QNO) – Nhiều quy định mới trong Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, kiến nghị, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể.Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, việc sửa đổi Luật BHYT là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay.Trong đó, các quy định về bắt buộc tham gia BHYT với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình mở rộng đối tượng, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và bảo đảm an sinh xã hội. Tính pháp lý của việc bắt buộc mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, như các quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm…Tuy nhiên, đánh giá về các quy định trong Dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để đảm bảo tính khả thi và thúc đẩy việc thực hiện chính sách BHYT bắt buộc, Nhà nước phải tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động các đối tượng, bố trí nguồn lực đảm bảo, nâng cao y đức và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh (KCB), đổi mới phương thức thực hiện chính sách BHYT để vừa khuyến khích, vừa hỗ trợ người dân chủ động tham gia BHYT, nâng cao trách nhiệm an sinh đối với bản thân, gia đình mình và xã hội; đồng thời, tổ chức để người dân có thể tiếp cận và đóng BHYT theo hộ gia đình được thuận lợi tại tất cả các địa bàn trên phạm vi cả nước.Về phân bổ sử dụng, quản lý quỹ BHYT, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, phải quy định cụ thể việc phân bổ và sử dụng quỹ BHYT. Về vấn đề này, bà Trương Thị Mai cho biết, Dự thảo đã quy định theo hướng càng cụ thể càng dễ quản lý. Theo đó, Dự thảo luật quy định cụ thể phân bổ cho quỹ KCB là 90% quỹ BHYT cho KCB BHYT. 10% còn lại để chi cho quỹ dự phòng và công tác quản lý, tuyên truyền mở rộng diện bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, trong đó dành tối thiểu 5% cho quỹ dự phòng.Tuy nhiên, đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) đề nghị, ngay từ bây giờ cần dành 95% tiền quỹ BHYT cho công tác KCB và chỉ dành 5% cho quỹ dự phòng mà thôi. Làm như vậy để tăng nguồn cho quỹ BHYT phục vụ người dân tốt nhất.Về quản lý quỹ BHYT, nhiều đại biểu đề nghị cần quản lý thống nhất, tập trung trong cả nước cũng như chỉnh lý theo hướng các tỉnh, thành phố có số thu BHYT dành cho KCB lớn hơn số chi KCB trong năm thì phần kinh phí chưa chi hết được hạch toán toàn bộ vào quỹ dự phòng BHYT để điều tiết chung như quy định tại Khoản 3 Điều 35 của Dự thảo Luật.Các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông), Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) chỉ rõ, đa số các địa phương có kết dư nhiều là những tỉnh nghèo, miền núi, trong khi các tỉnh, thành phố có mức sống cao hơn thì lại thâm hụt quỹ BHYT.Giải quyết vấn đề này cần thiết nâng cao chất lượng KCB và đầu tư mua sắm thiết bị kỹ thuật cao trong KCB tại các địa phương nghèo, miền núi xa xôi có nhiều kết dư quỹ BHYT như hiện nay, không để số tiền kết dư lại chuyển về cho tỉnh giàu, nhưng thâm hụt quỹ. Đồng thời, đại biểu kiến nghị số tiền kết dư này cũng nên chuyển sang quỹ dự phòng cho địa phương đó sử dụng.Về thanh toán tiền KCB cho bệnh nhân tự đi KCB không đúng tuyến, nhiều đại biểu đề nghị quy định theo hướng quỹ BHYT thanh toán cho cả những trường hợp tự lên KCB tuyến trên, kể cả ngoại trú và nội trú, mức thanh toán như nhau là 20%, 50%, 70%. Ý kiến này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý vào dự thảo luật.Bên cạnh đó, cũng có quy định mang tính nhân văn sâu sắc là trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí 100% chi phí KCB được cử tri và nhân dân hưởng ứng, đánh giá cao.
(Theo chinhphu.vn)- Quốc hội thảo luận về tình hình Biển Đông
- Thảo luận tại tổ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội: Đề nghị bổ sung dự án Luật Các khu kinh tế và Luật Biểu tình
- Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII
- Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại Bắc Trà My và Điện Bàn
- Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri xã Phước Đức, Phước Sơn
|