Kỷ niệm 50 năm thành lập nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: Bước qua năm tháng gập ghềnh

QUỐC TUẤN 02/10/2017 12:52

Đi qua nửa thế kỷ với bao thăng trầm của thời cuộc, những thế hệ nghệ sĩ đam mê với tuồng xứ Quảng vẫn lặng lẽ nối tiếp nhau “giữ lửa” cho bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.

Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất trong lễ kỷ niệm 50 năm thành lập. Ảnh: Q.TUẤN
Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất trong lễ kỷ niệm 50 năm thành lập. Ảnh: Q.TUẤN

Một thời chưa xa

Trong thời điểm cuộc chiến tranh ngày càng leo thang ác liệt, tháng 7.1967, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập Đoàn tuồng Giải phóng (tiền thân của nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) tại xã Phước Lãnh (nay là Tiên Lãnh) huyện Tiên Phước với gần 30 anh chị em diễn viên. NSND Trần Đình Sanh - nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, ngày ấy mọi thứ phục vụ cho việc biểu diễn đều khó khăn, thiếu thốn. Chú Tư Bửu (NSƯT Trần Ngọc Tư) phải len lỏi xuống tận vùng ven thị xã Tam Kỳ để mua vải vóc may sắm phông màn, phục trang. Ra đời trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng đơn vị luôn được lãnh đạo và nhân dân địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động. Đơn cử như việc huy động được 12 bàn máy khâu cùng lúc ở thôn 1, xã Tiên Lãnh để may phục trang, phông màn liên tục trong hai tháng cho kịp lễ ra mắt.

Liên tục từ năm 1968 đến 1975, Đoàn tuồng Giải phóng có mặt trên các vùng giải phóng và các địa bàn giáp ranh như Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn, vùng ven Tam Kỳ… Có những lúc đoàn vừa đảm nhận nhiệm vụ biểu diễn vừa chiến đấu. Những mất mát là điều không thể tránh khỏi khi 2 diễn viên Nguyễn Văn Bích và Phạm Thị Mộng hy sinh trên đường lưu diễn ở xã Sơn Trung (nay là Quế Hiệp, Quế Sơn) bởi bom Mỹ. Mặc dầu vậy, những diễn viên tài hoa không một lần chùn bước, trống tuồng của đơn vị chưa một ngày tắt tiếng. Tháng 3.1975, sau khi Quảng Nam - Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng, đoàn đã tiếp tục theo chân đoàn quân nam tiến vào biểu diễn ở Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa… cho đến hết chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mới quay về Đà Nẵng.

Từ năm 1976, đơn vị lấy tên là Đoàn Nghệ thuật tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng. Dù đang trong thời kỳ bao cấp nhưng có thể nói giai đoạn từ năm 1980 đến 1987 thực sự là những năm tháng hoàng kim của nghệ thuật tuồng nói chung và tuồng xứ Quảng nói riêng. NSND Trần Đình Sanh nhớ lại: “Năm 1981 đoàn biểu diễn dài ngày tại bắc miền Trung trong gần 4 tháng, mỗi vé lúc ấy chỉ có 3 hào nhưng có hôm thu đến 3.500 đồng/đêm diễn. Có đêm diễn ở nhà hát nhân dân Hoa Thành (Yên Thành, Nghệ An) khán giả vào chật ních sân bãi phải dừng bán vé vào cổng”. Dưới sự dìu dắt, chỉ đạo của những bậc thầy về nghệ thuật tuồng như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Tống Phước Phổ… những thế hệ diễn viên tuồng đầy tài năng của xứ Quảng thời điểm ấy gây tiếng vang lớn khắp miền Trung và trên cả nước.

Giữ tiếng trống tuồng

Những đổi thay của đất nước cũng đòi hỏi nghệ thuật tuồng phải có sự thích ứng để không bị chững lại. Tháng 6.1993, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được công bố quyết định thành lập. Dẫu cho nhiều trào lưu nghệ thuật mới dần du nhập vào nước ta thu hút sự quan tâm của công chúng thì tuồng xứ Quảng vẫn tìm được chỗ đứng nhất định. Tại các liên hoan trong nước và quốc tế (Singapore) trong thập niên 90 của thế kỷ trước, các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã liên tiếp đạt được thành tích xuất sắc. Đến nay, tổng cộng đơn vị đã có 6 người được phong tặng nghệ sĩ nhân dân, 24 người được phong tặng nghệ sĩ ưu tú. Đến năm 2015, nghệ thuật tuồng xứ Quảng tại Đà Nẵng đã được công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, có thể thấy rõ một thực trạng đáng buồn khi công chúng, nhất là giới trẻ thờ ơ với các bộ môn nghệ thuật dân tộc nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng. Ông Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết: “Đơn vị nhận thức rất rõ thực tế trên và đang áp dụng nhiều biện pháp để giúp nghệ thuật tuồng vẫn “đỏ đèn” trong lòng công chúng, rõ nhất là việc đưa tuồng xuống phố trong thời gian qua”. Ông Tuấn cũng cho biết thêm, hiện tại doanh thu của đơn vị vào khoảng gần 1 tỷ đồng/năm, một con số không lớn nhưng cũng rất đáng khích lệ trong bối cảnh các bộ môn nghệ thuật dân tộc đang chật vật tìm chỗ đứng. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - Vương Duy Biên chia sẻ, ông cũng phần nào hiểu được những thách thức mà Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh gặp phải bởi cũng từng hoạt động nghệ thuật. Đồng thời lưu ý đơn vị phải giữ chân bằng được thế hệ diễn viên trẻ và thổi ngọn lửa nhiệt huyết vào họ bởi đây là hạt nhân trong tương lai để gìn giữ bản sắc tuồng xứ Quảng.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỷ niệm 50 năm thành lập nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: Bước qua năm tháng gập ghềnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO