Sau nhiều năm liên tiếp gặt hái thành tích khá tốt, Quảng Nam đã không thể duy trì được kết quả tại kỳ thi học sinh (HS) giỏi quốc gia năm 2019, khi chất lượng giải đạt được giảm đáng kể.
Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn là đầu tàu HS giỏi của tỉnh. Ảnh: X.P |
Chất lượng giải thấp
Kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2018 - 2019, đoàn Quảng Nam đặt rất nhiều kỳ vọng sau chuỗi thành tích ấn tượng nhiều năm trước đó. Tuy nhiên, kết quả khiến nhiều người không khỏi thất vọng khi số lượng HS đoạt giải vẫn được giữ vững song chất lượng giải sụt giảm đáng kể. Tổng số 58 HS dự thi mang về 30 giải, gồm 1 giải nhì, 7 giải ba và 22 giải khuyến khích. Giải nhì duy nhất thuộc về môn Địa (em Doãn Thị Hằng - Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), còn các giải ba thuộc về các môn Địa (2), Sử (2), Sinh (2) và Tin học (1). Các môn Toán, Lý, Hóa, Văn năm nay “mất mùa” khi chỉ có được một số giải khuyến khích. Riêng môn tiếng Anh sau thành tích xuất sắc đoạt giải nhì năm 2018 thì nay “trắng tay”.
Trong khi các môn không có được kết quả tốt thì môn Sử, Địa vẫn giữ vững vị trí đầu tàu của tỉnh với 4 giải môn Sử (2 ba, 2 khuyến khích) và 6 giải môn Địa (1 nhì, 2 ba, 3 khuyến khích). Riêng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm chiếm đến 4 giải cao nhất môn Địa và cả 4 giải môn Sử. |
Với kết quả này, dù số lượng HS đoạt giải vẫn ở mức cao nhưng chất lượng giải của Quảng Nam khá thấp và rơi xuống vị thứ gần như cuối cùng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Kết quả này trái ngược hoàn toàn với thành tích mà giáo dục xứ Quảng từng ghi dấu ấn trong phong trào HS giỏi quốc gia 3 năm trước đó. Cụ thể, tại kỳ thi HS giỏi quốc gia năm học 2015 - 2016, Quảng Nam đoạt 28 giải, trong đó 2 giải nhì, 14 giải ba. Đến năm học 2016 - 2017 có sự tăng trưởng mạnh về chất lượng giải khi giành được 31 giải, trong đó có 7 giải nhì, 12 giải ba. Năm học 2017 - 2018 niềm vui đem lại còn lớn hơn khi các em HS mang về 31 giải, trong đó 11 giải nhì, 4 giải ba, lần đầu tiên Quảng Nam vươn lên xếp vị thứ nhất các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Cần thay đổi
Nhận xét về kết quả năm nay, thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm thừa nhận số lượng và chất lượng giải của trường không bằng các năm trước (năm 2018 trường đạt 20 giải, trong đó 7 giải nhì, 2 giải ba). Tuy nhiên, con số 15 giải trong tổng số 26 em dự thi, trong đó 1 giải nhì duy nhất của tỉnh, 5 giải ba cũng là một kết quả nói lên sự nỗ lực và chất lượng của nhà trường. Theo thầy Chương, cách thức tuyển chọn đội tuyển, công tác bồi dưỡng của trường không khác các năm vừa qua. Nhưng qua thực tế cho thấy, có một số học trò thiếu quyết tâm với việc thi HS giỏi, nhất là những em đã từng đoạt giải HS giỏi quốc gia. Năm nay, đội tuyển Toán của trường có 2 trường hợp từng đoạt giải HS giỏi quốc gia, trong đó có em học rất giỏi và giành giải ba, song lại không được tuyển chọn vào đội tuyển tỉnh để thi quốc gia do các em không có giải tại kỳ thi HS giỏi tỉnh. “Cũng có thể do lứa học trò năm nay không xuất sắc bằng các năm trước” - thầy Chương nhận định.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Thành Khoa - Tổ trưởng Tổ Sử - Địa Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm lại cho rằng, cách tổ chức thi HS giỏi của tỉnh hiện nay ảnh hưởng đến chất lượng đội tuyển HS giỏi. Chẳng hạn, nội dung đề thi quốc gia môn Sử phần luận chiếm đến 70% còn sự kiện chỉ có 30% nhưng đề thi của Quảng Nam thì ngược lại. Thế nên, nhiều em từng đoạt giải quốc gia hay ở đội tuyển tỉnh năm trước đều không có kết quả tốt tại kỳ thi tỉnh và bị loại. Do đó, cần thay đổi cách tổ chức thi HS giỏi tỉnh và phải thi 2 vòng để tuyển chọn được những em giỏi hơn dự thi quốc gia. Sở GD-ĐT và các trường cũng cần nêu cao vai trò của tổ trưởng chuyên môn. Bởi hiện nay, vai trò của tổ trưởng khá mờ nhạt, gần như giao hết cho giáo viên và trông đợi phép màu từ các thầy dạy bồi dưỡng ở Hà Nội. “Chúng ta phải tự lực bằng chính khả năng của mình trong việc bồi dưỡng HS giỏi chứ đừng chờ người khác. Từ đó, mình sẽ tự tin có được kết quả tốt” - thầy Khoa chia sẻ.
Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, kết quả HS giỏi quốc gia vừa qua của tỉnh là “hơn cả mong muốn” vì đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thay đổi cách tổ chức kỳ thi và đề thi một số môn như Toán, Lý quá khó. Dù chất lượng giải không bằng các năm trước nhưng số lượng và tỷ lệ trên 50% HS tham gia đoạt giải cho thấy Quảng Nam vẫn nằm ở tốp cao của khu vực. Để nâng cao chất lượng đội tuyển HS giỏi tỉnh, kế hoạch năm tới sẽ tổ chức thi 2 vòng và thời gian sớm hơn, có thể vào tháng 6 hoặc 7 thay vì tháng 10 để các em có điều kiện ôn tập nhiều hơn.
XUÂN PHÚ