Các vấn đề liên quan đến công tác giảm nghèo năm 2017 và những năm tới được các đại biểu đề cập nhiều tại phiên chất vấn cũng như trong suốt kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX.
Nguyên nhân tái nghèo được giải thích chủ yếu do khách quan như gia đình khó khăn, địa bàn khó khăn, thiên tai lũ lụt... Ảnh: D.LỆ |
Giảm nghèo chưa bền vững
Theo ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đến nay, tỉnh và trung ương đã có nhiều chính sách, tập trung nhiều nguồn lực lớn cho công tác giảm nghèo. Theo tinh thần Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2021, Quảng Nam đã đầu tư ngân sách 623 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm này là 38.739 hộ (chiếm hơn 7%, giảm 1,86% so với năm 2016). Năm 2017, số hộ đăng ký thoát nghèo vượt chỉ tiêu đề ra, có 3.989/3.600 hộ nghèo; 5.971/5.000 hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo. Số hộ nghèo được công nhận nhưng tái nghèo tính đến năm 2016 là 17 hộ (năm 2017 vẫn chưa có số liệu cụ thể). Nguyên nhân tái nghèo chủ yếu do khách quan như gia đình khó khăn, địa bàn khó khăn, thiên tai lũ lụt…
Bên cạnh kết quả đạt được, nhiều đại biểu đã đề cập những tồn tại, bất cập trong công tác giảm nghèo, đề nghị Sở LĐ-TB&XH làm rõ. Bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, trước đây việc bình xét hộ nghèo chạy theo cơ chế chính sách nên số hộ nghèo cao, dẫn đến việc hoạch định kế hoạch không chính xác. Chính quyền tỉnh cần chỉ đạo các địa phương về giảm nghèo, nhất quán tinh thần chung là đừng o bế người nghèo. Bà Lộc đề xuất, Sở LĐ-TB&XH cần sàng lọc các đối tượng nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội để có phương án hỗ trợ và không đưa vào chỉ tiêu của nghị quyết. Có kế hoạch phân bổ số lượng giảm hộ nghèo theo từng địa phương cho phù hợp. Cũng theo bà Lộc, mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh giai đoạn 2015-2020 từ 2 - 2,5%/năm, nhưng năm 2018, UBND tỉnh đề xuất giảm 1,69 - 1,85% (tương ứng 5.000 - 5.500 hộ nghèo), chỉ tiêu này thấp hơn mức bình quân của kế hoạch 5 năm nên lo ngại đến năm 2020 sẽ khó đạt mục tiêu chung. Còn đại biểu Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang chất vấn, cơ sở nào để đặt ra chỉ tiêu giảm 5.000 - 5.500 hộ nghèo trong năm 2018. Nếu đề ra mục tiêu mà thiếu cơ sở, sẽ khó đạt kết quả đề ra. Đại biểu Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chất vấn, cần nêu cụ thể các giải pháp giảm nghèo bền vững, ai được giao nhiệm vụ thực thi, chịu trách nhiệm về công tác giảm nghèo. “Hộ nghèo mỗi nơi mỗi khác, cần phải phân loại ra, phân bổ nguồn lực phù hợp, cần có cách làm liệu quả mỗi nơi, không để cái nghèo vẫn hoàn nghèo khi nhiều người làm nhưng thực ra là không có ai làm hết” - ông Thẩm nói.
Quảng Nam là địa bàn thường chịu nhiều thiên tai nên ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, trong đó có hộ nghèo. |
Bà Trần Thị Bích Thu, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đánh giá, qua khảo sát cho thấy, một số địa phương vẫn chưa quyết liệt, chưa chỉ đạo nghiêm túc về công tác giảm nghèo theo chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững năm 2017 theo Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Công tác thông tin tuyên truyền về chính sách giảm nghèo chưa kịp thời, hiệu quả. Chính sách chỉ mới tác động tới đối tượng hộ nghèo và cận nghèo mà chưa mở rộng nhiều đối tượng thụ hưởng vì mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bà Thu dẫn chứng, số liệu từ Sở LĐ-TB&XH cho thấy, số hộ đăng ký thoát nghèo năm 2017 vượt chỉ tiêu đề ra, có 3.989/3.600 hộ nghèo; 5.971/5.000 hộ cận nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa phương đăng ký chưa đúng với nội dung Nghị quyết 13. Tình trạng lợi dụng chính sách chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhiều hộ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản vẫn đăng ký thoát nghèo. Nhiều hộ cận nghèo, hộ nghèo chưa tự nguyện viết đơn mà do cán bộ thôn, xã làm thay. Một số trường hợp hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn, chưa đủ điều kiện thoát nghèo, không có kế hoạch và định hướng kinh doanh vẫn đăng ký thoát nghèo để hưởng chính sách. “Cần rà soát lại các đối tượng đăng ký trên cơ sở điều tra hộ nghèo, cận nghèo năm 2017 có điều chỉnh, bổ sung theo Thông báo số 186/TB-UBND ngày 18.5.2017 của UBND tỉnh. Kiên quyết loại khỏi danh sách các trường hợp không đúng quy định, đảm bảo việc thực hiện chính sách đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, phản ánh đúng tình hình thực tế địa phương” - bà Thu nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang: “Tránh để xảy ra tình trạng chạy chính sách” Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, việc khảo sát thực trạng hộ nghèo tại 9 huyện miền núi như vừa qua là nhằm tìm hiểu nguyên nhân nghèo. Từ đó, phân loại nhóm hộ nghèo nào có khả năng thoát nghèo, nhóm nào thoát nghèo chậm để xây dựng giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể giúp các hộ nghèo sớm thoát nghèo bền vững. Sở LĐ-TB&XH cần tham mưu UBND tỉnh xây dựng giải pháp, hồ sơ cụ thể cho từng chỉ tiêu giảm nghèo của năm 2018, có sự phân công tổ chức, đơn vị, đoàn thể đảm nhiệm giúp đỡ các hộ thoát nghèo bền vững từ cơ sở. “Cần phải lồng ghép, gắn việc thực hiện Nghị quyết 13 với các nghị quyết về giải quyết việc làm, lồng ghép các giải pháp, chủ trương vì mục tiêu phát triển bền vững, tránh để xảy ra tình trạng chạy chính sách, cương quyết và có thái độ rõ ràng với những vi phạm, bất cập trong công tác giảm nghèo” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh. |
Giải trình về nguyên nhân tái nghèo cao, ông Huỳnh Tấn Triều cho rằng, Quảng Nam là địa bàn thiên tai nên ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, trong đó có hộ nghèo. Công tác giảm nghèo cũng thiếu bền vững, bởi lẽ có các hộ đã thoát nghèo nhưng do thiên tai mà tái nghèo. Ông Triều chia sẻ thêm, nhiều gia đình miền núi có tài sản nhưng giấu đi, ẩn đi, cứ kêu nghèo. Thực tế, nhiều hộ có rừng, có tài sản nhưng lại không có điểm, rơi vào hộ nghèo. Kết quả điều tra chỉ mang tính chất tương đối. Hiện vẫn còn 8 huyện chưa có kết quả phê duyệt cuối cùng, sở sẽ trích xuất báo cáo Thường trực HĐND tỉnh và các đại biểu. Ông Triều thừa nhận, việc đăng ký thoát nghèo không đúng đối tượng là có thật, việc cán bộ thôn viết hộ đơn là có thật, qua kiểm tra, sở chấn chỉnh, làm việc với các huyện để chấn chỉnh ngay tình trạng này. Phân tích về chỉ tiêu giảm 5.000 - 5.500 hộ nghèo trong năm 2018, ông Triều cho biết, vào đầu nhiệm kỳ, tỉnh đưa ra tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm 2 - 2,5%. Tuy nhiên, qua thời gian thì thấy chỉ tiêu này không phù hợp nữa nên sở chủ động rà soát, báo cáo, giải trình rõ và đề xuất hướng điều chỉnh chỉ tiêu giảm nghèo, theo hướng không giao tỷ lệ mà giao trực tiếp mỗi năm bao nhiêu hộ cho dễ hiểu, dễ làm. Ông Triều cho rằng, đó là con số thực tế và dựa vào tính toán trong những năm qua của Sở LĐ-TB&XH.
Lồng ghép các nguồn lực
Bà Trần Thị Bích Thu, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh thống nhất thay đổi chỉ tiêu từ tỷ lệ sang quy định cụ thể số hộ giảm nghèo (giảm 5.000 - 5.500 hộ) và chỉ áp dụng đối với số hộ nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản, không áp dụng đối với số hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội. Ngoài các giải pháp về cơ chế, chính sách giảm nghèo của trung ương, tỉnh, bà Thu đề nghị Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có giải pháp, huy động nguồn lực thường xuyên hằng tháng cho hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, góp phần thực hiện chỉ tiêu của tỉnh đề ra và chỉ tiêu trung ương giao cho Quảng Nam (giảm 1,5% so với tổng số hộ nghèo) trong năm 2018 theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg năm 2017…
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn ở mức cao. Cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giảm nghèo, gắn công tác đào tạo nghề, các chính sách giảm nghèo của tỉnh, của trung ương và địa phương. Mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương tới tận cấp thôn phải nắm rõ thôn có bao nhiêu hộ nghèo, cần phải giúp đỡ họ cách gì để thoát nghèo. Cần phải có báo cáo, đánh giá thiết thực, xác thực, gắn việc thực hiện các nghị quyết có liên quan nhất là thực hiện Nghị quyết 13 và Nghị quyết 12 về đào tạo nghề cũng là giảm nghèo. Xác định rõ công tác giảm nghèo là hết sức khó, nên cần phải có hành động, chương trình kế hoạch cụ thể, mục tiêu rõ ràng, giao cho ai làm, ai chịu trách nhiệm. Đối với số hộ nghèo chính sách xã hội (9.151 hộ), đề nghị không đưa vào mục tiêu phấn đấu giảm nghèo (không đưa vào tổng số hộ nghèo) nhưng có giải pháp riêng cho đối tượng này.
H.LIÊN - N.ĐOAN