(QNO) - Tại Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa X khai mạc sáng nay 12.1, sau khi lãnh đạo các sở đại diện UBND tỉnh trình bày tờ trình và dự thảo nghị quyết, các ban HĐND tỉnh đã báo cáo thẩm tra và các đại biểu bước vào phần thảo luận chung tại hội trường dưới sự điều hành của chủ tọa kỳ họp.
Thống nhất cao với các tờ trình
Thẩm tra các tờ trình do UBND tỉnh trình tại kỳ họp, ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nhấn mạnh tất cả đều rất cần thiết và phù hợp, được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Về cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, ông Đức cho biết qua tổ chức hội nghị lấy ý kiến của ban tại 2 cụm ở Điện Bàn và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, hầu hết đều thống nhất với nội dung tờ trình và dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình.
“Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị miễn giảm tiền thuê đất đối với các lĩnh vực xã hội hóa trên địa bàn huyện chỉ nên quy định 30 năm; xem lại mức ưu đãi đối với lĩnh vực sân thể thao khu vực đô thị vì mức ưu đãi quá lớn, hiện nay tư nhân đang thực hiện tốt” - ông Đức nói.
Liên quan đến các báo cáo do UBND tỉnh trình trên lĩnh vực giáo dục, bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho biết cơ bản thống nhất phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mức chi tiền công thực hiện các nhiệm vụ thuộc công tác chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi đối với giáo dục phổ thông; chính sách tổ chức ôn tập cho học sinh người dân tộc thiểu số tham dự kỳ thi THPT trên địa bàn tỉnh.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 22 (ngày 19.4.2021) của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh, bà Thu cho biết ban thống nhất bổ sung cụm từ “cụm công nghiệp” vào phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng như dự thảo nghị quyết UBND tỉnh trình, nhằm tạo sự bình đẳng trong thụ hưởng chính sách đối với đối tượng là giáo viên và trẻ mầm non là con công nhân tại các khu và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trình bày báo cáo thẩm tra của ban về cơ chế khuyến khích, bảo tồn sâm Ngọc Linh và dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Đặng Tấn Phương cho biết cơ bản thống nhất và đề nghị cần bổ sung mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể vào nghị quyết; bổ sung nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ giống cho người dân ở khu vực bảo tồn, phát triển sâm tại huyện Nam Trà My và các khu vực đã có chỉ dẫn địa lý.
Nóng vấn đề xã hội hóa
Tại phiên khai mạc kỳ họp sáng nay 12.1, HĐND tỉnh đã bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT.
Cơ chế, chính sách, giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa trong một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã thu hút khá nhiều ý kiến tham gia thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng các đề án lần này rất cần thiết đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, liên quan mật thiết đến người dân. Đối với cơ chế, chính sách xã hội hóa, ông Dũng cho rằng đối với bệnh viện chuyên khoa nên miễn 100% tiền thuê đất vì đây là loại hình đầu tư khó, cần khuyến khích. “Còn với lĩnh vực thể thao, theo tôi không cần thiết vận động xã hội hóa ở đồng bằng mà định hướng khuyến khích ở khu vực miền núi, trung du” - ông Dũng đề xuất.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị quan tâm hơn đến việc đẩy mạnh xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa tại Tam Kỳ. Vì theo ông Ca, các hoạt động văn hóa tại trung tâm tỉnh lỵ hiện nay khá nghèo nàn, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo đại biểu Trần Nam Hưng - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tam Kỳ, các danh mục thuộc lĩnh vực thể thao đối với địa bàn Tam Kỳ không nên đưa vào xã hội hóa vì hiện nay ở địa phương có nhiều cơ sở thể thao hoạt động. Liên quan đến việc mở rộng Khu công nghiệp Tam Thăng, ông Hưng cho rằng định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái nên quy định chung là thu hút các ngành thân thiện môi trường, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.
Chung quanh đề án phát triển sâm Ngọc Linh, đại biểu Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tây Giang kiến nghị đề án cần quy định rõ chủ thể được hỗ trợ, bên cạnh Nam Trà My cần nghiên cứu đặt thêm một trung tâm tại phía tây của tỉnh phù hợp.