Sai lầm về di dời dân vào vùng lõi rừng phòng hộ Sông Tranh có thể khắc phục qua nhiều năm. Nhưng với nghịch lý trong công tác giữ rừng, thiếu bền vững trong giảm nghèo thì không thể giải quyết chậm trễ.
|
Buông lỏng quản lý
Khác với những khu rừng phòng hộ khác, cánh cửa vào rừng xã Trà Bui (Bắc Trà My) luôn mở rộng từ nhiều năm nay, đi ngược với chủ trương đóng cửa rừng của tỉnh. Chỉ thị 20, ngày 21.8.2912 của UBND tỉnh yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý phương tiện, dụng cụ đưa vào rừng, nhằm cắt đứt đối tượng lâm tặc, vàng tặc lợi dụng đưa phương tiện cơ giới, chất nổ, trâu bò kéo vào rừng đầu nguồn khai thác, vận chuyển gỗ lậu. Nhưng với những gì đang diễn ra ở Trà Bui, cho thấy công tác quản lý rừng rất lỏng lẻo. Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh thống kê, từ thôn 1 đến thôn 6 có 130 con trâu kéo, 75 cưa lốc và xưởng cưa chỉ phục vụ cho khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Nói như ông Hồ Văn Danh - Bí thư Đảng ủy xã Trà Bui, những phương tiện, dụng cụ này đã tiếp tay cho người dân ăn trộm gỗ của Nhà nước. Phá rừng trên địa bàn rất nhạy cảm, phức tạp. Vai trò của cán bộ quản lý, bảo vệ rừng, của bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn… không phát huy hiệu quả. Sự thật là ở Trà Bui cứ ra đường là gặp gỗ lậu. Trong chuyến công tác cuối tháng 9, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Trần Anh Tuấn dễ dàng bắt một xe chở 5,5m3 gỗ từ rừng Trà Bui về Trà Đốc. Bởi vậy ông Đoàn Tất Chẩn - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh mới than thở: “Lực lượng bảo vệ rừng mỏng, trong khi quản lý diện tích lớn. Dân lên ở đông, lại chủ yếu sinh sống bằng nghề rừng. Phá rừng dai dẳng biết đó mà chịu”. Nói về sự mất tác dụng của 2 trạm quản lý bảo vệ rừng trong rừng, chủ rừng phân trần, những trạm này xây ra để làm chỗ sinh hoạt cho nhân viên bảo vệ rừng, không có chức năng canh trực 24/24 giờ. Trạm quản lý, bảo vệ rừng mà vắng bóng lực lượng chốt chặn gỗ lậu, âu cũng là chuyện lạ đời chỉ có ở Trà Bui!
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh có mặt tại thôn 2, xã Trà Bui chỉ đạo xử lý vụ phá rừng. Ảnh: T.H.P |
Là xã chiếm gần 78% hộ nghèo, nhưng Trà Bui lại lập “kỷ lục” về số lượng nhà ở bình quân trên mỗi hộ dân. Bởi nơi đây phổ biến tình trạng “nhà đôi”, bên cạnh nhà xây kiên cố, dân cũng tự cất thêm nhà gỗ. Chính sách cho dân khai thác gỗ làm nhà với khối lượng cho phép một thời đã vô tình khiến họ lợi dụng chủ trương để… phá rừng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My lại cho rằng, sự buông lỏng quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh mới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng phức tạp ở xã Trà Bui. Hiện chủ rừng này quản lý khoảng 12.600ha rừng phòng hộ, địa phương quản lý 17.513ha tập trung phần lớn quy hoạch rừng sản xuất. “Bất cập ở chỗ, nếu xảy ra phá rừng ở Trà Bui, lực lượng kiểm lâm địa phương cũng không thể đến đó bắt bớ, xử lý được vì lâm phận thuộc chủ rừng quản lý. Rừng ở Trà Bui – Trà Đốc rất “nóng” nhưng chúng tôi không chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện lên đó truy quét được do cơ chế quy định. Sinh ra kiểm lâm mà không thể bắt gỗ trên địa bàn, thật là nghịch lý” - ông Nhuần nói.
Hẹp lối thoát nghèo
Tại huyện Bắc Trà My có 3 lực lượng bảo vệ rừng chính là Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Tranh và Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My. Nhưng sự chồng chéo quản ý đã thu hẹp vai trò, trách nhiệm của kiểm lâm. Ông Nguyễn Nhuần – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My kiến nghị, phải lập tức hợp nhất lực lượng bảo vệ rừng, tốt nhất là giải thể Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, phân cấp về cho địa phương quản lý. Năm 2013, Sở NN&PTNT đã cải tổ, sắp xếp, đổi mới các ban quản lý rừng phòng hộ trực thuộc ngành nhưng vì “ôm” diện tích lớn nên giữ rừng kém hiệu quả. Bằng chứng là phần lớn các vụ phá rừng trọng điểm thời gian qua đều xảy ra ở các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng. |
Đói nghèo tất sẽ phá rừng, phá rừng rồi lại hoàn nghèo. Trà Bui bám riết trong cái vòng luẩn quẩn đó. Bây giờ, người dân tái định cư lại thấp thỏm âu lo sống trong những căn nhà xây xuống cấp mà chỉ cần lấy tay gõ vào mảng tường, cát đã rơi lả tả. Các công trình đầu tư nước sạch đã hư hại, xuống cấp; rồi âm ỉ hiện tượng đồng bào trở lại rừng già sinh sống. Tranh chấp đất đai từ hậu thủy điện Sông Tranh 2 nóng bỏng, kéo dài liên tục nhiều năm nay ở xã Trà Bui. Nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp. Thiếu miền đất sinh nhai, người dân lại lén lút xâm canh phát rừng làm nương rẫy trái phép. Ngành chức năng thống kê: 9 tháng đầu năm nay xảy ra 31 vụ xâm canh lấn rừng lấy đất trồng trọt. Từ năm 2013 đến nay, UBND huyện Bắc Trà My chủ trương giao đất theo hiện trạng sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân vì hiện nay các hộ đang sản xuất trên diện tích đất tự khai phá hoặc đất do tự thỏa thuận giữa các hộ với nhau. Tuy nhiên, theo một cán bộ xã Trà Bui, nhiều đất cấp cho đồng bào vùng cao không có khả năng trồng lúa, hoa màu. Không ít diện tích cấp nằm xa dân cư, bỏ hoang. Trong khi đó, hầu như Nhà nước chưa đầu tư hệ thống thủy lợi hóa đất màu do khó khăn về nguồn vốn, địa hình cách trở.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo xử lý vụ phá rừng Trà Bui Ngày 5.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đến kiểm tra hiện trường phá rừng tại khoảnh 1, tiểu khu 724 thuộc thôn 2, xã Trà Bui (Bắc Trà My). Tai đây, đoàn chứng kiến nhiều cây cổ thụ có đường kính 1m bị triệt hạ với nhiều gỗ đã xẻ thành phách, khúc nằm ngổn ngang trong rừng. Ngoài ra, còn phát hiện một ngôi nhà dựng trái phép trong rừng, nhiều khả năng lâm tặc sinh sống và hoạt động suốt thời gian dài. Giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Tấn Đức khẳng định, vụ phá rừng này rất nghiêm trọng. Chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh đã không nắm Chỉ thị 20 của Tỉnh ủy về quản lý người, phương tiện, máy móc vào rừng, chủ rừng không phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong bảo vệ rừng. “Các trạm quản lý bảo vệ rừng xây lên nhưng không có người trực. Nhiều vụ phát hiện gỗ lậu nhưng chủ rừng không bàn giao cho Hạt Kiểm lâm xử lý theo thẩm quyền. Chính sự buông lỏng quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh dẫn đến vụ việc trên” - ông Đức nói. Làm việc với địa phương, các ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND Lê Trí Thanh cho rằng, chủ rừng và lưc lượng kiểm lâm địa phương thiếu trách nhiệm giữ rừng; xử lý chưa nghiêm các vụ phá rừng xảy ra gần đây. Việc vận động, giáo dục ý thức bảo vệ rừng cho người dân còn kém. Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 20 và Chỉ thị 17 của Tỉnh ủy về siết chặt quản lý, bảo vệ rừng.(H.PHÚC) |
Lên nóc Xơ Rơ (thôn 8, xã Trà Bui), nhà cửa liền nhau chật cứng từ đỉnh núi xuống lưng đồi. Một ngôi làng miền núi mà mật độ nhà cửa chen chúc đến ngột ngạt. Khoảnh rừng rộng hơn vài sào đất mà đến hơn 120 nóc nhà. Một “kỷ lục” về nóc nhà san sát, ken dày chẳng thua khu đô thị! Tương truyền, xưa có một già làng Ca Dong thấy phong cảnh đẹp trước mặt là con sông Tranh, sau lưng là đỉnh núi, đất đai màu mỡ nên dẫn một nhóm người lên lập làng. Đường xa vạn dặm khi lên đến đỉnh núi, nhiều người mệt mỏi, kiệt sức, nên đặt luôn tên gọi “nóc Xơ Rơ”. Theo các già làng, dân lên khai khẩn đất đai, rồi “cắm rễ” cuộc đời trên đỉnh chót vót này cũng theo tiếng gọi của rừng xanh. Ngoài bứt đót, trồng lúa, thanh niên còn tranh thủ khai thác gỗ, hay làm thuê cho các lâm tặc. Nỗi khổ của bà con là đất ở, nhà cửa chật chội, làng đối mặt với nguy cơ sạt lở đất. Xã, huyện tính toán giãn dân xuống nơi có mặt bằng rộng, ít độ dốc hơn, song nhiều năm bất thành do không có kinh phí di dời. Xa xôi, biệt lập với thế giới bên ngoài nên nóc Xơ Rơ cũng lập “kỷ lục” mới về hộ nghèo. Đến nay, chính quyền cấp đất sản xuất kèm theo công nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hơn 400 hộ dân tái định cư và dân sở tại xã Trà Bui với diện tích 1.319ha nhưng vẫn còn hàng trăm hộ dân thiếu tư liệu sản xuất.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, người dân miền núi được cấp sổ đỏ là đột phá lớn của chính quyền trong quản lý đất đai. Tuy nhiên, cái sổ đỏ trên rẻo cao cũng lắm chuyện bi hài. Còn 177 hộ ở Trà Bui khan hiếm đất sản xuất, có người phải canh tác trên đất thuê mướn, nhưng cũng không ít trường hợp cầm vài ba sổ đỏ nhưng chẳng biết làm gì. Công nhận quyền sử dụng đất đai là một chuyện cần làm, nhưng cái mà người dân cần hơn là ngành nông nghiệp phải chỉ ra loại đất nào để họ trồng lúa nước, trồng cây lâu năm để ổn định cuộc sống…
Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC