vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn hoặc theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP; xây dựng các trung tâm ươm và sản xuất giống cây trồng. Ngành nông nghiệp đưa ra hàng loạt chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư vào trồng cây dược liệu; nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện, thủy lợi, nuôi tập trung trên sông, ở khu vực đã được quy hoạch và sản xuất tôm giống; hỗ trợ cơ sở chế biến, bảo quản, chế biến nông - thủy sản; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19.12.2013 của Chính phủ. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, sắp tới ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp có liên kết với người dân. Người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp để sản xuất; doanh nghiệp triển khai dự án liên kết với người dân có đất để sản xuất tạo ra nhiều hơn cánh đồng lớn, quản lý sản xuất theo cơ chế thị trường.
Tại kỳ họp thứ 15, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành “Nghị quyết quy định mức hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, các đối tượng là hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân liên quan đến các hoạt động về phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn được hỗ trợ khi mở lớp tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo. Mức hỗ trợ được tính cụ thể: nông dân, cán bộ và thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, người hoạt động khuyến nông là cán bộ xã, thôn được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học; hỗ trợ tiền ăn 25.000 đồng/ngày học/người khi tổ chức tại cơ sở xã, thôn; hỗ trợ 50.000 đồng thực học/người khi tổ chức tại huyện; hỗ trợ đi lại tập huấn 20.000 đồng/người/ngày tại xã, còn tại huyện là 30.000 đồng/người/ngày...
TRẦN NGUYỄN