(QNO) - Nửa tháng sau ngày Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh lẫm liệt, trên trang nhất báo Quân đội nhân dân số ra ngày 31/10/1964, xuất hiện bức ảnh chụp anh Trỗi tại pháp trường khám Chí Hòa (Sài Gòn) của Hãng thông tấn AFP (Pháp) và bên dưới là một bài viết khá ấn tượng, thuộc thể loại tùy bút chính luận, có tựa đề “Muôn năm tinh thần Nguyễn Văn Trỗi”.
“Anh đã thắng, thắng oanh liệt, thắng vẻ vang”
Bài báo mở đầu bằng việc trân trọng giới thiệu với độc giả về một bức ảnh ngay phía trên với những lời văn chất chứa niềm tự hào: “Hãy nhìn xem hình ảnh trên đây, hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi trước khi bị quân thù xử bắn, hình ảnh của một người cách mạng, trước cái chết vẫn ngẩng cao đầu, nét mặt vô cùng tin tưởng, đôi mắt trong sáng lạ thường. Anh hiên ngang bước vào cái chết mà nói lên tất cả ý nghĩa của lẽ sống con người”.
Tiếp đó, bài báo đi sâu luận giải khá sâu sắc về ý nghĩa của sự sống và cái chết với những dẫn chứng đầy thuyết phục về các gương nghĩa sĩ Lê Lai, Trần Bình Trọng, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương... cùng khí phách hào hùng của các chiến sĩ cách mạng Hoàng Văn Thụ, Võ Thị Sáu trước lúc hy sinh.
Và, ngợi ca hành động anh hùng của người chiến sĩ biệt động trẻ tuổi quê Quảng Nam: “Còn bây giờ, trên mảnh đất miền Nam nóng bỏng, anh Nguyễn Văn Trỗi, người thợ trẻ đang kêu gọi chúng ta hãy nhớ lấy lời anh. Anh dũng cảm bước ra bãi bắn, giữa hai hàng đao phủ. Đây không chỉ là dũng cảm trước sự đớn đau về thể xác, biết coi thường những hy sinh của mình. Trước hết, ở đây là sự dũng cảm về chính trị của con người biết nhìn thẳng vào mục tiêu cách mạng của mình, tin tưởng rằng sẽ thắng và không hề cảm thấy lẻ loi ngay giữa vòng vây kín của kẻ thù”.
Bài báo một lần nữa nhắc độc giả xem lại bức ảnh độc đáo mà tự nó đã nói lên bao điều, không cần một dòng chú giải: “Hãy nhìn lên bức ảnh, anh Trỗi, trong những giây phút cuối cùng giữa sự sống và cái chết, đã đứng thẳng lên tấn công cả một chế độ thù địch ngay trước mũi súng của nó, cái chế độ đang cực kỳ suy yếu, một chế độ mà son phấn giả dối không át nổi sự hôi thối rữa nát bên trong… Anh Nguyễn Văn Trỗi! Anh đã thắng, thắng oanh liệt, thắng vẻ vang”.
Tiếc thương anh Trỗi, bài báo nhắn nhủ với người anh hùng vừa nằm xuống những lời khá xúc động và chân thành: “Là một người thợ bình thường và giản dị, chắc khi sống anh đâu có nghĩ đến bia đá tượng đồng. Dẫu sao, đến nay, xin phép anh cho chúng tôi được dựng bia anh trong con tim chúng tôi để ghi khắc những lời anh dặn dò”.
Khẳng định “Những bọn phản dân hại nước, chết là hết, xã hội đã đào thải những cặn bã đó đi trong quá trình đấu tranh để phát triển của mình. Lịch sử cũng đã bao lần nhắc nhở, nếu sự phản bội đã cứu sống một vài kẻ đào ngũ thì nó lại tước hết tất cả lẽ sống của họ”, bài báo nhấn mạnh: “Còn anh Trỗi của chúng ta, anh đã hiến dâng cả cuộc đời cho cách mạng, nên anh sống mãi với non sông Tổ quốc, với đồng chí đồng bào”.
Bài tùy bút chính luận “Muôn năm tinh thần Nguyễn Văn Trỗi” kết thúc bằng một định đề luôn đúng cho muôn thuở, muôn thời: “Ai hết lòng phục vụ nhân dân, người đó sẽ bất diệt!”.
Đại thụ của báo chí cách mạng Việt Nam
Điều khá thú vị, tác giả bài tùy bút chính luận độc đáo nêu trên cũng lại là một người Quảng và cùng quê với anh Trỗi: Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng.
Nhà báo Phạm Phú Bằng sinh năm 1930 trong một gia đình danh gia vọng tộc ở làng Đông Bàn, huyện Diên Phước (nay thuộc xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn). Cụ nội (cố) là Tiến sĩ, Thượng thư Phạm Phú Thứ (1821 - 1882) - nhà ngoại giao, nhà canh tân, nhà văn hóa lớn của đất nước. Cha là Cử nhân Phạm Phú Tiết - nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Liên khu 5 và là nhà nghiên cứu nghệ thuật tuồng có tiếng.
Năm 1945, đang là học sinh Cứu quốc, Phạm Phú Bằng gia nhập Giải phóng quân, trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 101 - Trần Cao Vân chiến đấu ở nội thành Huế.
Ông từng là thành viên “Tòa soạn tiền phương” của Báo Quân đội nhân dân tại căn cứ địa Mường Phăng, mặt trận Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Phạm Phú Bằng được Đảng và quân đội cử đi đào tạo nghề báo tại một đại học danh tiếng ở nước ngoài. Ông có kiến thức uyên bác, thông thạo 4 ngoại ngữ (Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc).
Thời điểm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, nhà báo Phạm Phú Bằng là phóng viên Phòng Thời sự quốc tế của Báo Quân đội nhân dân. Sự ra đời của bài báo “Muôn năm tinh thần Nguyễn Văn Trỗi”, với ông là điều khá bất ngờ.
Phạm Phú Bằng cho hay: “Số báo ngày 31/10/1964 đã trình bày xong, chuẩn bị chuyển đi nhà in, thì gần tối, tòa soạn nhận được từ Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) bức ảnh anh Trỗi tại pháp trường do phóng viên Hãng thông tấn AFP chụp.
Lập tức, Ban Biên tập quyết định bóc bài đã trình bày bên dưới măng-sét, để đăng bức ảnh và yêu cầu có một bài chính luận tùy bút đi kèm. Đây là thể loại tôi từng viết, và cũng có thể vì anh Trỗi cùng quê tôi nên tôi được phân công viết bài này.
Trong suốt tháng 10 năm ấy, sự kiện Nguyễn Văn Trỗi đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Nhưng khi nhìn bức ảnh, mới thấy nó có sức tác động ghê gớm. Hình ảnh người thanh niên trẻ trong bộ đồ trắng, cánh tay bị trói gập đằng sau, nhưng tư thế hiên ngang, vẻ mặt bình thản, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng… Đối lập lại là đám quân lính vây quanh anh với đầy súng ống, mũ sắt nhưng dáng vẻ lấm lét, cúi đầu...
Có thể do đề tài và tâm lý bị kích động, tôi viết một mạch trong khoảng 40 phút. Tôi viết xong là nộp bài ngay, không còn thời gian đọc lại”.
Cũng xin được nhắc lại rằng, bài báo “Muôn năm tinh thần Nguyễn Văn Trỗi” được viết ngay trước ngày nhà báo Phạm Phú Bằng lên đường vào Nam, làm Báo Quân Giải phóng: “Chỉ còn vài ngày nữa là lên đường. Tôi viết trong tâm trạng mình sắp vào chiến trường miền Nam, vào nơi anh Trỗi hy sinh. Đi không biết có ngày về, nên tôi coi bài viết là quà tặng gửi lại tờ báo mà mình gắn bó 14 năm, từ ngày đầu thành lập”.
Sau đó, Phạm Phú Bằng đã hành quân vượt dải Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây hùng vĩ vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Bài bút ký “Ra trận” rừng rực lửa chiến đấu của ông được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng thính giả đương thời, giục giã bao người lên đường vào Nam chiến đấu.
Sau năm 1975, Phạm Phú Bằng vẫn lại ba lô khoác vai, cây bút và cây súng lăn lộn khắp chiến trường biên giới Tây Nam và phía Bắc, máu và chữ trộn lẫn trên chiến hào.
Trái tim Đại tá, nhà báo đất Quảng Phạm Phú Bằng - một trong những đại thụ của báo chí cách mạng Việt Nam, ngừng đập vào sáng ngày 17/3/2024, sau 95 mùa xuân cuộc đời, 79 năm cầm bút và cầm súng!