Các tờ trình, báo cáo, chủ yếu đề xuất cơ chế phân bổ, hỗ trợ tài chính... nếu được chuẩn y tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 16 sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho địa phương.
Kiến nghị hỗ trợ tài chính
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu “mở màn” phiên trình bày các nội dung sẽ được xem xét tại kỳ họp bằng báo cáo “Hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn Quảng Nam”.
Theo đó, đề nghị hỗ trợ tháo dỡ chuồng trại, ổn định đời sống, lãi suất vay ngân hàng cho đến hết ngày 31/12/2026. Việc hỗ trợ này tạo điều kiện cho người chăn nuôi khôi phục, phát triển chăn nuôi tại địa điểm mới hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác phù hợp. Ít nhất số hộ đảm bảo điều kiện được nhận cơ chế hỗ trợ sẽ tăng từ 30% (năm 2024) lên 65% (năm 2025) và 100% vào cuối năm 2026.
Việc quy định mức thu, nộp quản lý, sử dụng đối với một số loại phí, bổ sung kinh phí cho một số chính sách cũng được đặt lên bàn nghị sự. Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong nói, cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy mức trợ cấp hằng tháng của người có công cách mạng tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công cách mạng thấp hơn nhiều so với định mức nuôi dưỡng quy định của các cơ sở bảo trợ xã hội khác.
Hiện có 70 người có công cách mạng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam (48 người) và các cơ sở trợ giúp xã hội công lập tại địa phương (22 người). Những người này phải tự đóng kinh phí ăn uống, sinh hoạt.
Tuy nhiên, mức trợ cấp hằng tháng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công cách mạng thấp. Nhiều người không đủ tiền trả chi phí ăn uống, mua thực phẩm bổ sung, thuốc bổ, sữa, đồ dùng sinh hoạt.
Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói, hỗ trợ chi phí ăn uống, sinh hoạt cho người có công cách mạng và thân nhân đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam và các cơ sở trợ giúp xã hội là cần thiết (khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng).
Theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH, hơn 67.700 ngôi nhà ở cho người có công cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ xây mới, sửa chữa thông qua các chương trình, chính sách ưu đãi từ Trung ương đến địa phương và nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 15.735 nhà ở thuộc diện này cần được hỗ trợ.
Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT đề nghị quy định mức học phí, chính sách hỗ trợ học phí với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm 2023 - 2024 bằng mức học phí thấp nhất (mức sàn) quy định tại Nghị định 81 và ngân sách tỉnh hỗ trợ học phí đối với khoản chênh lệch. Dự kiến tổng thu học phí năm học 2023 - 2024 là 259 tỷ đồng. Ngân sách sẽ hỗ trợ hơn 180 tỷ đồng.
Mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện, số lượng cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, công an viên, thôn/khối đội trưởng… cũng được đề xuất thay đổi. Mức chi có cơ hội thay đổi từ 450 nghìn đồng/ha/năm (thấp nhất 100 nghìn đồng/ha/năm) sẽ tăng lên 600 nghìn đồng/ha/năm.
Sự hỗ trợ này được cho sẽ tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các địa phương, chủ rừng và người dân tích cực tham gia trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ nâng bằng 1,5 mức lương cơ sở/người/tháng...
Đồng thuận cao
Ba mươi mốt bản thẩm tra của các ban HĐND tỉnh không chỉ cho 8 vấn đề được trình bày, mà còn bao trùm tất cả lĩnh vực. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh nói, tất cả tờ trình của UBND tỉnh tại kỳ họp lần này đều hợp lý và cần thiết.
Theo ông Đức, việc đề xuất thu phí hạ tầng Cửa khẩu Nam Giang, tỷ lệ để lại cho khu kinh tế cửa khẩu 10% là hợp lý. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm mức thu phí đối với từng loại phương tiện, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, niêm yết công khai cho người vận tải qua cửa khẩu tiếp cận, kèm theo huy động nguồn lực đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu.
Việc quy định mức thu phí, lệ phí đã có sự tương thích (khoảng 70 nghìn đồng/lượt người tham quan Cù Lao Chàm. Phí tham quan công trình văn hóa, bảo tàng tại Hội An cần thu theo từng công trình, tránh lạm thu sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch địa phương...
Theo bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, chủ trương hỗ trợ người có công cách mạng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam và các cơ sở trợ giúp xã hội công lập, cho vay ủy thác xuất khẩu lao động... thực sự cần thiết.
Số người ở trung tâm rất khó khăn, không người thân, không thể hồi gia, không đủ để đóng góp các khoản chi phí theo quy định. Bà Thu đề nghị bổ sung nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh, dự kiến thực hiện khoảng 1,8 tỷ đồng/năm.
Cũng theo bà Thu, tổng kinh phí hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2023 - 2025 khoảng 407,6 tỷ đồng. Số lượng khá lớn, nên cần triển khai đúng đối tượng, thời gian quy định.
Còn việc tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu đi làm việc thời vụ ở nước ngoài được tiếp cận vay vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo... cần được khuyến khích và thúc đẩy.
Ông Đinh Văn Hươm - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nói, để đảm bảo toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh được tổ chức quản lý, bảo vệ thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả cao trong thời gian đến, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh, đồng thời tạo điều kiện cải thiện mức sống, thu nhập và thu hút người dân ở cộng đồng dân cư tham gia quản lý, bảo vệ rừng thì việc gia tăng mức hỗ trợ thực sự cần thiết.
Tuy nhiên, cần xây dựng kế hoạch công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên. Thanh tra, kiểm tra, giám sát diện tích rừng giao khoán cho cộng đồng dân cư, rà soát, bổ sung diện tích rừng chưa được quản lý, kịp thời phân bổ đủ kinh phí để chủ rừng có đủ điều kiện thường xuyên tăng cường quản lý, kiểm tra...
Các vấn đề đưa ra tại kỳ họp này đã được mổ xẻ, phân tích. Tất cả chờ đợi sự chuẩn y của HĐND tỉnh trong ngày hôm nay 22/9, để các sở, ngành, địa phương có thể nhanh chóng thực hiện, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.