Kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ 27.7: Khói bay về trời

DUY HIỂN 27/07/2014 09:48

Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) xã Tam Thái quê tôi nằm trên một ngọn đồi được san ủi bằng phẳng, cổng quay về hướng nam có tỉnh lộ ĐT616 (nay đổi thành QL40B) suốt ngày rộn rịp xe cộ. Không biết lãnh đạo xã ngày ấy, ai đã chọn một vị trí nghĩa trang thật đắc địa. Mé ngoài cổng nghĩa trang có một cây cốc, không biết đã mấy trăm tuổi, trông già nua lắm rồi, mấy năm nay tự nhiên cành lá lại xanh tươi. Cây cốc bình thường như bao cổ thụ khác, ấy vậy nó cũng được ghi tên trong lịch sử của tỉnh, của địa phương với địa danh Cốc Bà Tỏ.

Tôi hay về NTLS thắp hương, cứ mỗi lần nhìn những dãy mộ chí nằm ngút ngát lòng lại chợt nhớ câu thơ của Vương Hàn - nhà thơ đời Đường: “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” - nghĩa là “Xưa nay những người đi chinh chiến có mấy ai trở về”. Quây quần nơi đây là những liệt sĩ của cả ba thời kỳ, chống Pháp, chống Mỹ, chống Pol Pot. Có người hy sinh ngay sau khi Hiệp định Genève - 1954 ký chưa ráo mực; rất nhiều người trì chí, chấp nhận cái chết giữa thời buổi đen tối, kẻ thù mặc sức chém giết. Còn những dãy mộ chỉnh tề như hàng quân kia là những chiến sĩ Tiểu đoàn 72, hy sinh khi quân Mỹ, lần đầu tiên áp dụng chiến thuật “mũi lao nhọn”, có điệp báo giúp sức dùng xe tăng đánh thốc vào đội hình đơn vị. Có người ngã xuống khi ngày chiến thắng đã tới rất gần. Những liệt sĩ hy sinh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, trong đó có những người thân quen, tôi còn mường tượng được gương mặt họ ngày lên đường ra trận

Tác giả và con gái thắp hương tưởng niệm cha và ông nội tại NTLS Tam Thái.Ảnh: D.HIỂN
Tác giả và con gái thắp hương tưởng niệm cha và ông nội tại NTLS Tam Thái.Ảnh: D.HIỂN

Năm rồi NTLS được tu bổ nên đã khang trang. Những dãy mộ ốp đá hoa tím rất đẹp. Cây cối cũng bắt đầu lên xanh, không lâu nữa lá hoa xanh tươi cùng tiếng chim ríu ran sẽ làm dịu đi những mất mát… Nhưng tôi chợt thẫn thờ nhận ra, đã vắng dần những gương mặt thân quen vẫn thường đi viếng vào dịp 30.4, 27.7 hay mỗi khi xuân về tết đến. Còn nhớ trên con đường dẫn về nghĩa trang, tôi vẫn hay gặp một ông cụ đội chiếc mũ cối đã sờn cũ, tay cầm chiếc gậy bước đi khập khiễng thắp hương. Có hôm trời mưa, ông cụ vẫn lướt thướt áo choàng, chậm rãi dò từng bước. Ông bảo còn đi được nên không muốn phiền con cháu. Những năm chính quyền Diệm thả sức chém giết đảng viên cộng sản, ông may mắn được đưa theo đường dây ra Bắc, nhưng nhiều đồng chí của ông thì đã nằm lại nơi này. Hai năm lại đây không thấy ông chống gậy lần bước nữa. Tôi biết có những ngôi mộ không còn ai ruột rà đến thắp hương vì Bà mẹ Việt Nam anh hùng ấy đã về theo con mình.

Tôi nhớ ngày khai quật những hố chôn liệt sĩ tập thể tại rừng cấm Khánh Thọ, dì tôi - người đã từng chia nhau với bạn tù ngày ấy từng ve dầu, lọ thuốc chống tụ máu vì đòn tra khảo, đã bươn bả lên thắp hương. Đôi mắt nhòa lệ của dì trong khói hương nghi ngút vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi. Một đồng đội của ba tôi thời chiến khu, sau hòa bình vẫn sống đơn chiếc. Mỗi dịp lễ mừng đất nước thống nhất, cô lại đi thắp hương NTLS rồi tổ chức bữa cơm nghĩa tình mời đồng đội tới nhà và chuyện trò về những năm tháng gian nan ác liệt. Cô đã may mắn thoát qua nhiều phen lửa đạn nhưng không thể thoát khỏi bạo bệnh. Sống chết là lẽ thường tình, bao gương mặt thân quen giờ đã là người thiên cổ.

Chiều nghĩa trang, những sợi khói hương bảng lảng bay về chốn mơ hồ. Người xưa vẫn coi những đỉnh núi ẩn trong khói mây là nơi trú ngụ của những linh hồn bất tử. Những người chết cho sự bình yên của đất nước này, ắt hẳn cũng ngụ trên đỉnh núi huyền thoại ấy.

“Đất nước gian nan chưa bao giờ bình yên”. Kẻ thù phương Bắc lại lăm le xâm chiếm biển Đông. Chúng đã từng thất bại và sẽ tiếp tục thất bại. Nhưng không phải thế lực xâm lược nào sau khi thất bại đều biết nhận ra bài học của lịch sử. James G. Zumwalt, tác giả cuốn Chân trần chí thép, đồng thời là con trai của Đô đốc chỉ huy trưởng lực lượng hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã viết rằng: “Có lẽ sai lầm lớn nhất của chúng ta tại Việt Nam là đã không nhận ra rằng chúng ta đang chiến đấu với một thế hệ vĩ đại nhất của đất nước này - một thế hệ với quyết tâm thống nhất và duy trì sự tồn tại của dân tộc sẵn sàng đứng lên đánh đuổi hết quân ngoại xâm này đến quân ngoại xâm khác”. James G. Zumwalt đã nói đúng, đó thật sự là “một thế hệ vĩ đại”. Và dân tộc này luôn sản sinh ra những thế hệ vĩ đại để bảo vệ sự tồn sinh chính đáng của mình.

DUY HIỂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ 27.7: Khói bay về trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO