Kỹ sư làm nấm

VĂN TOÀN – GIANG BIÊN 26/02/2019 07:49

Anh Võ Khắc Chung (SN 1977, xã Bình An, Thăng Bình) từng tốt nghiệp đại học với chuyên ngành công nghiệp điện lạnh, nhưng lại chuyển sang nghề sản xuất và cung cấp phôi nấm ra thị trường. Hiện mỗi tháng, anh Chung cung cấp khoảng 4.000 bịch phôi nấm các loại cho các đại lý, đem lại thu nhập ổn định.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng công nghệ Đà Nẵng năm 1996, thay vì tìm kiếm một công việc ổn định, anh Chung lại tìm kiếm riêng cho mình những thử thách. Anh tìm công việc từ nghề cơ khí, điện.  Và qua một thời gian dài, nhận thấy mọi thứ đều không phù hợp, đến năm 2008, anh tiếp tục học liên thông tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng với chuyên ngành công nghệ nhiệt điện lạnh, từ đó ý định phát triển các công nghệ làm nấm cũng được khơi thông.

Anh Chung nói, nếu làm nấm thì công việc quá đơn giản. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn người làm nấm đều sản xuất nhỏ lẻ và phụ thuộc vào nguồn giống. Do vậy, bản thân mình phải nghiên cứu, tìm tòi những điều mới mẻ hơn. Vào năm 2011, anh Chung bắt tay vào nghiên cứu làm phôi nấm để có thể cung cấp nguồn giống ổn định cho thị trường. Đây là một điều khó, bởi ở huyện Thăng Bình chưa ai dám thử. Lúc đầu, nguyên liệu để làm phôi nấm là mùn cưa thông thường nên không đảm bảo. Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, anh mới nhận thấy, nguyên liệu để làm phôi nấm phải là mùn cưa của cây cao su đang thời kỳ cho mủ. Mùn cưa cao su khi nhập về được 10 - 15 ngày thì tiến hành trộn với nước vôi theo tỷ lệ thích hợp, sau đó bổ sung dinh dưỡng, phụ gia khác như cám gạo hoặc bột bắp. Pha trộn xong rồi đến công đoạn đóng bịch. Công đoạn này làm hoàn toàn bằng tay để cho những bịch phôi nấm đầy đặn, chất lượng và trọng lượng mỗi bịch có 2  - 2,2kg. Theo anh Chung, sau khi đóng thành bịch, anh cho vào một phi bằng sắt để hấp cách thủy, và hấp hoàn toàn bằng than đá, mỗi lần hấp như vậy, thời gian kéo dài hơn 12 giờ và được khoảng 300 bịch phôi nấm.

Tháng 12.2018 vừa qua, anh Chung đầu tư máy hấp phôi nấm trị giá 120 triệu đồng, trong đó huyện Thăng Bình hỗ trợ 80 triệu đồng từ nguồn khuyến công. Máy hấp phôi hiện hấp bằng điện, thời gian hấp chỉ kéo dài khoảng 4 giờ, mỗi lần hấp được 420 bịch. Trong quá trình hấp phải đảm bảo nhiệt độ 100 độ C.  Công nghệ khi áp dụng thay thế lò đốt than đá bằng lò hơi góp phần giảm chi phí vận hành, giảm được khí thải ra môi trường. Đặc biệt là kiểm soát được nhiệt độ để cho ra những phôi nấm chất lượng. Sau khi hấp, phôi nấm được đưa ra ngoài giàn treo để nguội trong thời gian khoảng 20 giờ. Công đoạn cấy meo giống là khâu cuối cùng quyết định đến chất lượng phôi giống. Bởi công đoạn này được anh Chung làm trong tủ kín đã được khử trùng cẩn thận, đảm bảo cho quá trình cấy meo giống không bị nhiễm khuẩn. Anh Chung cho rằng, phôi nấm khi được cấy để nguội rồi đem giàn treo thì chỉ cần chăm sóc trong vài ngày đã cho nấm thành phẩm.

Mỗi tháng anh Võ Khắc Chung cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 bịch phôi nấm sò, nấm bào ngư cho các đại lý cấp 1. Ngoài ra, anh còn trực tiếp sản xuất 1.000 phôi nấm sò và 1.000 phôi nấm linh chi để cung cấp nấm ra thị trường trong và ngoài huyện Thăng Bình. Với giá bán 7.000 đồng/bịch phôi nấm có trọng lượng 2 - 2,2kg, mỗi năm anh Chung  thu nhập 100 đến 120 triệu đồng. “Hiện nay chỉ cần người dùng có nhu cầu mua phôi nấm về rồi treo lên giàn, chăm sóc trong vòng 3 - 5 ngày là đã có sản phẩm nấm sạch. Điều này rất thuận lợi, đảm bảo được nguồn thực phẩm sạch. Trong năm 2019 này, tôi dự định đầu tư xây dựng phòng vô trùng để đảm bảo cho việc cấy phôi nấm. Khi có phòng cấy phôi nấm thì tăng được số lượng cung cấp, đảm bảo cho thị trường” -  anh Chung nói.

VĂN TOÀN – GIANG BIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỹ sư làm nấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO