Ký kết hợp đồng lao động với nhân viên nấu ăn ở trường học

NGUYÊN ĐOAN 01/11/2021 06:13

Cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì cuộc họp lấy ý kiến góp ý của các ngành, địa phương đối với các dự thảo đề án sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 39 ngày 8.12.2016 của HĐND tỉnh quy định mức khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116 của Chính phủ và điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 22 ngày 19.4.2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh cuộc họp lấy ý kiến góp ý vào các nội dung dự thảo đề án do Sở GD-ĐT cuối tuần qua. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh cuộc họp lấy ý kiến góp ý vào các nội dung dự thảo đề án do Sở GD-ĐT cuối tuần qua. Ảnh: N.Đ

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, Nghị quyết số 39 và Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh đã thể hiện tính nhân văn và có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng sự mong mỏi của các cơ sở giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Số trường, số lớp thực hiện chính sách theo Nghị quyết 39 đảm bảo ổn định, ít dao động.

Kết quả thực hiện theo định mức khoán kinh phí năm học 2020 - 2021 hơn 10,4 tỷ đồng. Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết số 22, có 37 trường với 5.876 học sinh ở bán trú, có 111 nhân viên hợp đồng nấu ăn, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng (Trung ương hỗ trợ gần 2,4 tỷ đồng, còn lại ngân sách tỉnh).

Nhằm khắc phục các khó khăn và cụ thể hóa quy định mới của Trung ương, UBND tỉnh giao Sở GD-ĐT xây dựng dự thảo đề án điều chỉnh, bổ sung quy định đối với hai nghị quyết nêu trên.

Đáng chú ý, đối với việc điều chỉnh Nghị quyết số 39, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi “quy định cụ thể tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh” thành “quy định cụ thể số lượng nhân viên phục vụ nấu ăn cho học sinh”.

Đồng thời đề xuất sửa đổi từ định mức khoán kinh phí bằng 200% mức lương cơ sở/1 tháng/số lượng học sinh quy đổi thành 1 nhân viên nấu ăn được hợp đồng trong một cơ sở giáo dục và thay thế mức lương cơ sở bằng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.

Dự thảo đề án cũng bổ sung chính sách mới vào nghị quyết: Quy định cụ thể đối tượng thụ hưởng và mức kinh phí hỗ trợ để tham gia bảo hiểm xã hội cho nhân viên nấu ăn (ngoài những chính sách đã quy định tại Nghị định số 105 ngày 8.9.2020 của Chính phủ).

Do số lượng trường, lớp và học sinh đến nay ít thay đổi nên lấy số liệu cuối năm học 2020 - 2021 làm căn cứ để tính số lượng dự kiến nhân viên nấu ăn. Dự kiến, mỗi năm ngân sách tỉnh hỗ trợ từ 4,3 đến 5 tỷ đồng cho lực lượng này tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khi thực hiện chính sách hợp đồng lao động.

Trên cơ sở góp ý của các ngành, địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân giao Sở GD-ĐT tiếp thu tối đa để hoàn thiện các dự thảo đề án. Cơ bản thống nhất với nội dung các dự thảo đề án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, việc hợp đồng lao động đối với nhân viên nấu ăn trong trường học đã có chủ trương thống nhất của Trung ương.

Trước đây, khoán kinh phí để hợp đồng làm việc, nay chuyển sang ký kết hợp đồng lao động thì căn cứ đúng theo quy định quan hệ pháp luật về lao động. Theo đó, hợp đồng cho nhân viên nấu ăn ở trường học phải được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Đồng thời đề nghị Sở GD-ĐT tính toán bổ sung: cơ sở giáo dục mầm non công lập có số lượng từ 15 – 45 em thì bố trí 1 nhân viên nấu ăn; còn điểm trường nhỏ lẻ dưới 15 em học sinh thì có hướng hỗ trợ phù hợp, đảm bảo không phát sinh kinh phí quá lớn do phải ký hợp đồng nấu ăn…

“Nhân viên nấu ăn phục vụ rất nhiều việc ở trường, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Việc ký kết hợp đồng đúng theo quy định pháp luật cũng nhằm động viên, chia sẻ với trách nhiệm, tấm lòng yêu trẻ của họ” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký kết hợp đồng lao động với nhân viên nấu ăn ở trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO