Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 1: Từ bụng mẹ bước ra sân khấu

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 02/06/2015 08:48

Khi tôi hỏi chị, đất Quảng Nam có gì đã cuốn hút chị đến vậy? Kim Cương nói: Đây là vùng đất quan trọng, địa đầu của Đàng Trong từ xưa. Ở đây có nhiều danh nhân lớn và là nơi tôi cũng có nhiều người bạn tâm giao, nên đã yêu người thì yêu luôn cả vùng đất này.

Năm nào chị cũng sắp xếp ra Quảng Nam làm từ thiện, ít nhất một lần. Mấy ai biết được nỗi lòng của chị, cho đến một hôm tôi gặp chị ở Hội An…

Như một ngọn hải đăng trên sân khấu kịch nói Sài Gòn gần nửa thế kỷ nay, có lúc người ta gọi chị là “kỳ nữ”, có lúc lại mang một cái tên “rất con trai” là Hoàng Dũng với những kịch bản thoại kịch đậm màu sắc xã hội. Bẵng đi một thời gian khá dài, người ta thấy chị khăn gói xuống Vĩnh Long, Cần Thơ hoặc ra miền Trung trong những đoàn cứu trợ xã hội. Rồi cũng chính Kim Cương thỉnh thoảng lại vào chùa học đạo... Ngồi giải lao trong sân Trung tâm Xã hội Hội An, Kim Cương kể: Trong vai Na Tra, (vở “Na Tra lóc thịt” của nghệ sĩ Bảy Nam), trên sân khấu miền Nam từ năm lên 7 cùng với mẹ và dì ruột là những nghệ sĩ Bảy Nam, Năm Phỉ nổi tiếng, được khán giả vỗ tay rần rần, cô bé Nguyễn Thị Kim Cương tưởng đâu đời mình sẽ gắn liền với nghiệp của gia đình. Nhưng không! Sau khi cha chết trên đường lưu diễn ở Phan Thiết, cả mẹ Năm và mẹ Bảy cùng đưa ra quyết định không cho con bé theo cái nghiệp quá bạc bẽo này. Kim Cương được gửi vào trường nội trú theo học văn hóa cùng các sœur...
“Sau này khi đã thành danh, mẹ Bảy Nam nói tôi đã diễn từ trong bụng mẹ diễn ra, lúc bà có mang tôi chưa được bao lâu. Khi diễn xuất với cái bầu, có lúc bà đứng dậy không nổi, bèn nhờ bạn diễn là nghệ sĩ Năm Châu đỡ dậy. Đến khi vài tháng tuổi, lại được ra Huế “đóng vai” đứa bé con của Thị Mầu trong vở Quan Âm Thị Kính nhân dịp sinh nhật bà Từ Cung là mẹ của vua Bảo Đại ở cung An Định. Nhưng “vai” này chỉ nằm yên trong chiếc khăn lông và một bình sữa để... khỏi khóc thôi!”.

Nghệ sĩ Kim Cương ở Trung tâm xã hội Hội An.
Nghệ sĩ Kim Cương ở Trung tâm xã hội Hội An.

Những ngày xa đoàn hát, xa gia đình đi học, Kim Cương mới cảm thấy nỗi nhớ sân khấu. Trong đó có những kỷ niệm về vai đầu đời như Na Tra quậy phá, từng được khán giả hoan nghênh không ngớt. Lại nhớ những ngày theo đoàn lênh đênh trên sông nước, nghe những người lớn diễn tập hoặc nói chuyện vui buồn sân khấu sao mà hồn nhiên và đẹp đẽ vậy! Từng đêm cô bé Kim Cương không thể ngủ đúng giờ như các bạn cùng lớp trong ký túc xá vì nỗi nhớ da diết ấy. Tuy kỷ luật trong trường khá nghiêm khắc, nhưng với bản tính con trai, mỗi đêm cô bé lại giả ma chọc phá bạn bè hoặc leo tường trêu ghẹo, nhại tiếng rao đêm của những người bán hột vịt lộn, bán chè đêm bên ngoài...

Sự lên - xuống của đoàn hát của mẹ luôn thể hiện rõ trong sự học của chị hồi đó. “Khi đoàn hát khá, có tiền thì lên học trường lớn ở Đà Lạt, khi diễn ế lại về học ở Tân Định. Đến lúc nghèo quá không đủ tiền, mẹ Bảy Nam lại gửi vào cô nhi viện của nhà thờ cha Tam trên Chợ Lớn...” - Kim Cương nhớ lại.

Những tưởng sẽ xa mãi ánh đèn sân khấu, nhưng sau đó, khoảng thời gian sau năm 15 - 16 tuổi, nhân các dịp nghỉ hè trở về đoàn hát giúp gia đình thì lại bị sân khấu mê hoặc. Trở lại là nổi tiếng luôn với những vai diễn làm rơi nước mắt người xem. Sau đó, Kim Cương lại thay mẹ gánh vác đoàn hát. Lúc nhiều tác giả kịch bản Sài Gòn chuyển qua viết tuồng cải lương, thoại kịch đang thiếu vở diễn, Kim Cương lại xuất hiện dưới cái tên Hoàng Dũng và các kịch bản nổi tiếng sau đó như Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo…

“Sở dĩ tôi chấp nhận ở lại Việt Nam là vì: trước hết là vì gia đình, má tôi đã già, không đi, thứ hai, là tôi thương khán giả của tôi, tôi nghĩ rằng đi ra nước ngoài sẽ có cuộc sống vật chất bảo đảm hơn, nhưng sẽ không có số khán giả nào thương tôi như khán giả ở Việt Nam.
Tôi có học ở Pháp 4 năm, ở nơi này nơi kia, và tôi thấy rằng, tôi không thể nào sống ở nơi khác ngoài Việt Nam, nên tôi đã quyết định ở lại”.
(Nghệ sĩ Kim Cương trả lời RFA)

Chẳng biết từ lúc nào, báo chí và dư luận đã tặng cho chị cái danh hiệu “kỳ nữ”, mà sau này, trong một dịp giao lưu với khán giả, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã giải thích “kỳ nữ” chính là tên được dành cho Mạnh Lệ Quân, một phụ nữ kỳ tài trong lịch sử Trung Quốc. Một Kim Cương nghệ sĩ, trưởng đoàn, viết kịch bản, và cả đạo diễn... ở vị trí nào chị cũng trở nên xuất sắc nên xứng đáng được ca ngợi như vậy lắm chứ!

“Hơn 40 năm, có tất cả những vinh quang, đau khổ tôi mới hiểu ra vì sao gia đình ngày xưa đã không cho đi theo nghề hát. Danh vọng của nghệ sĩ, nhất là một nữ nghệ sĩ đã phải đánh đổi với một giá rất đắt… Một nửa cuộc đời mình phải sống cho người khác, luôn bị áp lực tinh thần rất nặng. Dư luận nhiều khi nói những chuyện oan ức với mình, nhưng chẳng thể giãi bày hoặc thậm chí có lúc họ ca ngợi mình lên mây, thì mình vẫn thấy chưa xứng đáng...” - ngồi ngoài vườn của Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn ở Hội An, Kim Cương tâm sự...

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Kỳ 2: Sân khấu và cuộc đời
Nỗi buồn của chị cũng không ít và đã được chị nén chịu riêng mình, ít khi bộc lộ. Mới đây, sau nhiều lần thoái thác, chị kể với tôi một kỷ niệm về cố nghệ sĩ Thanh Nga…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 1: Từ bụng mẹ bước ra sân khấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO