Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX: Nhận diện bất cập trong quản lý, điều hành

TRẦN HỮU 19/07/2016 07:47

Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX diễn ra hôm qua 18.7, bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh đã được đề cập với những gam màu sáng. Về những mặt tồn tại, điểm chung vẫn là hạn chế điều hành, bất cập quản lý nhà nước làm phát sinh nhiều vướng mắc cần có những quyết sách đúng, phù hợp với thực tiễn.

Nợ và chậm cấp đất

Những bản báo cáo trình bày tại kỳ họp lần này đã nổi cộm nhiều vấn đề, đòi hỏi phải đưa ra biện pháp giải quyết căn cơ. Chưa có thời điểm nào việc giải ngân nguồn vốn ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản thấp như 6 tháng đầu năm nay (đạt 35% tổng số vốn phải giải ngân). Đáng chú ý, tính đến đầu tháng 7.2016, ngân sách tỉnh chỉ mới giải ngân 22% kế hoạch vốn xây dựng cơ bản, dự án khởi công mới trong năm nay chỉ giải ngân 6%. Nhiều ngân hàng thương mại chưa thực sự kích cầu cho ngư dân vay vốn hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu. Trong số 90 tàu cá đảm bảo tiêu chuẩn vay đóng tàu mới thì hiện nay chỉ có 36 phương tiện tiếp cận vốn. Nguyên nhân giải ngân chậm, ngành chức năng đưa ra là lúng túng triển khai các thủ tục đầu tư, đất đai theo quy định mới; nhà đầu tư lẫn nhà thầu thiếu trách nhiệm lập thủ tục quyết toán; quản lý hồ sơ đất đai, địa chính chưa chặt chẽ...  

Hạn chế điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch sử dụng các loại đất đến năm 2020 nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực  đất đai.Ảnh: TRẦN HỮU
Hạn chế điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch sử dụng các loại đất đến năm 2020 nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.Ảnh: TRẦN HỮU

Tính đến ngày 30.6, nợ thuế của tỉnh lên đến 1.065 tỷ đồng (tăng 154 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước). Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài cũng nợ dai dẳng, điển hình như 2 nhà máy khai thác vàng Bồng Miêu và Phước Sơn. Ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cảnh báo, tình trạng nợ xây dựng cơ bản của mô hình xây dựng nông thôn mới đang là áp lực khá lớn đối với chính quyền. Theo thống kê, nợ nông thôn mới cả tỉnh đến cuối tháng 1.2016 là 157 tỷ đồng.

Ở khu vực miền núi, chủ trương của tỉnh “đóng cửa rừng” tự nhiên hơn 5 năm nay, song tình trạng xâm hại rừng trái phép lại diễn biến theo chiều hướng xấu. Từ đầu năm đến nay, riêng các huyện Phước Sơn, Hiệp Đức, Đông Giang và trong lâm phận quản lý của rừng phòng hộ Sông Tranh ít nhất có gần 90ha đất rừng bị tàn phá. Một số nơi người dân được giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a và Nghị định 99 của Chính phủ thì chậm nhận tiền hỗ trợ. Đơn cử, huyện Phước Sơn, Bắc Trà My hiện chưa nhận tiền chi trả 6 tháng đầu năm nay. Riêng xã Trà Bui (Bắc Trà My) mới nhận tiền quý 2 năm 2015. Cuối năm 2015, Chính phủ chỉ đạo các địa phương phải gấp rút hoàn thành tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Riêng ở các huyện miền núi của tỉnh thì hầu như không đạt kế hoạch. Tại huyện Đông Giang, trong số 4.469 hộ cần được cấp giấy thì mới chỉ công nhận 1.220 hộ (đạt 27,3%), huyện Phước Sơn có 1.228/5.411 hộ được cấp (đạt 22,7%), Bắc Trà My mới có hơn 50% số hộ được cấp giấy. Tuy vậy, khâu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thực địa chồng lấn với diện tích đất giữa các hộ dân. Thanh lý, thu hồi phần đất của các dự án theo chương trình 327, dự án 661 chậm chạp do người dân đã lấn chiếm, xâm canh sản xuất lâu dài.

Sử dụng đất chưa hiệu quả

Lãng phí tài nguyên đất, phổ biến quy hoạch “treo”, tầm nhìn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế... là những yếu kém được thẳng thắn nhìn nhận trong giai đoạn 2011 - 2015. Đây là lý do khiến các địa phương phải điều chỉnh chỉ tiêu giao đất nhiều lần, chuyển mục đích sử dụng đất ngoài ý muốn. Cho nên cần thiết phải thẩm định một cách chặt chẽ, khoa học lộ trình, kế hoạch sử dụng các loại đất. Ở miền núi đã có quy hoạch chi tiết 3 loại rừng, song không thể phủ nhận thực tế người dân thường sử dụng, khai thác “nhầm lẫn”. Một thời vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên dẫn đến việc quy hoạch trên giấy, nghĩa là không phân định cụ thể ranh giới thực địa, thiếu cắm mốc. Vì không quản lý được quy hoạch nên mới xảy ra hệ lụy xâm hại rừng tự nhiên dai dẳng. Đã bắt đầu có dấu hiệu cho thấy sự “trả giá” khi quy hoạch sử dụng đất mất cân đối, bất hợp lý. Ví dụ như ở Bắc Trà My, người dân mong muốn doanh nghiệp trả lại đất trồng cao su cho họ để họ có tư liệu sản xuất; hoặc  một số xã vùng cao của huyện Đông Giang người dân khan hiếm đất nương rẫy do diện tích trước đây đã giao hết cho doanh nghiệp trồng cao su. Đọc lời thuyết minh các dự án khả thi nào ở miền núi, người ta cũng đưa ra lý do đất lâm nghiệp không có rừng, hoặc rừng nghèo. Các chuyên gia lâm nghiệp từng khuyến cáo, một héc ta rừng tự nhiên nghèo còn giá trị gấp 10 lần rừng quy hoạch cho sản xuất, xét ở chức năng phòng hộ!

Theo ông Nguyễn Đức, phân bổ chỉ tiêu diện tích cho các loại đất rừng đều tăng so với hiện trạng là cần thiết vì tính đến yếu tố biến đổi khí hậu. Trước mắt, sẽ rà soát nhu cầu diện tích rừng phòng hộ cho mục đích bảo vệ nguồn nước, chống xói lở, bảo vệ môi trường sinh thái. Từ đó có phương án chuyển đổi sang đất rừng sản xuất tại những khu vực rừng phòng hộ ít xung yếu để tạo quỹ đất sản xuất, đảm bảo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. “Cần hạn chế những tác động tiêu cực đối với các khu bảo tồn, phục hồi rừng đặc dụng để làm giàu đa dạng sinh học” - ông Đức lưu ý.

Sở Tài nguyên - môi trường thông tin, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ quy hoạch điều chỉnh đất lúa với chỉ tiêu diện tích 58.716ha (giảm hơn 2.120ha so với hiện trạng). Trong khi đó, kiến nghị chỉ tiêu điều chỉnh đất rừng phòng hộ lên 327.641ha (tăng 18.490ha so với hiện trạng); đất rừng đặc dụng điều chỉnh 133.548ha (tăng hơn 3.697ha so với hiện trạng); đất rừng sản xuất quy hoạch 258.733ha (tăng 28.657ha so với hiện trạng). Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, quan điểm xuyên suốt là quản lý nghiêm ngặt đất rừng đặc dụng và phòng hộ xung yếu. Không phải đất rừng nghèo là quy hoạch chuyển sang đất sản xuất, mà xem xét cẩn thận. Trước mắt, chỉ điều chỉnh số diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang mục đích sản xuất nhằm ổn định tư liệu sản xuất cho người dân.

Tránh huy động quá sức dân và quy hoạch “treo”
Để tháo gỡ khó khăn về nợ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, nhiều ý kiến đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 1.9.2011 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; kiểm soát và xử lý nợ theo thời gian phù hợp; xã hội hóa trong đầu tư xây dựng nông thôn mới nhưng hạn chế việc huy động quá sức dân.
Về quản lý quy hoạch, nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng về tình trạng quy hoạch “treo” quản lý diện tích rộng lớn ở Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, làm hạn chế quyền của người dân về đất đai, xây dựng. Cho nên, sớm điều chỉnh quy hoạch, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quản lý quy hoạch...(H.PHÚC)

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết đang diễn ra ở nhiều địa phương
Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX, trình bày báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện một số chương trình chính sách dân tộc trên địa bàn các huyện miền núi 6 tháng đầu năm 2016, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Thanh cho biết, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang diễn ra trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số và phổ biến ở nhiều địa phương, các trường THCS và THPT. Qua kết quả điều tra, khảo sát của cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2010 - 2015 có 1.534 trường hợp tảo hôn, 101 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 4462/KH-UBND ngày 5.10.2015 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Xem đây là nhiệm vụ cấp bách, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về hôn nhân và gia đình. Đặc biệt, nhà trường, ngành giáo dục cần tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, nâng cao kiến thức về giới tính cho học sinh, quan tâm chăm lo đến đời sống, sinh hoạt của các em, nhất là học sinh tại các trường bán trú, nội trú.( HÀN GIANG)

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX: Nhận diện bất cập trong quản lý, điều hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO