Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ cuối: Những điều không thể hẹn

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 04/06/2015 08:34

Tuy bắt đầu từ cải lương nhưng người ta luôn nhớ đến Kim Cương như một nghệ sĩ lớn của sân khấu thoại kịch với những vở để đời như Lá sầu riêng hay Dưới hai màu áo. Cả với tư cách diễn viên lẫn tác giả kịch bản, đó là vở diễn để lại những kỷ niệm sâu đậm sau gần nửa thế kỷ của chị bởi nó đụng chạm đến tình mẫu tử.

  • Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 1: Từ bụng mẹ bước ra sân khấu
  • Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 2: Sân khấu và cuộc đời
Làm việc thiện - với nghệ sĩ Kim Cương là những điều không thể hẹn.
Làm việc thiện - với nghệ sĩ Kim Cương là những điều không thể hẹn.

“Trên thế gian này không có gì thiêng liêng bằng tình mẹ, đó là thứ tình cảm tự nhiên vì không bao giờ có sự trao đổi”. Sau này khi đến với những người nghèo chị lại nghiệm thấy điều đó. Một bà mẹ 57 tuổi ở Thủ Đức phải nuôi 4 đứa con bại não, đứa lớn nhất đã gần 30 tuổi. “Sao không gửi cháu vào trung tâm nuôi dưỡng? Người mẹ ấy trả lời: Người ta nuôi con mình không kỹ bằng mình, nên dù khổ cũng phải tự nuôi! “Người mẹ ấy khác gì một vị Bồ tát!” - Kim Cương kết luận!

“Nhưng không phải vì cha tôi được nhà chùa giúp đỡ hay hình ảnh người mẹ khổ đau kia mà tôi theo đạo Phật”. Kim Cương bảo chị không phải là người giác ngộ sớm. Chị đã đến với Phật giáo bằng con đường đau khổ. Cái khổ của một nữ nghệ sĩ là không thể tả. Khổ đến nỗi nuốt vào trong lòng và cách đây 20 năm, có lúc chị đã muốn tự tử. Chị tìm đến một vị thượng tọa để giãi bày và được vị này chỉ bảo: “Vui buồn, hạnh phúc khổ đau đều như một áng mây, ôm vào hay xua đi đều không được. Rồi nó sẽ qua như lẽ sanh diệt, hợp tan vậy!”.

Một lần khác quá đau khổ vì tình chị cũng... đòi chết nữa, thì được thầy dạy: “Trên đời này đâu phải ai muốn gì cũng được. Kim Cương muốn 10 điều thì đã được 7, vậy còn đòi gì nữa! Còn bao nhiêu người đau khổ hơn cô ở ngoài kia. Kim Cương phải biết chấp nhận trong đời có những cái mình muốn mà không bao giờ được!”. Những lời răn dạy đó đã giúp chị tỉnh ngộ, hiểu, chấp nhận và cố sống tốt đẹp hơn trong khả năng của mình. “Kim Cương đã đến với Phật giáo từ những câu chuyện bình thường, hoặc những cuốn sách của các nhà văn Phật giáo như Nguyễn Tường Bách, Cao Huy Thuần, Võ Đình Cường... mà tôi đã đọc...” .

Sự nhiệm màu của tôn giáo qua những điều giản dị và gần gũi với một tâm hồn nhạy cảm của Kim Cương đã giúp chị biến nó thành hành động, lời nói và cả sự bình an và san sẻ cho người khác. Đó là làm sao cho cuộc đời, cho những con người quanh mình bớt khổ đau. Vì vậy khi giã từ sân khấu, không một phút suy tính, Kim Cương đã bắt tay vào các hoạt động từ thiện trên khắp cả nước. Chị kể vì không thể không làm được, và vì đó là lẽ đương nhiên như một phận sự.

Qua công tác từ thiện, năm nào Kim Cương và các nghệ sĩ trẻ cũng về Quảng Nam một đôi lần. Chị kể rằng chị cũng học được nhiều hơn ở con người. Có nhiều tâm hồn rất đẹp nhưng không hề phô trương. Đối với nhiều người, làm điều lành là con đường không có chỗ dừng và cũng không bao giờ là muộn với một tấm lòng thật sự cảm thông, thật sự chia sẻ. Sự có mặt và chia sẻ kịp thời đôi khi đã góp phần làm dịu đi phần nào nỗi đau của người khác. Một bà cụ suốt 10 năm nấu cháo hàng ngày mang đến bệnh viện ung bướu. Một chủ xí nghiệp có mặt kịp thời ở các tòa soạn báo mỗi khi có bão lụt ở đâu đó cần sự giúp đỡ. Nhiều em học sinh đập heo đất dành dụm bấy lâu để giúp các gia đình bị hỏa hoạn... Của cho không bằng cách cho. Tất cả họ đâu có ai cần nêu tên.

Khi được hỏi về công tác từ thiện hiện nay, Kim Cương cho biết chị hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi đồng thời được tín nhiệm vào chức vụ Thường vụ Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.Hồ Chí Minh từ nhiều năm qua. Trong đó, với sự đóng góp của các nhà hảo tâm, trong 10 năm qua, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo đã mổ mắt, vá môi cho trên 300 nghìn người ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em nghèo đã vận động đóng góp xây dựng một trường dạy nghề (20 tỷ đồng), hai năm qua đã đào tạo nghề cho trên 600 em. Có những em khuyết tật sống ngoài lề xã hội, được đào tạo nay đã đổi được đời, sống có ích cho mình và cho mọi người. Hoạt động của hội gắn liền với các địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng…

Sau một chuyến công tác từ thiện mới đây ở miền Trung của chị Kim Cương và các văn nghệ sĩ trẻ, tôi đã viết một bài nói về trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ, trong đó có tấm gương của chị. Kim Cương đã đọc bài báo và mail cho tác giả: “Mấy chục năm năm dấn thân vào những công tác từ thiện đối với tôi chỉ vì một lý do duy nhất là vì mình không thể vô cảm với cái đau của người khác. Với trái tim của người nghệ sĩ, mình làm là vì mình không thể không làm được, chứ thú thật với anh là tôi không hề có một suy nghĩ nào khác. Vì vậy tìm được một người hiểu mình, tôi luôn cho đó là điều rất hạnh phúc. Rất cám ơn những suy nghĩ tốt đẹp mà anh dành cho tôi cũng như các bạn trong chuyến công tác vừa qua...”.

Một lần khác, tôi cùng chị và anh Phạm Phú Ngọc Trai - một người con của đất Điện Bàn, các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ từ Sài gòn đi ủy lạo những bệnh nhân tâm thần ở Tam Kỳ (Quảng Nam). Xe vừa dừng lại đã thấy chị Kim Cương tất bật kéo xuống những bao tải lớn chứa đầy quần áo. Đó là phần đóng góp bằng hiện vật của riêng chị và các bạn bè. Kim Cương gặp ai cũng hỏi xin quần áo cũ rồi tự giặt, ủi, phân loại, đóng gói mang theo trong những chuyến làm từ thiện... “Tu hành cũng như làm việc thiện, đó là những việc không thể hẹn!”- trong một email gửi cho người viết gần đây nhất, Kim Cương đã tâm sự như vậy.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ cuối: Những điều không thể hẹn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO