(QNO) - Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh (khóa X) diễn ra ngày 21.4, hai đề án nhận được sự quan tâm của các đại biểu là đề án tu bổ, tôn tạo di tích và đề án quy định mức khoán kinh phí phục vụ nấu ăn tại các trường có tổ chức nấu ăn cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Cấp thiết tu bổ di tích
Là địa phương sở hữu nhiều di tích (theo thống kê toàn tỉnh hiện có 441 di tích được xếp hạng, trong đó 4 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia và 374 di tích cấp tỉnh), nên để đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 161 (7.7.2015), Nghị quyết số 1 (12.7.2019) và Nghị quyết số 8 (17.9.2020). Theo đó, trong 6 năm qua (2016 - 2021), đã có 15 di tích quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo và 73 di tích được dựng bia với tổng mức đầu tư 133,6 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh bố trí 87,4 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ của Bộ VH-TT&DL hơn 2 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ của TP.Đà Nẵng 8 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của các địa phương và xã hội hóa hơn 36 tỷ đồng).
Dù vậy, theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, các di tích thường có lịch sử lên đến hàng trăm năm, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai nên ngày càng xuống cấp. Bên cạnh đó, một số di tích vào thời điểm các nghị quyết trên ban hành chưa xuống cấp nên chưa được đưa vào danh mục đầu tư tu bổ. Đến giai đoạn hiện nay, nhiều di tích bị xuống cấp nên cần thiết phải được tu bổ, tôn tạo nhằm tránh nguy cơ hư hại cho di tích. “Từ những lý do này, Đề án hỗ trợ đầu tư, tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025 xác định sẽ đầu tư tôn tạo 2 di tích quốc gia đặc biệt, 11 di tích quốc gia, 67 di tích cấp tỉnh với tổng mức đầu tư gần 91 tỷ đồng” - ông Hồng nói.
Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa & xã hội HĐND tỉnh cơ bản thống nhất phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, điều kiện, nội dung đầu tư, lộ trình và kinh phí thực hiện như dự thảo UBND tỉnh trình và nhấn mạnh rất cần thiết đầu tư, tu bổ để giảm thiểu tình trạng di tích xuống cấp, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Khẳng định Đề án hỗ trợ đầu tư, tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025 trình kỳ họp HĐND tỉnh lần này là rất cần thiết, đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất quan tâm thêm đến việc nâng cấp, tôn tạo 4 di tích, gồm di tích kháng chiến Hạ Lào, làng cổ Lộc Yên, khu chứng tích vụ thảm sát Đồng Trại (Tiên Phước), làng Tía (Hiệp Đức).
Đại biểu Huỳnh Thị Thùy Dung - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị các di tích quốc gia đặc biệt cần thống nhất nguồn lực để thực hiện, đảm bảo tôn tạo đúng di tích gốc.
Tăng hỗ trợ để giữ chân nhân viên
Chính sách hỗ trợ các trường có tổ chức nấu ăn cho trẻ em, học sinh (HS) ở xã, thôn đặc biệt khó khăn thời gian qua được thực hiện theo 2 nghị quyết HĐND tỉnh là Nghị quyết số 39 (8.12.2016) quy định khoảng cách, địa bàn, mức khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho HS ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 22 (19.4.2021) quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh (cụ thể hóa Nghị định số 116, ngày 18.7.2016 và Nghị định số 105, ngày 8.9.2020 của Chính phủ).
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GD-ĐT - ông Thái Viết Tường, mức khoán kinh phí 200% mức lương cơ sở được hỗ trợ theo Nghị quyết số 39 và 2.980.000 đồng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 22 để chi trả cho một nhân viên hợp đồng nấu ăn là rất thấp, thấp hơn mức lương tối thiểu vùng nên chưa thật sự đáp ứng với mức sống thực tế hiện nay. Cạnh đó, cùng một chính sách hỗ trợ, trên cùng địa bàn nhưng lại được điều chỉnh bởi 2 nghị quyết của HĐND tỉnh và một số nội dung, chưa có sự đồng bộ dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Ông Tường cho rằng, thời gian làm việc của nhân viên nấu ăn bắt đầu từ ngày 15.8 hằng năm cho đến 10.6 năm sau. Trong khi đó, quy định khoán kinh phí phục vụ nấu ăn tập trung cho HS (chi trả lương cho nhân viên nấu ăn) không quá 9 tháng/năm học. Vì vậy, trong 3 tháng hè, các nhân viên không được hợp đồng lao động. Điều này làm cho các cơ sở giáo dục gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ chân hoặc tìm nhân viên mới để hợp đồng phục vụ công việc nấu ăn cho HS. “Việc hợp đồng lao động đối với nhân viên nấu ăn là ngắn hạn, cường độ làm việc cao, mức hỗ trợ thấp, lại không được hỗ trợ kinh phí để tham gia bảo hiểm xã hội do đó họ không yên tâm công tác, gắn bó để phục vụ lâu dài” - ông Tường nhấn mạnh.
Ông Đinh Văn Hươm - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, đề nghị ban hành nghị quyết theo hướng tăng mức hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em, HS trường học có tổ chức nấu ăn tập trung ở xã, thôn đặc biệt khó khăn lên bằng 300% mức lương cơ sở là cần thiết. Theo tính toán của UBND tỉnh, dự kiến tổng nguồn kinh phí mỗi năm hơn 16 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 14 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ 2 tỷ đồng. “Sau khi nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan thường xuyên kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn việc triển khai thực hiện nghị quyết để kịp thời đề xuất, xử lý những vấn đề bất cập, phát sinh liên quan; hướng dẫn sử dụng kinh phí đúng mục đích, đảm bảo chế độ của người lao động theo đúng quy định của pháp luật” - ông Hươm nói.