Một cuộc hội ngộ đong đầy ký ức của những chứng nhân lịch sử, có nước mắt và nụ cười của các cựu chiến binh và thân nhân 75 liệt sĩ khiến nhiều người xúc động...
Tròn 70 năm chiến thắng Bồ Bồ, thị xã Điện Bàn đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia “Địa điểm chiến thắng Bồ Bồ” (xã Điện Tiến). Những ngày này, cuộc hội ngộ của những chứng nhân lịch sử diễn ra ngay chính đỉnh đồi 55 lộng gió của vùng Đất Sơn, xã Điện Tiến anh hùng.
Khi liệt sĩ... trở về
Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Huynh - Chính trị viên Tiểu đoàn 20, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng là người con làng Quan Hiện, Điện Hòa.
Ông nói, lần trở về nào cũng ngập tràn niềm vui xen lẫn ngậm ngùi. Mỗi năm gặp nhau là mỗi lần nhắn nhau cố gắng về thêm nhiều lần nữa. Với CCB này, lần trở về năm 1984 là lần ông nhớ nhất.
CCB Trần Văn Huynh SN 1931, tham gia cách mạng khi vừa tròn 17 tuổi. Năm 1954, ông là Chính trị viên Tiểu đoàn 20, tham gia trận đánh lịch sử đồi Bồ Bồ.
Khi trận đánh đang ở giai đoạn quyết liệt, ông bị trọng thương ở ngực và chân. Với tinh thần của người chỉ huy, ông đốc thúc anh em tiếp tục xông lên, một mình ở lại tự băng bó vết thương.
Nhưng rồi, ông ngất đi, khi tỉnh dậy thì xung quanh yên tĩnh. Trời vừa mờ mờ sáng, ông định trườn người đi thì nghe tiếng bước chân. Qua kẽ lá, ông thấy hai tàn binh địch đang đi xuống…
Ông Huynh đã bắt được hai tàn binh và buộc chúng khiêng ông xuống đồi, gặp toán du kích, ông chuyển giao tù binh và được đưa về một căn hầm bí mật ở làng Sùng Công.
Hơn một ngày sau ông được chuyển đến Trạm xá Trung Phước; rồi lại tiếp tục di chuyển vào Quy Nhơn lên tàu tập kết ra Bắc. Sau đó ông được đưa sang Rumani học tập và trở về tiếp tục cống hiến cho nước nhà.
CCB Trần Văn Huynh kể: “Năm 1984, lúc đó quê hương Điện Bàn còn khó khăn lắm, trên đỉnh đồi 55 um tùm cây dại và mặt đất còn ẩn chứa bom mìn. Nhưng Điện Bàn vẫn tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng Bồ Bồ. Đây là lần gặp mặt đầu tiên của các CCB Bồ Bồ sau những tháng năm quê hương chiến tranh loạn lạc.
Lúc ấy anh em đều còn trẻ nên tham dự khá đông. Tôi vì công tác xa nên về hơi trễ, vừa lúc buổi gặp mặt đang diễn ra xôn xao. Khi nghe ban tổ chức thông báo có đồng chí Trần Văn Huynh, nguyên chính trị viên tiểu đoàn cũng về dự thì cả hội trường rộ lên. Một đồng chí đứng lên nói: Chính trị viên Trần Văn Huynh của chúng tôi đã hy sinh trên vùng đất Bồ Bồ năm ấy rồi! Tôi liền bước ra: Không, tôi vẫn còn sống đây!”.
Cuộc trở về đầu tiên của các cựu binh Bồ Bồ năm ấy cứ sống động như mới hôm qua. Không chỉ riêng ông Huynh, Tiểu đoàn phó Đoàn Minh Tâm ngồi đó, mà khi thông qua danh sách liệt sĩ Bồ Bồ tập hợp được để anh em bổ sung, có đích danh liệt sĩ Đoàn Minh Tâm!
Những thời khắc
Năm 2014, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Bồ Bồ, tổng số nhân chứng trận đánh được mời tham gia là gần 200 người. Mười năm sau, năm 2024, lễ kỷ niệm 70 năm, danh sách còn 49 người.
Trong buổi lễ trang nghiêm và xúc động tại đỉnh đồi 55 năm 2014, giọng CCB Tiểu đoàn 20 Lê Văn Quán, người Điện Thọ, vẫn sang sảng kể lại từng chi tiết hướng tấn công mà mũi quân của ông phụ trách.
Ông Quán nói: “Tham gia trận đánh Bồ Bồ, tôi 27 tuổi. Đó là lần đầu tiên tôi trực tiếp tham gia một trận đánh lớn, lại ngay chính trên quê hương mình.
Nằm chờ nổ súng, tôi rất hồi hộp, nghe cả nhịp tim thập thình, nhưng khi mệnh lệnh truyền đi, trong tôi chỉ còn quyết tâm chiến thắng lao về phía trước. Những gương mặt đồng chí, đồng đội tôi trong trận đánh năm nào vẫn còn hiển hiện. Những người đã ngã xuống, hẳn cũng đang cùng về với chúng tôi trên đỉnh đồi 55 này…”.
Trước đó, năm 1994, kỷ niệm 40 năm chiến thắng, cuộc hẹn lần này có thêm anh Bộ đội Cụ Hồ uy nghiêm nắm chắc cây súng, tay giương cao tinh thần quyết chiến quyết thắng trên đỉnh đồi 55 rực rỡ cờ hoa. Đó là Tượng đài chiến thắng Bồ Bồ với nguyên mẫu của nhà điêu khắc Phạm Thanh Hồng.
Theo lời NSND Huỳnh Văn Hùng, lúc đó đang là Trưởng phòng VH-TT huyện Điện Bàn: Khoảng năm 1991, các đồng chí lãnh đạo của huyện cùng nhau ra Hà Nội, được sự hỗ trợ của CCB Trần Văn Huynh, lúc ấy đang công tác tại Bộ Xây dựng, được chủ trương xây dựng tượng đài và từng bước vận động hỗ trợ để có nguồn kinh phí.
Bồ Bồ lúc đó chưa được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Công trình tượng đài chính là thành quả của sự quyết tâm đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Điện Bàn và đặc biệt là sự đóng góp nghĩa tình của các CCB.
Cuối năm 2015, thân nhân và CCB Bồ Bồ lại hội tụ trên đỉnh đồi 55. Bên cạnh tượng đài chiến thắng còn có nhà bia tưởng niệm ghi danh 74 liệt sĩ…
Tên anh hóa thành mây trắng...
Những ngày còn sống, Đại tá Lê Hải Lý đã không ít lần ghé thăm Bồ Bồ. Năm ấy ông Lê Hải Lý ở Đại đội 22 trợ chiến Quảng Nam, ông bị thương nặng, được cô du kích Tứ Sơn khiêng ra. Mỗi lần về với đỉnh đồi 55, Đại tá Lý bần thần nhớ về các đồng đội đã ngã xuống, nhớ ơn cô du kích đã cứu sống mình.
Những năm 2014 - 2015, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hoàng Sa và CCB Trần Văn Huynh, đã dành rất nhiều ngày lội quanh khu đồi, cẩn trọng đọc tên từng ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ xã, lại tìm kiếm ở nghĩa trang nhân dân và các ngôi mộ rải rác trong các lùm cây ven đồi, đi vào làng tìm gặp các cụ già…
Trên tay CCB Trần Văn Huynh có một danh sách hơn 10 đồng đội hy sinh nhưng chưa tìm được hài cốt. Ông đã dò la tin tức nhiều nơi. Có lẽ, đồng đội ông đã hóa thân vào đất trời, trong tiếng thông reo rì rào trên sườn đồi 55 tươi xanh kia…
Năm 2021, trong lúc tình hình dịch COVID-19 vẫn còn rình rập, một cụ ông tuổi đã ngoài 90, được con trai chở đến Phòng VH-TT Điện Bàn. Đó là cụ Phan Tề, người xã Đại Hòa, đem đến một bản photo giấy báo tử, có công chứng, ghi: “Liệt sĩ Phan Tuyền Phong - sinh năm 1927, nguyên quán xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, chức vụ Chính trị viên Đại đội. Liệt sĩ Phan Tuyền Phong đã chiến đấu và hy sinh trong trận đánh tại cứ điểm Bồ Bồ vào ngày 19/7/1954”.
Cụ Tề bùi ngùi: “Anh trai tôi, chỉ còn lại tấm giấy báo tử này, anh ấy bây giờ nằm đâu, gia đình chưa tìm thấy. Chỉ mong, tên anh được lưu trên tấm bia ghi danh liệt sĩ ở đồi 55 Bồ Bồ…”.
Vậy là, trên tấm bia ghi danh liệt sĩ Bồ Bồ, có thêm con số 75. Và bên dưới, vẫn còn nhiều hàng để trống. Những đồng đội đã nằm xuống đất lành, tên các anh cũng hóa thành mây trắng giữa trời quê hương...
Để hoàn thành thước phim tư liệu kỷ niệm 70 năm chiến thắng Bồ Bồ, nhóm phóng viên đã liên lạc rất nhiều trong 49 nhân chứng còn sống, và cũng đã trao đổi được với 4 người: Trung tá Hồ Phúc Ngôn - nguyên chiến sĩ Đội đặc công 11, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Thành đội Đà Nẵng, 92 tuổi; ông Nguyễn Văn Đài, 96 tuổi, nguyên du kích, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điện Tiến; Đại tá Nguyễn Văn Mỹ, 95 tuổi, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 22, nguyên Sư đoàn phó Sư đoàn 859 Quân khu 5; ông Mai Kim Xinh, 90 tuổi, nguyên chiến sĩ Đại đội 203, Tỉnh đội Quảng Nam. Chúng tôi luôn tin rằng, những chứng nhân huyền thoại của quả đồi mang danh Bồ Bồ này vẫn sẽ tìm về. Cuộc về trên đỉnh đồi 55 sẽ không có hồi kết...