Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh (khóa X): Tìm hạn chế của bức tranh kinh tế

N.ĐOAN - X.PHÚ 12/07/2023 08:11

Khác những kỳ họp trước, tại Kỳ họp thứ 15, đại biểu HĐND tỉnh (khóa X) đã tập trung thảo luận ngay về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm sau khi nghe các báo cáo, đề án liên quan, chứ không chờ nghe hết các nội dung tờ trình của UBND tỉnh.

Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ chiều 11/7. Ảnh: P.Đ
Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ chiều 11/7. Ảnh: P.Đ

Sự đổi mới này kỳ vọng tạo ra sức xúc tác, tập trung mổ xẻ, phân tích nguyên nhân các vấn đề hạn chế còn tồn tại và đề xuất bổ sung các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mới, với quyết tâm cao nhất là hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm 2023.

Phối hợp chưa hiệu quả

Phân tích bức tranh tăng trưởng của Quảng Nam 6 tháng đầu năm, đại biểu Nguyễn Chín - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào ô tô, thủy điện, bia, thời gian qua chưa có động lực lớn thu hút đầu tư phát triển sản xuất để đóng góp lớn cho nền kinh tế, việc này cần nghiên cứu tìm giải pháp.

“Trong 6 tháng qua, sự điều hành của UBND tỉnh, các cơ quan bị đứt gãy, dẫn đến một số việc triển khai chậm như thiếu thuốc men, thiết bị vật tư y tế, sữa học đường. Vì vậy, trong kế hoạch, giải pháp thời gian tới phải tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước” - ông Chín nói.

Theo UBND tỉnh, tổng nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2023 đã phân bổ 1.234,35/1.287,5 tỷ đồng, đạt 95,9%; đến ngày 30/6/2023 đã giải ngân được 116,5 tỷ đồng; trong đó, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 57,8 tỷ đồng, đạt 17,1%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: 21,3 tỷ đồng, đạt 5,6%; Chương trình MTGQ xây dựng nông thôn mới: 37,2 tỷ đồng 20,9%.

Đại biểu Phan Thanh Thiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị, cần có đánh giá sâu hơn tình trạng công nhân mất việc làm, giá vật liệu xây dựng tăng, đời sống người dân khó khăn, nhất là vùng nông thôn để có giải pháp sát đúng.

Ông Thiên cũng cảnh báo tình hình tội phạm gia tăng, trong đó ma túy, xâm hại tình dục trẻ em rất đáng chú ý, đánh bạc và tổ chức đánh bạc, tội phạm công nghệ cao phức tạp, cần sự quan tâm phòng chống.

Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, hiện nay quy hoạch chung vùng miền gặp rất nhiều khó khăn trong thẩm định dù trình cơ quan chuyên môn đã lâu, địa phương nào cũng gặp phải. Giá bồi thường trong giải phóng mặt bằng còn thấp so với thực tế nên người dân không đồng thuận.

Các doanh nghiệp xây dựng càng làm càng lỗ, nhưng buộc phải làm để có cơ sở vay ngân hàng, duy trì hoạt động. Tỉnh thành lập tổ giải quyết những vướng mắc, khó khăn doanh nghiệp phải giải quyết căn cơ, kiểm soát đầu vào tương ứng với giá thị trường, góp phần giải ngân vốn.

Cho biết lãnh đạo tỉnh đang rất băn khoăn, trăn trở với tình hình chung của tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh cho rằng, đến nay Quảng Nam chưa xuất hiện các nhân tố mới thúc đẩy phát triển, chưa có nguồn thu mới, nên dự báo việc thực hiện các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội các năm còn lại sẽ gặp khó khăn, khả năng sẽ khó hoàn thành một số chỉ tiêu giai đoạn 2020 - 2025.

Trước tình hình khó khăn chung hiện nay, theo ông Vinh, cả hệ thống chính trị phải có trách nhiệm cùng vào cuộc, khơi dậy khát vọng phát triển, chứ không thể thụ động, đứng tại chỗ, không chịu khó tìm tòi suy nghĩ, vươn lên giải quyết các hạn chế đã được chỉ ra. Quảng Nam cần tiếp tục có đột phá, bứt phá để hiện thực hóa khát vọng phát triển.

“Nói không phải đổ lỗi cho nhau, nhưng “có vấn đề” trong công tác phối hợp giữa các sở ngành, địa phương, cụ thể là chưa chặt chẽ, rõ ràng, hiệu quả chưa cao khiến công việc không trôi chảy” - ông Vinh nói.

Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc

Thống nhất cao với đánh giá của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng, đại biểu Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, mặc dù kinh tế có chiều hướng phục hồi, nhưng đời sống của đại bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

UBND tỉnh thống kê trong 6 tháng đầu năm có 642 doanh nghiệp thành lập mới, đây là điều rất đáng mừng trong bối cảnh chung rất khó khăn. Tuy nhiên, đề nghị cũng nên đánh giá đúng thực trạng, khó khăn chung của doanh nghiệp để từ đó, có hướng thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Qua tâm đến con số giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm, theo bà Tâm, đến nay đạt tỷ lệ rất thấp so với những năm bị dịch bệnh COVID-19. Có nhiều nguyên nhân, mặc dù UBND tỉnh đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đơn vị trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Song nguyên nhân quan trọng là có sự vướng mắc từ văn bản hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương.

“Các sở ngành cần có tổng hợp trình tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương tháo gỡ, hoặc đề nghị có phương án để giải quyết vướng mắc, triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chứ tổng vốn giải ngân chưa đạt 30% là quá thấp. Thời thiết 6 tháng cuối năm không thuận lợi thì việc hoàn thành giải ngân sẽ rất khó khăn” - bà Tâm kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho hay, thời gian qua đơn vị tham gia phát triển kinh tế - xã hội miền núi bằng nguồn lực huy động và công sức của cán bộ, chiến sĩ.

Nhận một số nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện mô hình giúp dân nuôi bò sinh sản, heo bản địa… nhưng đang gặp các vướng mắc, lúng túng trong lập thủ tục giải ngân, nhất là không có doanh nghiệp nào đấu thầu đáp ứng theo yêu cầu. “Tỉnh cần có cơ chế đặc thù đối với địa phương miền núi để thực hiện hiệu quả 3 chương trình này” - ông Mẫn đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh (khóa X): Tìm hạn chế của bức tranh kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO