Trải qua một năm chật vật với thực trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, nhưng ngành y Quảng Nam đã và đang nỗ lực để khắc phục khó khăn, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân...
Kết nối giữa các tuyến
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, riêng hệ thống y tế công lập, năm 2023 tiếp tục đảm bảo tính kết nối giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và giữa các tuyến.
Hầu hết cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến cơ bản đáp ứng theo diễn biến mô hình bệnh tật tại địa phương và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Tổng số bệnh nhân cấp cứu và vận chuyển thực hiện năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 5.415 ca. So với năm 2022, con số này giảm 355 ca bệnh. Sở Y tế cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thành gói thầu thuốc Generic năm 2023 cũng như 6 tháng đầu năm 2024 và quyết định trúng thầu theo thẩm quyền; thực hiện thẩm định, phê duyệt hơn 100 gói thầu thuốc, vật tư y tế... cho các cơ sở.
Ở góc độ y tế dự phòng, ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) cho biết, năm 2023 hầu hết bệnh truyền nhiễm gây dịch đều giảm so với năm trước.
Hoạt động phòng chống các bệnh không lây nhiễm được CDC Quảng Nam tiếp tục duy trì mạng lưới phòng chống tại tuyến xã với nguyên lý y học gia đình.
Các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, y tế trường học, phòng chống HIV/AIDS... đều đạt mục tiêu đề ra.
Các cơ sở y tế của Quảng Nam cũng đã trang bị nhiều máy móc hiện đại, như máy giúp thở đa chức năng, tim phổi nhân tạo (ECMO) cấp cứu tại giường trong hỗ trợ suy hô hấp cấp, thẩm tách siêu lọc máu (HDF-Online), máy chạy thận Nippro, máy xạ trị, CT Scanner 64 lát cắt, MRI và nhiều trang thiết bị hiện đại khác…
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai thành công các kỹ thuật điều trị mới như tim phổi nhân tạo ECMO, kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, xạ hóa đồng thời ung thư, xạ trị sử dụng CT mô phỏng...
Chính việc phát triển chuyên sâu từ cơ sở y tế tuyến cao nhất của tỉnh đã giúp giảm tình trạng chuyển viện ngoại tỉnh, đồng thời đảm bảo tính kết nối giữa các đơn vị y tế trên địa bàn...
Thách thức cần vượt qua
Hiện nay, Quảng Nam đang có 48,3 giường bệnh và 11,4 bác sĩ/vạn dân. Tuy nhiên, theo nhìn nhận từ các bệnh viện, hiện số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt đối với hệ điều trị của các đơn vị vẫn chưa đảm bảo phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.
Thiếu nhân lực nói chung, bác sĩ nói riêng là thực trạng tại các cơ sở y tế chuyên khoa và trung tâm y tế hiện nay. Quy định về kinh phí hỗ trợ đào tạo lấy từ nguồn ngân sách của đơn vị và đóng góp của viên chức là một trong những rào cản từ chính sách đối với việc cử cán bộ y tế đi đào tạo chuyên sâu.
Năm 2023 cũng là năm khó khăn của người lao động trong ngành y tế khi các đơn vị liên tục nợ lương cán bộ y tế.
Đại diện Sở Y tế cho biết, việc giao số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu đối với hệ điều trị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên từ đầu năm còn vướng mắc vì số thực hiện hưởng lương từ nguồn thu phụ thuộc vào tình hình thu dung điều trị của đơn vị, tình hình thanh toán bảo hiểm y tế.
Nhiều đơn vị bị hụt thu đã được linh hoạt giải quyết từ nguồn ngân sách cấp bù theo Nghị quyết số 36/2021 và Nghị quyết số 37/2022 của HĐND tỉnh.
Chưa kể, việc thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các đơn vị hụt thu sâu, nhất là cơ sở khám chữa bệnh tự chủ tài chính nhóm 3.
Năm 2023, ngân sách tỉnh đã cấp bổ sung kinh phí cho 16/19 cơ sở khám chữa bệnh tự chủ tài chính nhóm 3 để đảm bảo chi lương cho người lao động trong chỉ tiêu biên chế được giao.
Nhiều vướng mắc trong trình tự thủ tục phê duyệt, phân bổ dự toán mua sắm cũng như triển khai mua sắm tập trung trang thiết bị y tế đã gây nhiều khó khăn cho cơ sở y tế.
Việc mua sắm tập trung năm 2023 không triển khai được, do vậy ngành y tế không giải ngân được kinh phí bố trí dự toán mua sắm trang thiết bị y tế năm 2023.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2024. Luật được xây dựng lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Lần đầu tiên, mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia được áp dụng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và hội nhập quốc tế.
Kỳ vọng những thay đổi bắt đầu từ các chính sách hợp lý cho ngành y, sẽ tạo điều kiện tốt nhất trong việc chăm sóc sức khỏe người dân cũng như tạo thêm động lực để đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế... thêm gắn bó, tâm huyết với nghề.