Theo Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về Phê duyệt phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ), từ năm 2015 học sinh học hết chương trình THPT sẽ không có 2 kỳ thi riêng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ mà chỉ phải tham gia kỳ thi quốc gia duy nhất (gọi là kỳ thi chung). Kết quả thi của thí sinh sẽ được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và là một căn cứ quan trọng để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh. Kỳ thi chung sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 6 hằng năm. Trong năm 2015, kỳ thi được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12.6.
Thi tối thiểu 4 môn
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ thí sinh phải thi 4 môn (tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và môn tự chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Kết quả 4 môn này kết hợp với điểm trung bình cả năm lớp 12 được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời làm căn cứ để tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ.
Từ năm 2015, học sinh học hết chương trình THPT chỉ phải tham gia kỳ thi quốc gia duy nhất để xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh vào ĐH-CĐ. Ảnh: Bùi Thị Thanh Minh |
Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi tự chọn để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH-CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH-CĐ quy định trong đề án tuyển sinh của trường. Như vậy sẽ không còn khối thi truyền thống như trước đây, tuy nhiên các trường vẫn phải duy trì tổ hợp các môn để xét tuyển như năm 2014. Ví dụ năm 2014 trường xét vào ngành Y khối B với 3 môn là Toán - Lý - Hóa thì năm 2015 vẫn phải duy trì xét tổ hợp 3 môn là Toán - Lý - Hóa này bên cạnh có thể thêm tổ hợp khác để xét tuyển… Theo thầy Nguyễn Đình Tiến - hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ), việc nên tổ chức một hay hai kỳ thi đến nay không còn quan trọng nữa mà quan trọng là làm sao tổ chức được một kỳ thi thật sự chất lượng.
Băn khoăn và thuận lợi
Theo tài liệu hỏi - đáp về kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT biên soạn, “nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi phải đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH-CĐ.” Căn cứ nội dung này, các trường đều lo lắng vì chưa hình dung rõ nét về cấu trúc đề thi, nội dung ôn tập thi, phân phối chương trình ôn thi ở các khối lớp 10, 11, 12. Cũng theo tài liệu hỏi - đáp này, đề thi đánh giá thí sinh ở cả bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nhưng số lượng câu hỏi, tỷ lệ phần trăm câu hỏi ở bốn mức độ này vẫn chưa được thông báo rõ ràng. Những điều này làm cho giáo viên lúng túng trong việc dạy, học sinh hoang mang trong việc học. Đặc biệt ở những môn học xã hội, đề thi sẽ được ra theo dạng câu hỏi mở, giúp học sinh huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống vào việc làm bài. Những thí sinh chọn tổ hợp thi các môn xã hội cho hay chưa thể hình dung ra được độ khó của đề thi nên rất lo lắng.
Bên cạnh những vướng mắc trong việc tổ chức, nhiều giáo viên đồng ý rằng kỳ thi chung tạo được nhiều thuận lợi cho thí sinh. Nhất là việc giảm được áp lực cho học sinh khi phải thi quá nhiều môn với nhiều kỳ thi khác nhau như lâu nay, đồng thời tiết kiệm được nhiều khoản chi phí tốn kém cho gia đình, xã hội. Đây là kỳ thi với tổ hợp các môn được xét tuyển, khi có kết quả thi mới tiến hành chọn trường ĐH-CĐ nên giúp cho học sinh có sự lựa chọn đúng đắn vào trường mình có nguyện vọng học, tránh được việc “rớt oan”.
Việc HS đăng ký khối thi trước và có thể đăng ký nhiều trường với những tổ hợp môn mình đã chọn giúp có nhiều lựa chọn hơn. Nhà trường cũng có thể tập trung hướng dẫn để học sinh định hướng tốt, tránh tình trạng “vơ đũa cả nắm”, chọn nhiều môn thi (tự chọn) sẽ tự tạo áp lực cho mình. Để hạn chế số thí sinh ảo trong kỳ thi, Bộ GD-ĐT công bố thông tin để thí sinh biết mức điểm được xét tuyển. Bộ có phần mềm được sử dụng để cập nhật nhanh chóng, thông tin rộng rãi đến các trường, để thí sinh có thể biết được “tỷ lệ chọi” và cân nhắc phương án chọn trường phù hợp nhất cho mình.
Một số điều cần biết Theo quy định của kỳ thi chung quốc gia, thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT những năm trước có thể đăng ký dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp; nếu muốn lấy kết quả để xét tuyển vào ĐH-CĐ, có thể đăng ký môn thi tự chọn tùy theo ngành dự định xét tuyển. |
BÙI THỊ THANH MINH