Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông là tuyến chi viện chiến lược, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.
Tháng 1.1959, Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết 15, xác định rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân...”. Thực hiện quyết tâm của Đảng, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết “Mở đường giao thông chiến lược để tiếp tế cho cách mạng miền Nam”. Tháng 5.1959, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tiểu đoàn 604 mở đường Trường Sơn, tiền thân của Đoàn 559, đường Hồ Chí Minh lịch sử sau này. Tiếp đó, vào tháng 7.1959, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tiểu đoàn 603 vận tải biển, mang biệt danh “Tập đoàn đánh cá sông Gianh” (tiền thân của Đoàn 759, đoàn tàu không số sau này). Lúc đầu “Tập đoàn đánh cá sông Gianh” đóng ở thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cán bộ chiến sĩ hầu hết là người miền Nam tập kết ra Bắc được điều động về. Nhiệm vụ trước mắt là đóng thuyền gỗ, mua ngư lưới cụ, trang bị cần thiết, ngày ngày ra khơi đánh cá, rèn luyện làm quen sóng gió, hôm nào ở bến thì học tập chính trị, khí tượng thủy văn, học bao gói che đậy hàng hóa sao cho không bị ướt và hoen gỉ... Nhiệm vụ tuyệt mật nhưng anh em đoán rằng mình sắp được vào Nam nên rất hăng say phấn khởi.
Ảnh tư liệu về chiếc tàu không số mang mật danh 56. |
Mở đường thắng lợi
Ngày 16.1.1961 (đêm 30 Tết Canh Tý), được lệnh Quân ủy Trung ương, chiếc thuyền gỗ đầu tiên chở 5 tấn vũ khí rời cửa Sông Gianh bí mật đưa vũ khí vào khu 5, điểm tập kết là bến Hố Chuối ở chân đèo Hải Vân. Tỉnh ủy Quảng Nam cử đồng chí Nguyễn Chơn, lúc đó Trưởng ban Quân sự tỉnh đi đón, nhưng chờ đợi cả tháng trời không thấy thuyền đâu. Sau này mới biết, trên đường đi thuyền gặp gió mùa, sóng lớn, thuyền bị trôi dạt vào Cù Lao Ré (Lý Sơn, Quảng Ngãi). Nhằm giữ bí mật, thuyền trưởng quyết định thả hàng xuống biển để phi tang. Một số thủy thủ bị tàu địch bắt nhưng có giấy tờ hợp lệ và địch không khai thác được gì nên bí mật của con đường chưa bị lộ. Thế là chuyến vận tải đầu tiên không thành.
Tình thế thực sự khó khăn, trong khi yêu cầu chi viện miền Nam đang đòi hỏi. Thực hiện chỉ thị của Trung ương, giữa năm 1961 các tỉnh ven biển ở Nam Bộ lần lượt đưa được 5 thuyền gỗ vượt biển ra Bắc thành công. Để kịp thời chi viện cho miền Nam, ngày 23.10.1961 Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải biển từ cơ sở Tiểu đoàn 603 và 20 cán bộ, chiến sĩ miền Nam vừa vượt biển ra Bắc, làm nhiệm vụ vận chuyển chiến lược theo đường biển chi viện cho cách mạng miền Nam. Sau một thời gian chuẩn bị, tối ngày 8.4.1962, Đoàn 759 cử một chiếc thuyền gỗ vượt biển vào Nam làm nhiệm vụ trinh sát mở đường. Sau 10 ngày vất cả căng thẳng, đến 18.4.1962 thuyền đến Cà Mau an toàn.
Sau khi chuyến thuyền trinh sát mở đường thắng lợi, Đoàn 759 liên tiếp tổ chức các thuyền của Đội 1 (gọi là Phương Đông I) rồi Phương Đông II, Phương Đông IV, Phương Đông V... lần lượt bí mật vượt biển mang theo hàng chục tấn vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho miền Tây Nam Bộ, đáp ứng kịp thời vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang các vùng giải phóng sau lưng địch, phát triển lực lượng đánh địch mở rộng vùng giải phóng. Trong điều kiện đi độc lập dài ngày trên biển, đối phó với sóng to gió bão bất ngờ và tàu địch dò xét, cán bộ chiến sĩ vẫn bình tĩnh xử lý khôn khéo các tình huống, quyết tâm đưa vũ khí vào Nam. Có chuyến anh em phải tự tìm bến bãi, có lần phải đi hàng tháng trời nhưng vừa về là có lệnh đi tiếp anh em vẫn sẵn sàng… Đầu năm 1964, tình hình cách mạng miền Nam phát triển, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ vận tải chi viện đường biển cho Bộ Tư lệnh Hải quân đảm nhiệm và quyết định đổi tên Đoàn 759 thành Đoàn 125 vận tải biển. Thời gian này hàng chục con tàu không số được đóng mới to hơn, sức chở từ 50 tấn đến 100 tấn, tốc độ nhanh, sức chịu đựng sóng gió tốt… Nhờ đó, từ năm 1962 đến 1965, đoàn tàu không số đã bí mật vận chuyển được 90 lượt, đưa 4.000 tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men và nhiều cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ ngụy.
Tất cả vì miền Nam
Theo tài liệu lịch sử lưu tại Bảo tàng Hải quân Việt Nam, từ tháng 10.1962 cho đến 4.1975, đoàn tàu không số D759 và sau này là Đoàn 125, Lữ đoàn 125 Hải quân đã vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam 16.300 tấn vũ khí, 50 xe tăng, xe bọc thép và pháo lớn, nhiều loại hàng hóa quân sự, cùng hơn 18.740 cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường. |
Cuối năm 1964 đầu năm 1965, Mỹ tiến hành Chiến tranh cục bộ, mở rộng đánh phá ra miền Bắc. Mỹ đã tập trung số lượng hải quân lớn nhất của Hạm đội 7 đến Việt Nam gồm 65 tàu chiến và tàu đổ bộ, huy động 50% số tàu tuần dương khu trục, 42% số tàu sân bay, làm cho con đường vận tải bí mật của đoàn tàu không số hết sức khó khăn. Đặc biệt, khi chiếc tàu không số do thuyền trưởng Lê Văn Thêm, chính trị viên Phan Văn Bảng chỉ huy đưa 100 tấn vũ khí vào vịnh Vũng Rô tỉnh Phú Yên bị địch phát hiện, dù hàng hóa đã được cất giấu, thủy thủ đã kịp thời hủy tàu, nhưng bí mật của con đường vận tải đường biển đã bị lộ. Do đó Hạm đội Mỹ đã báo động cho tất cả lực lượng tàu của chúng triển khai kế hoạch ngăn chặn; đồng thời điều động thêm tàu chiến, lập thêm các duyên đoàn hải quân ngụy, lắp đặt thêm trạm ra đa đối hải, tăng cường máy bay trinh sát… Địch đã tạo thành một thế trận phong tỏa dày đặc từ vùng biển giới tuyến 17 đến Cà Mau, từ vùng tiếp giáp hải phận quốc tế đến các cửa biển ở miền Nam.
“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn” Có một thời gian Mỹ ngụy phong tỏa gắt gao, ta gặp nhiều tổn thất. Bộ Tư lệnh Hải quân xin ý kiến Quân ủy Trung ương cho phép thay đổi phương thức vận chuyển từ bí mật sang bán công khai và hợp pháp. Được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý, những cán bộ chiến sĩ tàu không số quê miền Nam, có kinh nghiệm được chuyển sang sử dụng những chiếc thuyền gỗ đóng ở miền Bắc nhưng theo kiểu thuyền đánh cá của ngư dân Nam Bộ. Thuyền được gắn biển đăng ký các tỉnh miền trong, bí mật cất giấu vũ khí, thủy thủ giả làm ngư dân, vượt ra hải phận quốc tế, rồi trà trộn vào ngư trường đánh bắt của ngư dân miền trong, chờ lúc thuận lợi cập bến đưa vũ khí vào vùng giải phóng. Nhờ vậy mà từ năm 1965 đến 1972 ta đã tổ chức được hàng trăm lượt tàu vận chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí đạn dược vào Nam. |
Càng khó khăn càng phải tìm cách khắc phục. Bởi, với tuyến vận tải này, chỉ một con tàu với 10 người, thời gian 20 ngày, nếu thông suốt sẽ đưa được hàng chục tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam, bằng 1.500 người gùi cõng trên đường Trường Sơn trong thời gian 5 tháng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quân ủy Trung ương “Chỉ cần một nửa số chuyến đi vào được bến là thắng lợi...” , từ năm 1965 đến năm 1972 những con tàu không số vẫn tiếp tục vượt biển làm nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho miền Nam trong điều kiện hết sức khó khăn ác liệt, hiểm nguy. Gần như thời gian này qua giới tuyến 17 là gặp địch, nhưng cán bộ, thủy thủ các tàu luôn mưu trí, dũng cảm, tìm cách lừa địch để vượt qua. Nhưng cũng có nhiều chuyến đi phải quay trở lại; nhiều chuyến phải qua nước bạn, ra hải phận quốc tế đợi hàng tháng trời, chỉ ăn bằng lương khô với nước nhưng quyết chờ thời cơ thuận lợi đưa vũ khí vào bờ. Có lần tàu ta đã vào gần bến thì bị địch phát hiện, tập trung lực lượng bao vây bắt sống, anh em quyết tâm đánh trả phá vòng vây, bảo vệ tàu và vũ khí, thà hy sinh chứ quyết không để người và vũ khí rơi vào tay giặc. Đặc biệt, có lần tàu ta bị địch vây ráp quá đông, cuộc chiến đấu không cân sức. Anh em đã anh dũng cảm chiến đấu đến người cuối cùng và lao thẳng tàu vào tàu địch, điểm hỏa bộc phá hàng trăm ký để tiêu diệt và anh dũng hy sinh.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975, những con tàu không số tiếp tục nhận mệnh lệnh vận chuyển quân vào chiến trường bằng đường biển. Đặc biệt, nhiều tàu được lệnh tiếp tục vượt biển đưa các đội đặc công của Hải quân và Quân khu 5 ra giải phóng các đảo, góp phần vào thành công của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30.4.1975.
Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam”, mặc dù Mỹ ngụy dùng trăm phương nghìn kế để ngăn chặn; mặc dù hàng chục con tàu và hàng trăm đồng chí đã hy sinh hay mang trong mình đầy thương tích, nhưng những điều đó không thể làm nản lòng cán bộ, chiến sĩ tàu không số. Chiếc này ra đi chưa về hoặc không về nữa, chiếc khác lại tiếp tục ra đi. Trước lúc lên đường, mọi người thanh thản làm lễ truy điệu sống, sẵn sàng lên tàu chi viện cho miền Nam.
Có thể nói, bao nhiêu chuyến đi của đoàn tàu không số là bấy nhiêu câu chuyện thần kỳ về tinh thần mưu trí dũng cảm, sức chịu dựng gian khổ hiểm nguy, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Mỗi chuyến đi, mỗi bến bãi, mỗi tên người là một chiến công, sự tích anh hùng đã và sẽ mãi mãi lưu truyền trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Tất cả kỳ tích chiến công ấy xâu chuỗi lại đã làm nên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, con đường lịch sử, con đường huyền thoại.
PHAN VĂN CÚC