Kỷ niệm bắt sống giặc lái máy bay Mỹ

PGS-TS. VÕ PHÁN 27/01/2014 11:05

(Xuân Giáp Ngọ) - Năm 1965, Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng. Trung ương Đảng ta nhận định, miền Bắc là hậu phương cho nhân dân miền Nam chống Mỹ, đế quốc Mỹ nhất định sẽ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trung ương lệnh cho các cơ quan, nhất là các trường học ở Hà Nội phải sơ tán về nông thôn, rừng núi để tránh tổn thất do địch gây ra. Cơ quan tôi là một trường đại học lớn phải di chuyển toàn bộ trường lớp về vùng rừng núi trùng điệp của tỉnh Bắc Giang. Đó là vùng sâu, vùng xa, rừng núi rậm rạp, dân cư thưa thớt. Chúng tôi cả thầy lẫn trò phải vào rừng sâu chặt nứa, cắt tranh xây dựng nhà cửa cho hàng nghìn con người vừa ở, vừa học tập. Không có điện thì dùng đèn dầu hỏa. Không có nước  thì đào giếng, chợ xa hàng chục cây số. Đây là vùng tương đối an toàn, nhưng lại nằm dưới đường bay của giặc từ vịnh Bắc Bộ qua dãy núi vùng Đông Bắc vào đất liền. Thỉnh thoảng chúng tôi lại chứng kiến hàng đoàn máy bay Mỹ vào oanh tạc, bắn phá các cơ sở hậu cần của ta ở phía Bắc, trong đó có sân bay kép Bắc Giang. Chúng tôi vừa là giáo viên giảng dạy vừa ở trong đại đội tự vệ của cơ quan. Nhiệm vụ của đội tự vệ là bảo vệ an ninh cơ quan, kết hợp với dân quân địa phương phòng chống biệt kích phá hoại, tham gia bắn máy bay địch tầm thấp, bắt giặc lái nhảy dù. Chúng tôi cũng được phát súng, mỗi năm dành 15 ngày tập ngắm xạ kích, ngắm bắn mục tiêu, ôn tập các câu tiếng Anh để bắt giặc lái Mỹ “Hands-up” (giơ tay lên), “Drop your gun” (bỏ súng xuống).

MiG-17 của quân ta bắn hạ chiếc F4 của Mỹ. Ảnh: Trang thông tin khoa học kỹ thuật quân sự và giáo dục quốc phòng.
MiG-17 của quân ta bắn hạ chiếc F4 của Mỹ. Ảnh: Trang thông tin khoa học kỹ thuật quân sự và giáo dục quốc phòng.

Tháng 11.1967, một dịp thử thách đã đến. Hôm đó, khoảng 1 giờ chiều, một tốp máy bay Mỹ hơn hai chục chiếc gồm F105, F4 từ biển Đông vượt qua dãy núi vòng cung Đông Bắc vào bắn phá khu vực Bắc Giang và vùng lân cận. Ngay lập tức, một phi đội máy bay MiG-17 của ta lên chặn đánh. Trận chiến diễn ra ác liệt. Máy bay ta và máy bay địch quần nhau trên bầu trời. Dưới đất súng cao xạ bắn lên liên tục, dồn dập, máy bay địch hoảng sợ, đội hình có vẻ rối loạn. Trong công sự chúng tôi súng cầm tay theo dõi máy bay địch. Bỗng 1 chiếc máy bay F4 của Mỹ bị bắn cháy đang lao về phía biển Đông, và 1 chiếc khác cũng bị cháy lao về phía đồi núi, chưa rõ máy bay ta hay địch. Chúng tôi vừa mừng vừa lo. Chiếc máy bay F4 của địch cháy rừng rực, vừa bay vừa lảo đảo, quay tròn và rơi cách cơ quan tôi khoảng 500 mét. Đồng thời 1 chiếc dù trắng bung ra trên bầu trời. Chúng tôi nhảy ra khỏi công sự và gọi nhau đi bắt giặc lái Mỹ. Đội tự vệ chúng tôi chạy ngay đến chỗ chiếc máy bay F4 rơi. Đầu máy bay địch cắm xuống đất, đuôi chổng  lên trời, đang cháy ngùn ngụt. Chúng tôi phân công một số bảo vệ hiện trường, một số khác chạy đi tìm bắt giặc lái. Đồi núi trùng trùng điệp điệp, cao đến bốn năm trăm mét. Chúng tôi leo lên đồi cao tìm dấu vết chiếc dù rơi và phi công. Kinh nghiệm các nơi cho biết giặc lái vẫn chưa đi xa. Về mùa đông, bóng đêm ập xuống rất  nhanh, mọi người lo lắng nếu không bắt được giặc lái, trục thăng Mỹ có thể ứng cứu ngay trong đêm.

Chúng tôi rất khẩn trương, tìm hết nơi nọ đến nơi kia trên quả đồi rậm rạp, súng trường cầm tay, miệng hô “Hands-up” hy vọng tên giặc lái sợ mà chui ra. Ai ngờ đến chỗ tên giặc lái nấp, nghe hô “Hands-up” nó sợ và chui ra từ bụi cây thật, hai tay giơ lên trời. Mọi người đều quay súng chĩa vào tên giặc lái. Điều trước tiên là lột mũ phi công, trói tay và dẫn xuống núi. Dân làng đều vây quanh xem mặt giặc lái, hoan hỉ cười nói. Ai nấy đều vui mừng. Đến tối, tên giặc lái được giao cho Tỉnh đội Bắc Giang. Cùng lúc đó, dân quân xã Nghĩa Phương lao vào vùng rừng núi tìm xác chiếc máy bay thứ hai bị rơi. Một tin sét đánh đến với mọi người, chiếc  máy bay thứ hai rơi là máy bay MiG-17 của ta. Ai nấy đều sững sờ. Dân quân đã tìm thấy xác máy bay và thi thể anh phi công.

Lãnh đạo đơn vị sân bay cũng đã về kịp và cho biết, khi ra đa phát hiện tốp máy bay địch từ biển Đông vào thì một phi đội ta gồm 4 chiếc MiG-17 đã xuất kích, chặn đánh. Suốt hàng giờ liền, quần nhau với địch, ta bắn rơi được 1 chiếc F4. Do lực lượng chiến đấu không cân sức, máy bay ta phải đương đầu với lực lượng địch gấp năm, sáu lần, nên 1 máy bay ta bị địch bắn rơi. Dù được lệnh nhảy dù, nhưng đồng chí đó vẫn cố lái máy bay rơi vào vùng núi để tránh  rơi xuống thôn xóm, gây chết chóc đau thương cho dân làng, do đó anh đã hy sinh. Mãi đến khuya thi hài đồng chí phi công mới được đem về đến nghĩa trang xã Nghĩa Phương. Không khí đau buồn, tiếc thương bao trùm cả thôn xóm. Lãnh đạo đơn vị bộ đội không quân xin phép đem thi hài đồng chí phi công về mai táng ở nghĩa trang không quân. Nhưng nhân dân xã tha thiết đề nghị lãnh đạo bộ đội cho phép an táng đồng chí đó tại nghĩa  trang xã nhà. Xem đấy là nghĩa tình của dân làng ghi nhớ hành động anh hùng của đồng chí, đã cứu cả xóm làng.

Đêm hôm đó, tại nghĩa trang xã, dân làng cùng dân quân tự vệ, lãnh đạo đơn vị bộ đội tiến hành tang lễ, mai táng long trọng, trang nghiêm.

Một điều bất ngờ đối với tôi, đồng chí phi công hy sinh đó chính là anh Nguyễn Hữu Tào, quê xã Điện Nam nay là xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, cùng quê với tôi. Anh Tào hy sinh, để lại người vợ trẻ và một con thơ trên miền Bắc.

Anh Tào vĩnh biệt chúng tôi ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Tự hào về anh, người con của quê hương, tôi nguyện công tác và rèn luyện tốt hơn nữa.

Đã 47 năm trôi qua, những năm tháng gian khổ, hào hùng ấy đã để lại trong ký ức chúng tôi những kỷ niệm không bao giờ phai.

PGS-TS. VÕ PHÁN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỷ niệm bắt sống giặc lái máy bay Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO