Biến một vùng cát trắng chỉ toàn gai xương rồng thành vựa rau xanh nổi tiếng cả nước như anh Hùng Ky thì đặt cho anh mỹ danh gì cũng xứng. Mô hình trồng măng tây của anh không chỉ làm thay đổi vùng cát Ninh Thuận mà còn có thể mở một lối ra cho cả vùng cát miền Trung.
Ký ức xương rồng
Hùng Ky trắng trẻo thư sinh và trẻ hơn cái tuổi 50 của mình - điều hiếm thấy ở những nông dân “thuần Chăm”. Cách TP.Phan Rang - Tháp Chàm chưa đến 10 cây số nhưng làng Tuấn Tú thuộc xã An Hải huyện Ninh Phước của Hùng Ky được liệt vào dạng “vùng sâu” vì vây lấy ngôi làng toàn người Chăm này là vô thiên lủng những cây xương rồng tua tủa gai, lúc nào cũng chực chờ “xiên” vào khách lạ. Những con nhông đất luôn để lại những vệt bụi mờ sau cú nước rút thần tốc để tìm hang khi thoáng thấy bóng người. Con vật ấy đã trở thành một phần đời của Hùng Ky và lũ trẻ của làng vì nó là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của cư dân ở đây những năm đói khổ. Đó là nói quãng thời gian của 15 năm trước, còn bây giờ, Tuấn Tú được khoác lên mình nó một màu xanh no mắt bởi bạt ngàn măng tây xanh. Hùng Ky là người đặt viên gạch đầu tiên để khai mở cho vựa rau này.
Nhà Ky có 4 anh chị em nhưng trước đây cũng chỉ biết trông chờ vào mấy sào đất toàn cát. Khoai sắn vẫn là nguồn lương thực chính của gia đình anh. Mơ ước lớn nhất của đời Ky là được ăn một bữa cơm không độn! Hai người chị gái và anh trai của Ky chỉ chạm đến ngưỡng lớp ba trường làng rồi nghỉ học. Còn Ky thì quyết tâm tiếp tục lội cát để “học hết cái chữ mới thôi”. Cũng chỉ biết dặn lòng mình như vậy vì trong suy nghĩ non nớt của Ky ngày ấy, con chữ sẽ là chỗ bám víu cuối cùng với hy vọng nhờ nó sau này mình sẽ được ăn những bữa cơm không độn. Trường Dân tộc nội trú tỉnh Ninh Thuận đón nhận cậu bé gần như duy nhất của làng này theo học. Nhưng cũng chỉ hết lớp 12 thì Ky đành bỏ dở vì không có tiền để tiếp tục nuôi giấc mơ của mình. “Học trường nội trú thì Nhà nước nuôi cơm nhưng học đại học, dẫu người Chăm được miễn học phí thì mình cũng phải tự lo cái ăn chớ!”, Ky phân bua cho cái sự nghỉ học của mình. Những bãi xương rồng trùng điệp của làng, một lần nữa lại trùm lên giấc mơ của Ky. Anh về lại làng và tiếp tục làm bạn với những con nhông đất thời niên thiếu.
Chăn bò kiếm gạo
Như bao trai làng người Chăm khác, Hùng Ky cũng lấy vợ từ rất sớm, ngay sau khi rời ghế nhà trường. “Không lấy vợ thì biết làm gì ở cái làng này!”, anh cười hồn nhiên khi nói đến quyết định hệ trọng của đời mình từ 30 năm trước. Dù người Chăm theo chế độ mẫu hệ nhưng với Ky thì anh suy nghĩ khác: “Tụi mình đi học trên tỉnh nên không quá phụ thuộc phong tục của dân tộc Chăm nữa. Tự quyết và tự đến với nhau chứ không phải “ai theo ai” như ông bà xưa”. Anh nói về chuyện “lấy vợ” chứ không để cho “vợ lấy” như thế. Nhưng chuyện sau ngày lấy vợ mới là điều làm anh trăn trở nhất. Nhà nghèo quá, cha mẹ có chia gia tài cho con thì cũng chỉ mấy sào đất cát. Làm quần quật quanh năm nhưng cũng không đủ để mua cho con vài hộp sữa tươi chứ đừng nói gì đến chuyện đổi đời.
“Mình quyết định rời làng lần nữa, lên tận Tân Mỹ, một xã vùng cao của huyện Ninh Sơn để… chăn bò thuê cho một ông chủ làm cà phê. Hai đứa con nhỏ đành gửi lại cho ông bà để chúng được đến trường. Vợ chồng khăn gói lên đường mà không biết tương lai như thế nào, chỉ có một quyết tâm là không thể sống với mấy sào đất cát quanh năm thiếu nước. Nhoáng cái cũng đã 10 năm “theo đít bò” mà phận đời không đổi. Thế là vợ chồng mình quyết định hạ sơn sau những trận sốt rét nghiêng rừng. Nhờ những năm chăm chỉ chăn bò, tụi mình cũng tích lũy được một ít “gạo”. Chút nữa mình sẽ nói chuyện “gạo” cho anh nghe” - một phần đời cơ cực chợt xẹt qua ký ức khốn khó của Ky. Anh rót một ly nước đầy rồi đẩy về phía khách, mời: “Anh uống xem có thấy khác với những thứ nước anh đã uống không nhé?”. Tôi nhắp từng ngụm thật chậm, nghe một mùi hương dịu nhẹ tan ra nơi đầu lưỡi nhưng không biết đó là loại nước gì. Ky bảo rau đấy. Nói đoạn anh chỉ tay ra khu vườn xanh nghít: “Nó là phần gốc của cây măng tây xanh”.
Vắt cát ra… rau
Ky kể, bốn miệng ăn mà bám vào hai sào đất toàn cát thì quá khó để giải bài toán lương thực chứ nói gì đến chuyện xây nhà và làm giàu. Đầu tiên là anh phải tính đến chuyện “tích tụ ruộng đất”, với suy nghĩ “lấy công làm lời”. Vùng này chỉ có gai xương rồng, chả cây gì sống nổi vì đất toàn cát lại hạn quanh năm. Dân đói quá nên cứ bán dần đất mà ăn. Mỗi bao gạo 50 ký là có thể đổi được một sào. Ky “đổi gạo lấy đất”, cuối cùng cũng được 2,4ha đất cát.
Công cuộc “vắt cát ra rau” bắt đầu với vợ chồng Ky. Hết mùa cà rốt, anh chuyển sang các loại đậu; xong mùa cải, vợ chồng nhanh chóng xoay qua cây hành. Xoay như con vụ nhưng vẫn không khá nổi. “Cái khó ở đây vẫn là nước tưới. Vườn nằm trên động cát nên mạch nước ngầm không nhiều. Tôi đào một cái giếng phải nói là to nhất làng để lấy nước tưới rau nhưng cứ bơm một tiếng thì nghỉ đợi nước “tái sinh” hai tiếng. Tưới cho được luống rau cuối cùng thì luống rau tưới ban đầu đã khô cong rồi. Thế rồi, một phép màu đã đến”. Anh Ky nhớ lại những năm xoay vần với cây rau mà kết quả thì không được bao nhiêu.
Ông “xóa nghèo”
Bây giờ khu trang trại của anh Ky đã có tòa ngang dãy dọc, hàng chục công nhân của anh làm việc trong phòng lạnh, người nhặt lông tổ yến, kẻ xếp măng tây xanh thành bó ngay ngắn để mang ra trạm cân nhưng Ky vẫn giữ ngôi nhà cũ sần sùi meo mốc. Nó như nhân chứng của một thời khổ nghèo mà anh không muốn xóa đi.
Phép màu mà Ky nhắc đến đó là cây măng tây xuất hiện ngay tại vườn nhà anh. “Bảy năm trước, huyện Ninh Phước hỗ trợ cho mình 1.000 hột măng tây xanh để trồng trên diện tích 500 mét vuông. Mình đã làm đúng theo hướng dẫn kỹ thuật nhưng lòng thì bán tín bán nghi vì loài cây gì lạ quá, giống cây măng tre thu nhỏ nhưng lại trồng bằng hạt, được gọi là rau. Tám tháng sau thì thu hoạch, mang ra chợ bán, gào khản giọng nhưng khách cầm lên rồi… để lại. Mình mang ra chợ ngoài Phan Rang bán, cuối cùng cũng có người mua. 20.000đ/ký là “ngon” rồi. Nhưng “ngon” nhất là khách bắt đầu làm quen với loại rau này. Tiếng lành đồn xa, có người tận Sài Gòn ra thu gom mua hết. Đầu ra như thế là quá tốt. Mình mở rộng diện tích mà không sợ ế” - Hùng Ky nhớ lại thuở ban đầu gắn với cây măng tay xanh. Nói đoạn anh dùng điện thoại bấm nghe “tách” phát, điện bắt đầu hoạt động, nước từ các ống cũng kịp phun lên các luống măng tây. “Các ống dẫn nước và công nghệ bơm tưới nhỏ giọt này mình nhập từ Israel về nên không còn “phơi nắng” tưới trước khô sau như ngày xưa nữa. Rau măng tây xanh thì cũng nâng lên 50.000đ/kg. Có công ty bên Hà Lan họ về đây thị sát và khuyến cáo nếu trồng theo hướng Oganic của họ thì giá sẽ lên 100.000đ/kg, bao tiêu sản phẩm luôn”. Anh Hùng Ky lại khoe với khách.
Thấy Hùng Ky “làm đâu trúng đó”, làng Tuấn Tú bắt chước theo. Anh thành lập luôn Hợp tác xã và giữ chân giám đốc. Giờ thì có 62 gia đình “bám lưng” ông giám đốc Hợp tác xã Tuấn Tú này để vừa tạm ứng vốn vừa bán rau măng tây. Còn huyện Ninh Phước thì lâu lâu lại gọi điện gửi: “Ông xóa giúp cho 10 hộ nghèo trong năm nay nhé”. “Xóa giúp” tức là bày cho dân trồng măng tây xanh thôi. HTX Tuấn Tú của Hùng Ky vừa hướng dẫn trồng, chăm bón lại bao tiêu luôn sản phẩm thì có gì sướng bằng. Mỗi tháng, chỉ 62 xã viên ở đây đã bán cho HTX 1 tỷ đồng tiền rau măng tây đủ biết làng Tuấn Tú khấm khá cỡ nào. Nhiều người tận Phú Yên, Khánh Hòa vào đây học tập kinh nghiệm trồng măng tây xanh. Loại “rau vua” này không chỉ làm thay đổi vùng cát Ninh Thuận mà có thể mở một lối ra cho cả vùng cát miền Trung.
Đang say chuyện, anh Ky cắt ngang: “Đã đến giờ rồi anh à”. Nói đoạn anh chất măng tây lên cốp chiếc xe ô tô để chở ra trạm cân. Chiếc xe để lại một vệt bụi mỏng trên đường làm tôi nhớ đến câu chuyện con nhông mà Ky đã kể ở đầu buổi gặp. “Ông xóa nghèo” đã tậu được cả ô tô hơn tỷ bạc. Kỳ nhân là đây chứ đâu!