Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX: Mổ xẻ nhiều vấn đề nổi cộm

TRẦN HỮU 19/07/2017 08:30

Tại phiên thảo luận của ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa  IX  ngày 18.7, nhiều ý kiến mổ xẻ các lĩnh vực liên quan đến đầu tư công ngắn hạn, trung hạn, xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển thủy điện...

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Phân cấp cho địa phương tự quyết

Ông Huỳnh Quang Trung - Phó Chủ tịch HĐND thị xã Điện Bàn nêu rào cản của mở rộng mạng lưới giao thông nông thôn là người dân địa phương sẵn sàng hiến đất, phá dỡ tường rào, cổng ngõ để mở rộng thêm 2 bên đường bê tông 1m vốn quá chật hẹp, tuy vậy, phía điện lực thì không đồng ý di dời trụ điện, trụ viễn thông để vướng trên lòng đường mà đòi hỏi phải bồi thường nếu giải phóng mặt bằng. Vì vậy, kiến nghị tỉnh cần có biện pháp, chỉ đạo ngành điện lực có lộ trình di dời phù hợp, để đảm bảo an toàn giao thông, góp phần xây dựng NTM. Một số xã hoàn thành NTM song tiêu chí không đảm bảo như quy định, tiêu chí thu nhập khó đạt. Về cơ chế khai thác quỹ đất xây dựng NTM, theo quy định đối với diện tích hơn 3.000m2 thì thuộc thẩm quyền của tỉnh nhưng trong thực hiện cần có cơ chế điều chỉnh nguồn thu, tạo điều kiện cho xã có nguồn xây dựng NTM, hoàn thiện các tiêu chí đầu tư hạ tầng.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, tỉnh phân cấp vốn về cho địa phương tự quyết nhưng danh mục đầu tư như thế nào thì do địa phương xem xét, quyết định. Tuy nhiên, một số địa phương miền núi khẳng định, việc tỉnh phân cấp cho huyện để chủ động đầu tư là cần thiết nhưng đề xuất bố trí nguồn để hỗ trợ huyện đầu tư một số dự án có tổng mức đầu tư cao. Trong lựa chọn danh mục cụ thể, cần ưu tiên những công trình trọng tâm, tránh phân bổ dàn trải. Bố trí vốn thực hiện Nghị quyết 12 về phát triển kinh tế - xã hội miền núi như dự thảo là chưa phù hợp, chưa giải quyết các vấn đề bức xúc ở miền núi là bố trí, sắp xếp dân cư, nên điều chỉnh phù hợp theo hướng giai đoạn 2016 - 2020 bố trí 300 tỷ đồng, chuyển 150 tỷ đồng sang sau năm 2020.

Cũng liên quan đến vốn đầu tư, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho hay, một số công trình đã đầu tư dở dang thuộc ngành y tế cần thêm nguồn kinh phí để hoàn chỉnh, phát huy hiệu quả sau đầu tư như trung tâm mắt, bệnh viện nhi... nhưng đề nghị giãn đến năm 2020 là chưa phù hợp. Còn chính quyền huyện Quế Sơn đề nghị bổ sung các danh mục cụ thể trong kế hoạch đầu tư công như trụ sở làm việc UBND huyện Quế Sơn, trụ sở xã Quế Thuận, đường ĐH 21 Quế Sơn từ Đông Phú đi Hương An.

Siết chặt hiện trạng, kiểm soát ô nhiễm

Thời gian qua, các dự án lớn triển khai ở vùng đông nam của tỉnh, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện chặt chẽ, ít xảy ra điểm nóng. Tuy vậy hạn chế vẫn là thiếu chặt chẽ trong quản lý hiện trạng, dẫn đến xây nhà trái phép, cơi nới công trình nhiều như tại xã Duy Hải (Duy Xuyên) xảy ra 513 trường hợp. Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình nêu bất cập trong chênh lệch giá bồi thường giữa các địa phương, dẫn đến tình trạng người dân so đo về quyền lợi. Ví dụ tại huyện Duy Xuyên, giá đất rừng bồi thường 18 nghìn đồng/m2, trong khi ở huyện Thăng Bình chỉ có 12 nghìn đồng/m2. “Rút kinh nghiệm từ Duy Xuyên, Thăng Bình đã quản lý được quy hoạch xây dựng trong vùng dự án, nhờ đó mà tình trạng xây dựng trái phép rất ít xảy ra. Để người dân sớm ổn định nơi ăn chốn ở, kiến nghị tỉnh gấp rút chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện các khu tái định cư” - ông Vỹ nói. Nhiều ý kiến còn đề xuất, trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch hàng năm cần gắn với kế hoạch xây dựng, bố trí tái định cư. Đối với dự án khai thác quỹ đất nên dành 20% quỹ đất phục vụ nhu cầu tái định cư ngoài diện tích tái định cư của dự án đó. Về lâu dài nên chuyển Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên - môi trường về cho địa phương quản lý.

Công tác quản lý khai thác cát sỏi được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, thảo luận.   TRONG ẢNH: Khai thác cát lòng sông Thu Bồn, đoạn qua xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn.      Ảnh: TRẦN HỮU
Công tác quản lý khai thác cát sỏi được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, thảo luận. TRONG ẢNH: Khai thác cát lòng sông Thu Bồn, đoạn qua xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn. Ảnh: TRẦN HỮU

Nhận diện thực trạng trôi chảy tài nguyên khoáng sản cát lòng sông, tại phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến cho rằng, trữ lượng cát lòng sông bán đi rất lớn, nhưng tiền thu ngân sách rất ít, thất thoát nhiều. Đây là lỗ hổng của phương pháp tính toán thuế, lỏng lẻo trong quản lý cát đem đi tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã, đang có kế hoạch rà soát các mỏ cát đã cấp phép, thu hồi khi hết hạn, kiên quyết không gia hạn khai thác. Về lĩnh vực môi trường, tại huyện Đại Lộc nổi lên tình trạng chế biến cá bốc mùi hôi thối, hay tái diễn tình trạng ô nhiễm ở nhà máy chế biến cồn methanol, các mỏ than, cát sỏi lòng sông Vu Gia. Trong khi chính quyền TP.Tam Kỳ đề nghị tỉnh có kế hoạch đầu tư nước sạch cung cấp tại khu dân cư thôn Đồng Hành, xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ), bởi nơi này thường xuyên bị ô nhiễm khói bụi và cả nước sinh hoạt.  

Xây dựng thủy điện: nhiều ý kiến trái chiều

Không đồng tình bổ sung 4 thủy điện nhỏ trên địa bàn huyện Nam Trà My vào quy hoạch, bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh khẳng định, phát triển thủy điện trong bối cảnh hiện nay là “lợi bất cập hại”, làm xáo trộn đời sống văn hóa, tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số gắn liền với núi rừng. Hệ lụy của thủy điện là ảnh hưởng đến đất rừng, đất sản xuất của người dân, gia tăng phá rừng. Một số đại biểu không đồng tình bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện ở miền núi và kiến nghị phát triển năng lượng khác ngoài thủy điện để đảm bảo tính bền vững, không phát sinh hậu quả môi trường. Giải thích về sự cần thiết phải bổ sung 4 thủy điện nhỏ vào quy hoạch, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu lập luận, làm thủy điện nhưng diện tích chiếm đất ít, ảnh hưởng tự nhiên, môi trường sinh thái nhỏ, đều đưa nước về nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, không ảnh hưởng đến hạ lưu. “Không làm thủy điện, nước cũng chảy xuống hồ thủy điện Sông Tranh 2. Nếu không khai thác tài nguyên là quá lãng phí. Nhà nước không thể bỏ 400 tỷ đồng để đầu tư đường dây 110kV, mấy chục năm nay rồi hầu như địa phương bị lãng quên đầu tư điện. Mặt hại quá nhỏ so với cái lợi. Nếu được đầu tư thủy điện nhỏ này, thì hơn 90% người dân sẽ hưởng lợi” - ông Bửu nói.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, hiện nay chúng ta chỉ khai thác 1/3 so với tiềm năng thủy điện ở Quảng Nam. Không thể nói thủy điện nhiều hay ít. Xu hướng của huyện Nam Trà My là phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh, du lịch nhưng lực cản là thiếu điện nghiêm trọng. Thiếu điện thì doanh nghiệp sẽ không muốn lên đầu tư. Ngành điện lực không đầu tư đường dây dù Sở Công Thương đã làm việc rồi. “Nếu không đầu tư thì không biết bao giờ Nam Trà My mới có điện. Sở dĩ chưa đầu tư thủy điện ở Nam Giang vì vùng Nam Trà My bức xúc về điện hơn. Bất cứ sự phát triển nào cũng ảnh hưởng môi trường, thủy điện cũng vậy. Vấn đề cần xem xét cân nhắc lợi - hại, cái hại ở đây là quá nhỏ so với lợi ích mà thủy điện đem lại” - ông Thử nói. Còn ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý, cần phải xem xét phát triển thủy điện loại nhỏ có làm thay đổi dòng chảy không, kiểm tra năng lực của nhà đầu tư. Vấn đề là phải đánh giá báo cáo tác động môi trường một cách thận trọng, xem xét tính đa mục tiêu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thực chất của dự án.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX: Mổ xẻ nhiều vấn đề nổi cộm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO