Kỷ niệm 30 năm thành lập phường An Mỹ: Hồn phố trên phủ lỵ xưa

PHƯƠNG GIANG 10/01/2014 08:55

An Mỹ - nơi đặt phủ lỵ Tam Kỳ xưa đang khoác lên mình một màu áo mới với nhịp sống đô thị sôi động. Những đổi thay hôm nay là dấu ấn sau 30 năm thành lập giữa lòng thành phố trẻ.

CÂY đa nơi đặt nhà bia Di tích phủ lỵ Tam Kỳ xưa vẫn trầm yên tỏa bóng, trở thành chứng nhân cho hành trình đi qua gian khó của đất và người An Mỹ. Đã 105 năm, kể từ lúc những viên gạch đầu tiên đặt xuống phủ đường cũ, đã có biết bao thế hệ, bao thăng trầm mà đất và người An Mỹ đã trải qua. Lần theo sử liệu, lỵ sở Hà Đông được dời về Tam Kỳ, đổi thành phủ Tam Kỳ từ năm Thành Thái thứ 18 (năm 1906), đặt phủ đường ngay tại mảnh đất nay thuộc khuôn viên trụ sở UBND phường An Mỹ. Từ đó, những hào hùng của một thời tranh đấu âm vang từ cuộc biểu tình chống sưu thuế năm 1908, thượng cờ nghĩa ủng hộ vua Duy Tân năm 1916... Qua hai cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc, An Mỹ tiếp tục là mảnh đất ghi dấu tinh thần bất khuất, ngoan cường. Tiêu biểu là cuộc tiến công đánh chiếm tỉnh đường Quảng Tín vào Tết Mậu Thân 1968, cao trào tổng khởi nghĩa giải phóng thị xã Tam Kỳ ngày 24.3.1975...

Một góc đường Hùng Vương, tuyến phố sầm uất nằm trên địa bàn phường An Mỹ.
Một góc đường Hùng Vương, tuyến phố sầm uất nằm trên địa bàn phường An Mỹ.

Hồi ức thời gian khó

Đi qua chặng dài lịch sử, tháng 1.1984, phường An Mỹ chính thức được thành lập, trên cơ sở đơn vị hành chính khối phố 5 phường 1 (ấp Hòa An Khuôn), thuộc đội 13 Hợp tác xã Tam Thạnh cũ. Khi mới thành lập, phường chỉ có khoảng 890 hộ, với 5.100 nhân khẩu, được chia thành  17 tổ dân phố, 10 cụm dân cư. Nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp, số ít làm công nhân các công ty, xí nghiệp và là cán bộ hưu trí. Ông Nguyễn Như Lâm (93 tuổi) - nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường An Mỹ kể: “Hồi trước, ruộng còn liền nhà, dân cư thưa thớt, người không làm ruộng thì cũng phần lớn là cán bộ hưu trí về ở. Phường An Mỹ là gò đất cao, cây lúa cây khoai nhọc nhằn mọc lên, lưng người còng xuống vì gánh nước tưới”. Hơn 64ha đất canh tác, gần 1.000 nhân khẩu làm nông nghiệp là nét phác họa cho bức tranh gian khó những ngày đầu. Ông Lâm thời bấy giờ là cán bộ hưu trí, dãy phố Nguyễn Thái Học nơi ông ở cũng phần lớn là nhà giáo, cán bộ về hưu. “Thời gian đầu, nghề làm làm chổi đót, chiếu cói, thảm trải nền nhà, giỏ mây, làm lốp xe, thu mua dừa quả để sản xuất giỏ đựng ấm tích, sản xuất dầu dừa... là những công việc mà nhiều gia đình hưu trí tham gia, giải quyết việc làm, tạo thu nhập tương đối. Nhưng rồi hàng nhựa, hàng từ các địa phương khác theo cơ chế thị trường tràn về, nghề tiểu thủ công nghiệp cũng dần mất đi theo thời gian” - ông Lâm nhớ lại.

Ông Nguyễn Như Lâm, một nhân chứng sống của những đổi thay ở phường An Mỹ.
Ông Nguyễn Như Lâm, một nhân chứng sống của những đổi thay ở phường An Mỹ.

Ngày đầu thành lập, đời sống khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, không có chợ, đường sá, điện thắp sáng chưa hoàn thiện, những bước đi đầu tiên của phường An Mỹ trên muôn vàn chông gai. Chỉ duy nhất tuyến phố Phan Châu Trinh nằm trên trục quốc lộ 1 là tập trung dân cư, có điện thắp sáng và rải rác một số cửa hàng dịch vụ. Các tuyến đường trong nội phường như Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ, Tiểu La, Trần Quý Cáp tuy là đường đô thị nhưng cũng chỉ là đường đất cát, đất đỏ, đá cấp phối, toàn bộ hệ thống các đường kiệt, hẻm là đường đất. Nhà tranh, nhà tôn như những nét nhòe giữa phố, khi chất “làng” còn in đậm khó khăn...

Cây đa và Nhà bia Di tích phủ lỵ Tam Kỳ.
Cây đa và Nhà bia Di tích phủ lỵ Tam Kỳ.

Nhịp sống mới

Với 11.000 nhân khẩu thường trú, 7.000 nhân khẩu tạm trú thường xuyên, công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội, duy trì an ninh luôn được phường An Mỹ chú trọng với. Trung tá Huỳnh Nhật Vinh - Trưởng Công an phường An Mỹ cho biết: “Với nhiều mô hình nhân dân, sinh viên tự quản về an ninh trật tự, phòng - chống tội phạm, công tác duy trì, ổn định an ninh tại phường An Mỹ đã đạt được những kết quả tích cực. Ý thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân, sinh viên và người lao động tạm trú trong việc phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm được nâng cao, là thành quả của nỗ lực bảo đảm an toàn xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn”.

Ba mươi năm thành lập, tạo nên bước chuyển mình hôm nay là muôn vàn nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường An Mỹ. Một trong những bước ngoặt để An Mỹ thay da đổi thịt là thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh tỷ trọng thương mại dịch vụ lên hơn 75%, tiểu thủ công nghiệp hơn 24%, hạ tỷ lệ nông nghiệp đô thị xuống dưới 1%. Đặc thù khu vực trung tâm TP.Tam Kỳ là tập trung nhiều cơ quan, trường học với lực lượng học sinh, sinh viên, người lao động cư trú làm ăn học tập số lượng lớn. Đây chính là thế mạnh để phường An Mỹ bắt kịp nhịp sống đô thị hiện đại, tạo nên diện mạo mới. Ông Trương Ngọc Hải - Chủ tịch UBND phường An Mỹ chia sẻ: “Sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế là điều kiện tạo nên những thành tựu phát triển của phường An Mỹ. Phát huy thế mạnh về thương mại dịch vụ, số hộ cá thể kinh doanh buôn bán trên địa bàn đều tăng hằng năm. Tính riêng năm 2013, phường có hơn 1.600 hộ kinh doanh cá thể, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 15 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách do địa phương quản lý hơn 3 tỷ đồng”.

Giữa lòng phường An Mỹ hôm nay, tuyến phố Hùng Vương, Phan Châu Trinh sầm uất đang là biểu trưng cho những sôi động của đô thị hiện đại. Dáng dấp đô thị trẻ hình thành bằng hàng loạt các dự án lớn đã được xây dựng như đường Hùng Vương, trường Đại học Quảng Nam, các khu dân cư số 1, số 5, số 8, trường Cao đẳng Y tế và những công trình được xây dựng khang trang bề thế. Hệ thống giáo dục với các trường đại học, cao đẳng và các cấp học xây dựng theo mô hình chuẩn quốc gia là điểm tựa tạo nên nguồn nhân lực trong tỉnh và các địa phương lân cận. Công tác gắn liền phát triển kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng với phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, văn hóa trong kinh doanh, buôn bán, giao tiếp, ứng xử... luôn được chính quyền chú trọng, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình. Qua hơn 15 năm triển khai phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần ở phường An Mỹ đã có những khởi sắc; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,3% dân số toàn phường. Bên cạnh đó, công tác đền ơn đáp nghĩa được duy trì, tinh thần tương thân, tương ái được dấy lên mạnh mẽ.

Đi qua gian khó, phủ lỵ Tam Kỳ xưa - An Mỹ hôm nay vẫn đang nỗ lực vươn mình, hòa nhịp đập sôi động của đô thị mới. Một diện mạo mới, một sức sống mới đang được khoác lên bằng những bước tiến vững chắc...

PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỷ niệm 30 năm thành lập phường An Mỹ: Hồn phố trên phủ lỵ xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO