Nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Ngọc Truyền - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy xung quanh công tác nội chính và phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Ngọc Truyền cho biết:
Từ ngày thành lập đến nay, trải qua 50 năm, ngành Nội chính Đảng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Đảng luôn khẳng định vai trò, vị trí không thể thiếu của ngành Nội chính trong tham mưu cho Đảng và cấp ủy các cấp về công tác nội chính, quốc phòng - an ninh, cải cách tư pháp và đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng mà Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã xác định.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Truyền. |
* Đồng chí có thể điểm lại những kết quả nổi bật đạt được của Ban Nội chính Tỉnh ủy trong thời gian qua?
- Đồng chí Nguyễn Ngọc Truyền: Sau khi đi vào hoạt động, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, ngành và địa phương rà soát những vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp xã hội quan tâm. Theo đó, đã tham mưu cho thường trực cấp ủy và các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm 17/22 vụ, được dư luận xã hội đồng tình. Đáng chú ý là vụ án tàng trữ và vận chuyển hàng cấm của ông Nguyễn Mười; hay như vụ án kéo dài nhiều năm của ông Lương Hạnh ở Đại Lộc về tàng trữ, sử dụng trái phép chất nổ; vụ thi hành án dân sự ở Phú Ninh... Bên cạnh đó, công tác tiếp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được hướng dẫn, giải thích và xử lý kịp thời, tạo niềm tin cho tổ chức, công dân khi đến làm việc, trao đổi thông tin với Ban Nội chính.
Song song với công tác nội chính, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được đơn vị xác định là nhiệm vụ khó và phức tạp, thuộc thẩm quyền chỉ đạo của thường trực cấp ủy, do đó vai trò cơ quan tham mưu của Ban Nội chính là đặc biệt quan trọng. Với nhiệm vụ được giao, đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí và tình hình thực tế của địa phương, để theo dõi, tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo trên tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo vệ công lý nhằm đấu tranh với các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp.
Ban Nội chính Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ thị xã Điện Bàn về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng năm 2015. |
Ban Nội chính đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng; kế hoạch kê khai, kiểm soát kê khai và minh bạch tài sản để làm cơ sở trong công tác chỉ đạo phòng chống tham nhũng cho các cấp ủy trong tỉnh. Ngoài ra, để đấu tranh có hiệu quả với các hành vi tham nhũng, Ban Nội chính cùng với các cơ quan chức năng ký kết quy chế phối hợp nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn ngừa tình trạng tham nhũng. Hiện nay, ban đang hoàn thành đề án “Phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020” trình Tỉnh ủy xem xét, quyết định trong thời gian tới.
* Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra đối với công tác phòng chống tham nhũng, theo đồng chí, cần phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ gì?
- Đồng chí Nguyễn Ngọc Truyền: Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI xác định: “Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành động tham nhũng, lãng phí, bao che... Các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch chỉ đạo và chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí ở đơn vị mình phụ trách”.
Thời gian qua ngành Thanh tra tỉnh đã góp phần tích cực vào việc kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng. Trong ảnh: Thanh tra huyện Duy Xuyên tiếp xúc với người dân để nắm bắt tình hình. |
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của nghị quyết, trước hết, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác nội chính và phòng chống tham nhũng. Chủ động phòng ngừa và tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức cơ quan, đơn vị, địa phương mình; lấy kết quả công tác phòng chống tham nhũng làm thước đo đánh giá phẩm chất năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành trách nhiệm của người đứng đầu. Cần nâng cao hiệu quả phát hiện xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, giải quyết và xử lý tố cáo, tin báo tội phạm, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời có cơ chế bảo vệ, khen thưởng xứng đáng người dũng cảm tố cáo tham nhũng và xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống hãm hại người khác.
Bên cạnh đó, cần chú trọng làm tốt công tác xây dựng chi bộ, cơ quan và các tổ chức đoàn thể vững mạnh làm nòng cốt trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan có chức năng về phòng chống tham nhũng đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, tinh thông nghề nghiệp.
* Nhiệm vụ đã được xác định, nhưng mấu chốt vẫn là giải pháp thực hiện, thưa đồng chí?
Trước hết, phải lấy kết quả công tác phòng chống tham nhũng làm thước đo đánh giá phẩm chất năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành trách nhiệm của người đứng đầu. Cần xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống hãm hại người khác. |
- Đồng chí Nguyễn Ngọc Truyền: Công tác nội chính nói chung và phòng chống tham nhũng nói riêng vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị do Đảng trực tiếp lãnh đạo, gắn liền với công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, Ban Nội chính phải chủ động phối hợp thường xuyên với các Ban xây dựng đảng và đơn vị liên quan để làm tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh, nâng cao ý thức cảnh giác, công tác sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, rà soát các hoạt động trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, nhằm kịp thời phát hiện những sai sót, lệch lạc trong các hoạt động quản lý..., đảm bảo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.
Cùng với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo thông qua các chỉ thị, nghị quyết đã ban hành của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính với các cơ quan, đơn vị trong khối nội chính để hoạt động thông suốt, hạn chế quan điểm khác biệt. Nhất là trong công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không để xảy ra tình trạng oan sai, không bỏ lọt tội phạm; xử lý nghiêm minh, theo đúng pháp luật.
- Xin cảm ơn đồng chí!
XUÂN NGHĨA (thực hiện)