“Làm thế nào để việc của mình dễ hơn mỗi ngày” - những y bác sĩ của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (nay đã sáp nhập thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Quảng Nam) đã tâm niệm như vậy, để cố gắng đến gần với người bệnh hơn…
“Giáo dục nhóm “ - chương trình được các y bác sĩ lựa chọn để người bệnh hiểu rõ về quá trình điều trị của mình. Ảnh: L.Q |
Liệu pháp chuyên môn và tâm lý
Gặp chúng tôi, mở đầu câu chuyện, bác sĩ Chế Thị Việt Hoa (nguyên Giám đốc Trung tâm HIV/AIDS) đã thẳng thắn, ghi nhận việc báo chí phản ánh những khó khăn mà các y bác sĩ ở những nơi mang tính đặc thù như thế này. Nhưng những khó khăn đó xin được gác lại một bên, để những chia sẻ thật nhất về các bệnh nhân được rộng đường đến với người đọc, ở một khía cạnh khác mà không phải ai cũng biết, thấu hiểu. Cứ thế, mạch nguồn câu chuyện xuất phát từ đây.
Năm 2014, thuốc methadone chính thức được sử dụng như một thuốc thay thế để cắt cơn nghiện cho những người muốn rời xa cái chết trắng. Trải qua 5 năm, đã có gần 800 bệnh nhân tìm đến đây để được chữa trị, cũng chừng đó thời gian, các y bác sĩ tại trung tâm đồng hành với họ. “Người đã từng sử dụng ma túy thì không thể tránh khỏi những lúc bị loạn thần. Rồi sẽ hung hãn, cũng có gây rối. Nhưng chuyện đó quá bình thường, vì đơn giản đó là biểu hiện của bệnh lý mà trên liệu trình chữa trị hầu như ai cũng sẽ gặp phải. Quan trọng mình phải hiểu được rằng, họ đang nỗ lực hết sức để thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của ma túy, để trở thành một một người như bao người khác. Đó mới là mấu chốt” - bác sĩ Hoa nói.
Để làm được điều đó, các y bác sĩ ở trung tâm luôn đặt mình vào từng trường hợp của người bệnh, để thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ cùng họ. Mục đích cao nhất vẫn là giúp họ thoát ra được sự khống chế của ma túy. “Bệnh về ma túy có thể chuyển qua dạng mạn tính, nghĩa là phải uống thuốc đến suốt đời. Vì vậy, muốn điều trị hiệu quả thì phải giúp họ hiểu được rõ nhất căn bệnh của mình, điều trị ra sao; liều lượng thế nào; sẽ có những phản ứng phụ với thuốc khi sử dụng cùng lúc với loại thức ăn, thức uống gì… Khi họ đã hiểu rõ thì hiệu quả điều trị sẽ nhanh hơn rất nhiều” - bác sĩ Hoa nói thêm.
Những người lần đầu tiên đến điều trị đều phải trải qua 3 lớp tư vấn kiến thức về căn bệnh của mình. Lần thứ nhất nhằm khái quát cho họ hiểu rõ được vấn đề liên quan đến bệnh của mình như: ma túy sẽ ảnh hưởng đến những bộ phận nào trên cơ thể, phản ứng ra sao, có thể gây hại những gì…; lớp thứ 2 nêu rõ quy trình chữa trị ra sao, liều lượng thuốc mỗi lần khác nhau như thế nào; và lớp thứ 3 là kỹ năng để tái hòa nhập với cộng đồng. “Mỗi người bệnh đều có sự giám sát của người thân trong gia đình, giúp chúng tôi nắm rõ hơn về những thay đổi cụ thể của bệnh nhân. Chính họ là người gần gũi nhất nên có thể chăm sóc tốt hơn. Ví dụ như, đôi khi biểu hiện của sốc thuốc là ngủ. Nhưng nếu không có kiến thức thì nghĩ rằng đó là ngủ đơn thuần, thực chất, có thể người bệnh đang chết đi. Vì thế, cả người nhà cũng phải hiểu rõ từng biểu hiện của người bệnh để hỗ trợ giúp họ” - y sỹ Nguyễn Thị Nguyên Em cho hay.
Các buổi tập huấn như các lớp học, mà ở đó ai không thuộc bài buộc phải học lại, cho đến khi nào thuộc được mới thôi. Theo bác sĩ Hoa, có người đến lớp chậm 5 phút vẫn bị mời ra, không cho tham gia buổi học đó nữa. Bởi nếu trù trừ cho họ lần này, thì sẽ có lần sau, rồi cũng sẽ trù trừ trong việc uống thuốc đúng giờ, đúng ngày, ảnh hưởng đến liệu trình trị liệu. “Chúng tôi quyết liệt trong việc siết chặt kỷ luật để rèn cho họ một khuôn phép nhất định. Chỉ khi người bệnh và mình hiểu nhau, đồng thuận và đồng hành thì mới thành công” - bác sĩ Hoa nói thêm.
Xóa bỏ mọi kỳ thị
Như mở đầu câu chuyện, vấn đề các y bác sĩ ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS muốn là cộng đồng có thể xóa bỏ mọi khoảng cách đối với người đang cai nghiện ma túy. Cũng theo bác sĩ Hoa, nhóm nghiện ma túy ở Quảng Nam phân chia thành 2 nhóm rõ rệt: nhóm giàu có, là đối tượng được các con nghiện khác đặc biệt chú ý, lôi kéo vì nguồn tiền bạc dồi dào. Nhóm còn lại là những người làm ở các bãi vàng, kỹ năng sống bị hạn chế rồi bị kéo vào cuộc chơi bến bãi. “Chính vì thế, đừng kỳ thị họ, mà hãy mở rộng mọi cánh cửa đối với những người đang từng ngày nỗ lực để hoàn lương. Đó cũng là động lực để giúp họ sớm vượt qua, hòa nhập với cộng đồng” - bác sĩ Hoa nói.
Theo y sĩ Nguyễn Thị Nguyên Em, ban đầu khi mới làm công việc này cũng không khỏi lo lắng, sợ hãi. Nhưng sau khi đã tiếp xúc với nhiều trường hợp, hoàn cảnh vì ma túy mà tan nát cả gia đình, thấy được sự thành tâm của họ, mong muốn được làm lại từ đầu thì sự sợ hãi biến mất, thay vào đó là những cảm thông, thấu hiểu. Cũng không tránh khỏi những lần bệnh nhân lên cơn, loạn thần rồi gây rối. Những lúc đó, chị chọn cách không đối mặt mà dỗ dành, rồi tìm cách chia sẻ. “Cứ thế, cái nghiệp như đã ngấm vào máu. Mỗi lần nghe cha mẹ, hoặc chính học viên cai nghiện của mình khoe rằng đã dần cắt cơn, làm được điều này, điều nọ có ích là vui không thể tả. Thấy rằng, mình cũng đã là một phần trong đó” - chị Em tâm sự.
Sự kỳ thị, nói cho cùng xuất phát từ việc chưa hiểu hết bản chất của căn bệnh. Và cũng chính nó là rào cản lớn nhất làm cho người bị bệnh mặc cảm, tự ti dẫn đến tách biệt với xã hội. Chính vì vậy, các y bác sĩ của trung tâm đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền cho cộng đồng. Từ các em học sinh cấp 2 cho đến người già ở vùng núi hay bãi ngang, ven biển mà tuyên truyền viên, đôi khi chính là những người đang tiến hành cai nghiện tại trung tâm. “Những người đã từng trải qua, sẽ biết rõ nhất thủ đoạn, mánh lới mà bọn buôn ma túy giăng ra. Vì thế, không ai có thể tuyên truyền tốt hơn họ. Ngay cả trong đội ngũ cán bộ y tế vẫn đang tồn tại tâm lý kỳ thị. Vì thế, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, làm sao để người bị bệnh nhận được sự cảm thông, để họ nhìn thẳng vào sự thật rồi tìm cách thoát khỏi ma túy” - bác sĩ Hoa nói.
XUÂN HIỀN - NGUYỄN DƯƠNG